Vì sao Toyota đầu tư thêm 2.8 tỷ USD vào xe tự lái?
Tập đoàn sản xuất xe hơi Toyota hiện có kế hoạch chi ra 2.8 tỷ USD để bảo đảm rằng hệ thống viết phần mềm cho xe tự lái của họ sẽ hiệu quả giống như các nhà máy đang sản xuất dòng xe này.
Theo James Kuffner, người sẽ dẫn dắt kế hoạch trên, ông lớn xe hơi này cần những phương pháp viết phần mềm nhanh hơn và đáng tin cậy hơn vì xe tự lái đòi hỏi “hàng triệu triệu dòng lệnh máy tính”, chứ không phải chỉ là hàng chục ngàn dòng lệnh như cách đây một thế hệ.
Nhà sản xuất xe hơi Nhật Bản này đang tìm cách giành lợi thế trước các đối thủ lớn khác, cũng như những công ty mới như Waymo của Alphabet (công ty mẹ của Google) vì ngành này đang hướng tới mảng xe tự lái. Ông Kuffner cho biết ông hiện có kế hoạch tuyển 1,000 lập trình viên ngay khi tìm được họ thông qua các chương trình “chiêu dụ” tài năng toàn cầu.
“Chúng tôi sẽ không chỉ tăng ngân sách gấp đôi mà còn lên gấp bốn lần. Chúng tôi hiện có gần 4 tỷ USD để thật sự biến Toyota thành một công ty công nghệ di động mới đạt đẳng cấp thế giới về mảng phần mềm”, ông Kuffner phát biểu trong một cuộc phỏng vấn.
Củng cố cho nỗ lực này, Toyota sẽ thành lập một công ty mới ở Tokyo với hai nhà cung cấp của mình. Hôm thứ Sáu tuần trước, ông Kuffner đã được chọn làm CEO của đơn vị có tên là Viện Nghiên cứu – Phát triển Nâng cao Toyota.
Robotics, trí tuệ nhân tạo
Năm 2015, Toyota đã dành 1 tỷ USD để thành lập một đơn vị độc lập có tên là Viện Nghiên cứu Toyota nhằm tìm hiểu về xe tự lái, robotics (công nghệ robot) và trí tuệ nhân tạo. Từ đó đến nay, ông Kuffner (47 tuổi) giữ chức Giám đốc công nghệ của viện này và dẫn dắt khoảng 250 nhân viên. Trước đó, ông là người đứng đầu bộ phận nghiên cứu điện toán đám mây và robotics tại Google.
Hai nhà cung cấp lớn nhất của Toyota Denso Corp. và Aisin Seiki Co., sẽ đầu tư vào Viện Nghiên cứu Toyota, với 5% cổ phần dành cho mỗi công ty, Toyota cho biết.
Hiện tại, ông Kuffner cho biết, các đội ngũ lập trình viên đang làm việc độc lập để giải quyết các phần khác nhau của một vấn đề lớn như chương trình tự lái và sau đó dành nhiều năm để xâu chuỗi công việc của họ lại với nhau và thử nghiệm nó với trí tuệ nhân tạo cùng nhiều công cụ khác.
Ông Kuffner so sánh hệ thống mới với hệ thống sản xuất của Toyota từng đạt được chất lượng và sự hiệu quả dẫn đầu ngành xe hơi trong thập niên 1980, thời điểm mà họ đảm bảo chất lượng bằng cách yêu cầu công nhân đóng cửa các dây chuyền sản xuất thay vì “chịu đựng” những sai sót cần phải sửa lại sau đó.
Thế vận hội 2020
Ông hy vọng rằng sẽ sử dụng hệ thống mới này cho các xe tải giao hàng chạy bằng điện, hoàn toàn không cần đến người lái mà Toyota dự kiến ra mắt tại Thế vận hội Tokyo 2020, cũng như trong các thiết bị an toàn ngày càng phức tạp mà Toyota lắp đặt vào những chiếc xe họ đang bán ra vào thời điểm này.
Tháng trước, công ty này đã giới thiệu mẫu xe sedan Lexus LS 500 có thể tự động chạy và thắng lại trong tích tắc sau khi nhận diện được một khách bộ hành trên đường chạy của mình.
“Toàn bộ ý tưởng là, liệu chúng ta có thể tạo ra một chiếc xe với phần mềm có độ tin cậy cao mà không đụng phải người hay vật gì và sẽ không bao giờ gây ra tai nạn không”, ông Kuffner nói.
Nhã Thanh (Theo Bloomberg)
FiLi
|