Thứ Tư, 21/03/2018 22:45

Thủy sản Việt nguy cơ mất thị trường Mỹ

Mỹ đang cùng lúc đưa ra mức thuế cao kỷ lục cho tôm và cá tra Việt Nam khi vào thị trường này.

Thời gian gần đây các loại thủy hải sản của Việt Nam vào thị trường Mỹ liên tục gặp khó khăn khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) xem xét mức thuế chống bán phá giá với cá, tôm tăng cao kỷ lục.

Là đơn vị được chọn là bị đơn bắt buộc duy nhất trong đợt xem xét hành chính lần thứ 12 - POR12 (từ 1/2/2016- 31//1/2017) đối với sản phẩm tôm, Công ty cổ phần thủy sản Sao Ta (Fimex) bị xem xét áp mức thuế chống bán phá giá 25,39%. Đây cũng là mức thuế cao kỷ lục, gấp 21 lần so với trước đó. Mức thuế trên cũng được áp dụng cho các công ty khác khi vào thị trường này.

Doanh nghiệp tôm cho biết đủ cơ sở để chứng minh DOC đang tính toán sai.

Bà Dương Ngọc Kim, Phó tổng giám đốc công ty cho biết rất bất ngờ với kết quả này, và nhận định có thể DOC đã tính toán sai, nhưng đây mới chỉ là quyết định sơ bộ và công ty có cơ hội để chứng minh tại sao mức phí trên không chính xác.

“Chúng tôi đã từng bị một lần và đã có đầy đủ giấy tờ để chắc chắn các quan chức DOC đang bị nhầm lẫn”, bà Kim nói và cho biết, đáng lý sẽ có một xác minh với các quan chức của DOC vào tháng Giêng, nhưng việc xác minh đã bị trì hoãn do sự cố đóng cửa chính phủ Mỹ. Việc xác minh đã được dời lại vào tháng 7 năm nay.

Sau khi xem xét chi tiết, Fimex phát hiện ra rằng đã có sự nhầm lẫn khi áp các hệ số chuyển đổi từ tôm nguyên con sang tôm bóc vỏ bỏ đầu trong chương trình tính toán biên độ khiến cho kết quả sơ bộ bị sai lệch đáng kể. Nếu hệ số chuyển đổi được áp dụng chính xác, biên độ phá giá của công ty sẽ chỉ là 1,19% thay vì mức 25,39% như đã công bố.

Mặc dù kết quả sơ bộ chưa có hiệu lực và chưa được áp dụng cũng như có thể thay đổi trong kết quả cuối cùng, nhưng theo Hiệp hội thủy sản Việt Nam (VASEP), kết quả đã tác động không nhỏ đến tâm lý của các nhà nhập khẩu tại Mỹ và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu tôm vào Mỹ của các doanh nghiệp Việt Nam; tác động đến các giao dịch mua bán giữa hai bên, đặc biệt là trong thời gian chờ đợi Bộ Thương mại Mỹ công bố kết quả cuối cùng... Và nếu DOC không chịu điều chỉnh thì doanh nghiệp Việt có nguy cơ phải rời bỏ thị trường Mỹ.

Không dừng lại ở thuế chống bán phá giá tôm, mới đây, Bộ Thương mại Mỹ lại đưa ra quyết định sơ bộ thuế chống bán phá giá của đợt xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13) đối với mặt hàng cá tra phi lê đông lạnh từ Việt Nam giai đoạn từ 1/8/2015 đến 31/7/2016. Theo đó, hai bị đơn bắt buộc của Việt Nam trong đợt xem xét lần này là Cadovimex II Seafoods và Hoang Long Seafoods chịu mức thuế chống bán phá giá ở mức 7,74 USD một kg. Các doanh nghiệp còn lại chịu thuế 3,78 USD một kg. Đây là mức thuế chống bán phá giá áp cho cá tra Việt Nam cao nhất từ trước đến nay.

Lãnh đạo một doanh nghiệp cá tra ở Đồng Tháp cho hay, đây được coi là mức thuế "không tưởng". Nếu Mỹ áp mức thuế này thì cá tra Việt Nam hết đường xuất khẩu sang thị trường này vì hiện tại giá xuất đã là 3,5-5 USD một kg, trong khi thuế chống bán phá giá cao gấp đôi.

Cũng đồng tình với lãnh đạo doanh nghiệp trên, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Godaco, cho rằng, doanh nghiệp Việt có lẽ sẽ phải tìm thị trường mới phù hợp hơn. Hiện tại công ty ông đã khai thác sang các thị trường khác như châu Âu, Trung Quốc…

Lãnh đạo VASEP cho biết, mức thuế chung 3,78 USD một kg gần tương đương với giá cá tra đang xuất khẩu vào Mỹ. Bộ Thương mại Mỹ đã dùng mức thuế tính theo các yếu tố bất lợi có sẵn để tính mức thuế trung bình cho các công ty được hưởng thuế suất riêng rẽ khác, trong khi các công ty này đã cung cấp đầy đủ hồ sơ dữ liệu theo đúng thời hạn và yêu cầu của DOC. Đây là một việc chưa có tiền lệ, thể hiện sự áp đặt chủ quan thiếu cơ sở của DOC trong quá trình xem xét.

Trong một thông báo mới nhất, VASEP và các doanh nghiệp phản đối quyết định thiếu công bằng của DOC cho biết đang xem xét tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để khiếu kiện lên Tòa án Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (CIT) trong thời gian sớm nhất để bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam.

"Chúng tôi yêu cầu DOC phải xem xét một cách kỹ lưỡng các hồ sơ, dữ liệu đầy đủ mà doanh nghiệp Việt Nam đã cung cấp để làm cơ sở tính toán và đưa ra mức thuế chính xác và hợp lý cho các công ty tham gia đợt xem xét hành chính lần thứ 13 này" - thông báo nêu rõ.

Còn với tôm, VASEP cũng đã yêu cầu DOC xem xét lại kết quả sơ bộ và thực hiện các điều chỉnh hợp lý cho Fimex và các nhà xuất khẩu tôm Việt Nam.

Thi Hà

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Toyota Việt Nam triệu hồi 20.490 xe bị lỗi túi khí (21/03/2018)

>   Cục Trồng trọt: Trước khi được 'giải cứu', người trồng củ cải đã lãi cao (21/03/2018)

>   Xong thủ tục, ôtô Indonesia sắp tràn về Việt Nam (21/03/2018)

>   Bộ Giao thông cam kết 'không xin - cho' trong dự án cao tốc Bắc Nam (21/03/2018)

>   Vì sao ông Đinh La Thăng 'bắt tay' thần tốc với ông Hà Văn Thắm (21/03/2018)

>   Phát hiện loạt vi phạm tại công trình nghìn tỷ ở sân bay Đà Nẵng (21/03/2018)

>   NÓI THẲNG: Làm bóng đá như VFF cần gì tấm bằng cử nhân! (21/03/2018)

>   Nông sản Việt "mất" 14.300 tỷ/năm cho kiểm tra chuyên ngành (20/03/2018)

>   Hiệp hội xuất khẩu thủy sản lên kế hoạch kiện Bộ Thương mại Mỹ (20/03/2018)

>   Việt Nam sẽ xuất khẩu gần 50% sản phẩm cơ khí vào 2035 (20/03/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật