Thứ Tư, 07/03/2018 11:53

Mỹ áp thuế bảo hộ nhôm thép, hướng đi nào cho các doanh nghiệp Việt Nam?

Với các chính sách bảo hộ nền kinh tế, tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ áp thuế 25% lên thép nhập khẩu và 10% lên nhôm nhập khẩu, với mục tiêu hỗ trợ cho các nhà sản xuất nội địa. Nhiều quốc gia như EU, Canada và các đối tác lớn của Mỹ đều phản ứng giận dữ trước thông tin trên và đe dọa trả đũa. Vậy hướng đi nào cho các doanh nghiệp thép Việt Nam trong thời gian tới?

Thuế chồng thuế, các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó

Trong suốt thời gian qua, các doanh nghiệp ngành Thép Việt Nam luôn phải chống chọi với nhiều khó khăn, từ cạnh tranh thị phần, biến động giá nguyên vật liệu, cung cầu. Mặc dù triển vọng ngành Thép được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng 20-22% trong năm 2018, tuy nhiên gần đây với những thông tin đáng lo ngại về việc Mỹ áp dụng các chính sách bảo hộ nền kinh tế khiến cho nhiều nhà đầu tư phải đánh giá lại tiềm năng của ngành này. Tại thị trường tại Mỹ, hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam vốn đã bị áp đặt thuế chống bán phá giá từ cuối năm 2017 do phía Mỹ cho rằng phần lớn thép Việt Nam đều nhập từ Trung Quốc. Liệu việc áp đặt thêm các chính sách bảo hộ tại Mỹ sẽ ảnh hưởng thế nào đến các doanh nghiệp ngành thép Việt Nam?

Thị trường Mỹ: tiềm năng nhưng không phải trọng tâm

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong năm 2017 lượng sắt thép của Việt Nam xuất khẩu ra thị trường nước ngoài tăng rất mạnh 35.6% về lượng và tăng 55.1% về trị giá so với năm 2016, đạt khoảng 4.71 triệu tấn, trị giá 3.15 tỷ USD. Mặc dù Mỹ luôn coi được coi là thị trường lớn và giàu tiềm năng, tuy nhiên, xuất khẩu thép sang thị trường Mỹ chỉ chiếm khoảng 11% trong năm 2017, đạt 523,494 tấn. Trong khi đó, sắt thép của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang các nước Đông Nam Á, chiếm 59.2% trong tổng lượng sắt thép xuất khẩu của cả nước và chiếm 54.4% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt 2.79 triệu tấn, tương đương 1.71 tỷ USD.

Cơ cấu xuất khẩu thép của Việt Nam trong năm 2017

Nguồn: Hội thảo Tổng kết năm 2017 đối thoại công nghiệp thép Việt Nam và Thế giới 2017 - dự báo 2018

Ở chiều ngược lại, Mỹ cũng nhập khẩu thép đa dạng từ nhiều nguồn khác nhau, chủ yếu đến từ các nước như Canada, Brazil, Hàn Quốc, Mexico, Nga,… nhập khẩu nhôm chủ yếu đến từ thị trường Trung Quốc.

Cơ cấu nhập khẩu thép của Mỹ

Nguồn: IHS Global Trade Atlas

Do đó, có thể thấy mặc dù chiếm tỷ trọng đứng thứ hai trong thị trường xuất khẩu thép của Việt Nam, tuy nhiên ảnh hưởng từ thị trường Mỹ là không quá nghiêm trọng. Nếu tính luôn cả thị trường nội địa thì thị trường Mỹ chỉ chiếm trung bình 4-5% trong tổng doanh thu của các doanh nghiệp thép Việt Nam.

Cẩn thận rủi ro

Trung Quốc sở hữu một ngành công nghiệp thép khổng lồ. Sản lượng thép tăng mạnh của Trung Quốc những năm qua đã khiến thế giới rơi vào tình trạng dư thừa, đẩy giá thép giảm. Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), hiện tỷ trọng thép nhập khẩu từ quốc gia này chiếm tới gần 47% tổng lượng thép thành phẩm nhập khẩu của Việt Nam. Hiện Việt Nam nhập khẩu thép chủ yếu từ thị trường Trung Quốc với lượng nhập khẩu hơn 6.5 triệu tấn thép, dù đã giảm tới 33% về lượng nhưng chỉ giảm 5% về trị giá.

Mặc dù Bộ Công thương đã ban hành các quyết định về việc áp dụng thuế chống bán phá giá với thép Trung Quốc, tuy nhiên điều đó vẫn không làm ảnh hưởng đến sự chi phối của Trung Quốc đến thị trường thép Việt Nam.

Với việc chịu thêm các thuế bảo hộ nhôm thép từ Mỹ, khả năng thép Trung Quốc sẽ chuyển hướng sang các khu vực khác, trong đó có ASEAN - thị trường lớn nhất của Việt Nam. Không chỉ Trung Quốc mà Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản cũng sẽ tìm đến những thị trường tiềm năng mới để thay thế cho thị trường Mỹ. Do đó, cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu cũng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Hướng đi nào cho thép Việt?

Việc áp các loại thuế liên tục khiến khả năng mất thị trường Mỹ là khá cao, tuy nhiên các doanh nghiệp thép Việt Nam vẫn còn nhiều thị trường khác tiềm năng hơn để khai thác, cụ thể như EU, Hàn Quốc và Đài Loan. Hiện tại sản phẩm thép của Việt Nam được các quốc gia này đánh giá khá cao, đồng thời các tiêu chuẩn sản phẩm cũng khá tương đồng, do đó các dây chuyền sản xuất có thể chạy liên tục các đơn hàng, tránh việc liên tục thay đổi tiêu chuẩn đầu vào/đầu ra làm tăng tỷ lệ phế phẩm.

Thậm chí, việc tập trung vào thị trường nội địa cũng rất tiềm năng khi có một nghịch lý đang tồn tại trong ngành thép Việt Nam là thừa năng lực sản xuất nhưng vẫn phải nhập khẩu với số lượng lớn. Nguyên nhân là do chuỗi giá trị của ngành thép nội địa chưa được hoàn thiện nên mới chỉ đáp ứng đủ nhu cầu thép xây dựng, thép cán nguội, ống thép và tôn mạ kim loại và sơn phủ màu (tôn mạ màu, ống thép,… còn được xuất khẩu sang các quốc gia khác) nhưng vẫn phải nhập rất nhiều sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC), thép chế tạo, thép hợp kim… Như vậy, thay vì tập trung xuất khẩu thành phẩm, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tập trung hoàn thiện chuỗi giá trị của mình nhằm nâng cao tỷ suất sinh lợi, giảm sự cạnh tranh và có thể chủ động nguồn cung sản xuất.

Nguyễn Việt Nam

FiLi

Các tin tức khác

>   “Kỳ lân” Go-Jek chuẩn bị vào Việt Nam (06/03/2018)

>   Cổ phiếu thép rớt sâu, mối lo ngại về thuế nhập khẩu vào Mỹ bắt đầu có tác động? (05/03/2018)

>   Những chiếc ghế nóng tại siêu ủy ban (06/03/2018)

>   Mía đường có thật sự u ám? (05/03/2018)

>   Lo mất thị trường bán lẻ qua mạng (05/03/2018)

>   Viettel bị xử phạt 90 triệu đồng (05/03/2018)

>   Xuất khẩu gạo đem về 33,6 tỷ USD (05/03/2018)

>   Tìm hướng phát triển Tứ giác Long Xuyên (05/03/2018)

>   Hướng dẫn Luật Dược khiến doanh nghiệp FDI... ngại đầu tư (05/03/2018)

>   Mía đường - Vì sao vừa hội nhập đã… chết? (04/03/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật