TP.HCM sẽ chuyển 1/3 quỹ đất nông nghiệp trong năm 2018?
Để thực hiện thí điểm về cơ chế đặc thù, TP.HCM có lộ trình chuyển đổi 1/3 quỹ đất nông nghiệp của thành phố thành đất công nghiệp, dịch vụ và đô thị.
Đây là thông tin ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) chia sẻ tại "Diễn đàn phát huy vai trò doanh nghiệp bất động sản triển khai thực hiện Đề án Phát triển thị trường bất động sản TP.HCM", diễn ra tại TP.HCM ngày 9/3.
Cụ thể, ông Châu cho biết năm 2018 là năm đầu tiên TP.HCM thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố. Trong đó có nội dung quan trọng là lộ trình chuyển đổi khoảng 1/3 quỹ đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, dịch vụ, đô thị.
Nếu thực hiện định hướng chuyển đổi khoảng 1/3 quỹ đất nông nghiệp của thành phố thành đất công nghiệp, dịch vụ, đất đô thị, thì theo các nhà khoa học đã tính toán, sẽ giúp làm tăng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của thành phố lên 2,73 lần.
TP.HCM muốn chuyển đổi 1/3 quỹ đất nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Ảnh: Lê Quân.
|
Đồng thời, việc chuyển đổi quỹ đất tạo ra điều kiện phát triển rất mạnh nền kinh tế và thị trường BĐS của thành phố trong thời gian tới. Hiện tại, TP.HCM có 118.052 ha đất nông nghiệp, nhưng chỉ đem lại giá trị khoảng 6.494 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,89% GRDP, giá trị gia tăng chỉ đạt 55 triệu đồng/ha. Trong khi đó, đất công nghiệp - dịch vụ chỉ có 14.264 ha nhưng đã tạo được giá trị đến 726.978 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng đến 99,11% GRDP, giá trị gia tăng đã đạt đến 50,9 tỷ đồng/ha.
Tuy nhiên, theo chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM thì thành phố vẫn cần giữ lại quỹ đất nông nghiệp ở mức cần thiết, để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại, trở thành trung tâm về giống mới cây trồng, vật nuôi, công nghệ nuôi trồng mới, tiên tiến, và cũng cần giữ lại quỹ đất dự trữ cho các thế hệ tương lai.
Theo dự báo của HoREA, thị trường BĐS TP.HCM năm 2018 sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt bởi được hỗ trợ từ nhiều yếu tố. Thứ nhất là sự phát triển ổn định của nền kinh tế vĩ mô, năm 2018 GDP phấn đấu đạt 6,7%, tăng trưởng tín dụng khoảng 18%.
Theo ông Châu, thị trường BĐS TP.HCM năm 2018 sẽ vẫn tiếp tục tiếp tục đà phục hồi, tăng trưởng và giữ được sự phát triển ổn định. Các phân khúc thị trường và sản phẩm bất động sản sẽ có sự tái cơ cấu lại hợp lý hơn nữa. Phân khúc thị trường nhà ở vừa túi tiền loại căn hộ 1-2 phòng ngủ có giá bán trên dưới 01 tỷ đồng/căn tiếp tục giữ vai trò chủ đạo. Dự báo giá bán nhà ở sẽ không có biến động lớn.
Năm 2018, cũng là thời điểm Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh tái cấu trúc các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội sẽ tạo điều kiện tái khởi động lại các dự án bất động sản "trùm mền" đang là tài sản bảo đảm cho các khoản nợ xấu, sẽ góp phần tạo thêm nhiều hàng hóa cho thị trường M&A, mà điển hình là dự án Sài Gòn One Tower đã được VAMC xử lý vừa qua.
"Ngoài ra, sẽ hình thành khu đô thị sáng tạo phía đông TP.HCM bao gồm quận 2, quận 9, quận Thủ Đức với Đại học quốc gia TP.HCM, Khu công nghệ cao thành phố, Công viên phần mềm Quang Trung là hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của thành phố. Nghiên cứu bổ sung hướng quy hoạch phát triển đô thị về khu vực cao hướng Tây Bắc (Củ Chi, Hóc Môn, Quận 12..)”, ông Châu nhấn mạnh.
Tuy nhiên HoREA cũng đưa ra cảnh báo về những thách thức trong năm 2018.
Cụ thể là khó khăn về tài chính - vốn; về quan hệ cung - cầu; về tiếp cận quỹ đất đầu tư; về thủ tục hành chính. Nhưng trước hết là khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, do NHNN đang tiếp tục thực hiện lộ trình hạn chế dần nguồn tín dụng vào thị trường bất động sản. Áp lực này cũng sẽ là động lực buộc các doanh nghiệp bất động sản phải tìm kiếm các giải pháp phù hợp để vượt qua.
Bình Nguyên
Zingnews
|