Xuất khẩu gỗ năm 2018: Mục tiêu 9 tỷ USD hoàn toàn khả thi
Với lượng đơn hàng dồi dào, nguyên liệu phần nào chủ động được, hiệp hội và DN ngành gỗ khẳng định, mục tiêu 9 tỷ USD hoàn toàn khả thi.
Nhiều DN đã nhận đơn hàng xuất khẩu đến hết năm 2018
|
Doanh nghiệp "ngập" đơn hàng
Ông Huỳnh Văn Hạnh - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) - cho biết, hiện tại, hầu hết DN lớn đều đã có đơn hàng xuất khẩu đến giữa năm; thậm chí, một số DN còn nhận đơn hàng đến hết năm 2018. Tiêu biểu, Công ty Cổ phần (CP) Cẩm Hà (Đà Nẵng), Công ty Scansia Pacific (TP. Hồ Chí Minh), Công ty CP Woodsland (Hà Nội)… đã nhận được đơn hàng xuất khẩu đến hết năm. Với lượng đơn hàng dồi dào, HAWA khẳng định, mục tiêu xuất khẩu của toàn ngành đạt khoảng 9 tỷ USD trong năm nay sẽ được thực hiện được.
Theo đại diện HAWA, con số này hoàn toàn có cơ sở bởi trong 10 năm trở lại đây, bình quân tăng trưởng xuất khẩu gỗ Việt Nam đạt 12,3%, năm 2018 chỉ tăng 0,7% so với các năm trước là đã ở mức 13%. Thêm vào đó, tỷ giá chênh lệch giữa đồng Euro với USD hiện đã phục hồi so với các năm trước, trong khi Việt Nam xuất khẩu vào EU là chủ yếu, thu Euro đổi ra USD sẽ rất có lợi. Đặc biệt, về nguồn nguyên liệu cho sản xuất, bình quân mỗi năm, Việt Nam đang sử dụng 24 - 25 triệu m3 gỗ các loại, chủ động được hầu hết và chỉ nhập khoảng 6 triệu m3 gỗ để phong phú chủng loại sản phẩm cho khách hàng.
Ông Hoàng Kiều Phong - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Tiến Triển Việt Nam (Bình Dương) - chia sẻ: Năm nay, thị trường triển vọng hơn do có nhiều khách châu Âu và Mỹ chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Giá không tăng, nhưng đơn hàng nhiều hơn, tạo thuận lợi cho DN.
Tháng 1/2018, gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu ra thị trường nước ngoài đạt 773,97 triệu USD, tăng 27% so với tháng đầu năm 2017. Trong đó, riêng sản phẩm gỗ chiếm 72,3% trong tổng kim ngạch, đạt 559,84 triệu USD.
Băn khoăn "bài toán" lao động và công nghệ
Mặc dù đơn hàng và thị trường rất khả quan nhưng không ít DN ngành gỗ đang đối mặt với tình trạng thâm dụng lao động và nguồn vốn để đổi mới máy móc, công nghệ…
Ông Nguyễn Chiến Thắng - Tổng giám đốc Công ty Scansia Pacific - chia sẻ, xét về đơn hàng và thị trường, công ty hoàn toàn có thể đạt mục tiêu đề ra. Tại Scansia Pacific, nhiều nhà nhập khẩu đã đặt đơn hàng đến hết năm, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2017, tập trung chủ yếu vào các thị trường châu Âu, Mỹ. Dù vậy, công ty đang phải đối mặt với tình trạng thâm dụng lao động, thiếu nhân lực có tay nghề cao và áp lực thay đổi máy móc, công nghệ để sản xuất các sản phẩm chất lượng, mang tính thẩm mỹ cao. Theo ông Thắng, kinh tế phát triển, nhiều ngành khác thu hút lao động nên ngành gỗ bị thâm dụng lao động nhiều. Muốn cải thiện được tình trạng này, các DN phải đổi mới thiết bị tự động hóa và cần nhiều vốn - đây là điểm yếu hiện nay của DN Việt, nhất là các DN có quy mô nhỏ.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hồng - Tổng giám đốc Công ty TNHH Gỗ Hạnh Phúc: Tiền lương và bảo hiểm tăng đột biến theo quy định mới, cùng giá nguyên liệu đầu vào tăng, trong khi giá xuất khẩu không tăng, gây khó khăn cho các DN có quy mô vừa và nhỏ.
Minh Long - Thùy Dương
Công thương
|