Nông sản Việt "mất" 14.300 tỷ/năm cho kiểm tra chuyên ngành
Mỗi năm doanh nghiệp phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công với chi phí 14.300 tỷ đồng cho việc kiểm tra chuyên ngành cho hơn 100.000 mặt hàng, tỷ lệ hàng hóa làm thủ tục kiểm tra 2-3 lần chiếm 58% đẩy các chi phí logistics tăng cao.
Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết như vậy khi giải thích những nguyên nhân khiến chi phí dịch vụ logistics trong nước ở mức rất cao như hiện nay.
Theo ông Minh, ngành logistics trong nước đang trên đà phát triển khá nhanh với tốc độ tăng trưởng từ 15 - 16%/năm, đóng góp khoảng 3% vào GDP của cả nước. Tuy nhiên, điểm yếu của ngành dịch vụ này là chi phí cao, chất lượng dịch vụ, quy mô, vốn, kinh nghiệm, trình độ quản lý, nguồn nhân lực còn hạn chế; chi phí vận tải quốc tế phụ thuộc vào các hãng vận tải nước ngoài và do các hãng này chi phối.
Chi phí vận chuyển cao khiến giá thành hàng hóa Việt Nam khó cạnh tranh. Ảnh: Thuận Hải.
|
Trả lời câu hỏi chi phí logistics cao ở mắc xích nào, ông Minh cho rằng, thời gian thông quan hàng hóa kéo dài là một trong những nguyên nhân làm tăng chi phí logistics.
“Mỗi năm doanh nghiệp phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công với chi phí 14.300 tỷ đồng cho việc kiểm tra chuyên ngành. 100.000 mặt hàng phải qua kiểm tra chuyên ngành, tỷ lệ hàng hóa làm thủ tục kiểm tra 2-3 lần chiếm 58%”, ông Minh nói.
Ngoài ra, một yếu tố khác làm gia tăng chi phí logistics đó là chi phí vận tải đường bộ quá cao, gấp 5-6 lần so với chi phí vận chuyển đường thủy. Nhưng do thời gian vận chuyển đường bộ chỉ bằng 1/2 so với đường thủy nên các doanh nghiệp thường chọn vận chuyển đường bộ; phụ phí cảng biển mà chủ tàu container nước ngoài lại thu đối với chủ hàng Việt Nam; hạn chế kết cấu hạ tầng cảng biển gắn liền với phương tiện sau cảng…
Còn theo TS Nguyễn Hữu Đạt, Hiệp hội Rau quả Việt Nam, chi phí vận chuyển cao đang khiến giá thành trái cây Việt Nam khó cạnh tranh khi xuất khẩu. Cụ thể, chi phí sản xuất nguyên liệu trái cây tươi thay đổi theo từng mùa, từng vùng.
Chỉ riêng giá cước đóng gói, vận chuyển trái cây trong nước hiện chiếm khoảng 0,3USD/kg, cước phí vận chuyển ngoài nước với hàng hóa xuất khẩu bằng máy bay khoảng 3,6USD/kg và 0,2 – 0,3USD/kg đối với hàng hóa xuất khẩu bằng đường biển. Chi phí xử ký chiếu xạ hoặc hơi nước nóng cũng tốn từ 0,5 – 0,85USD/kg.
Trong khi đó, giá thành một số sản phẩm cùng loại của các nước khác khi ký hợp đồng xuất khẩu vào Mỹ cũng chỉ ở mức 1 - 2USD/kg. Do đó, trái cây Việt Nam rất khó cạnh tranh nếu không giảm được các khoản tốn kém khiến giá thành đội lên.
Thời gian bốc dỡ hàng hóa kéo dài cũng là một nguyên nhân khiến chi phí logistics bị đội lên. Ảnh: Thuận Hải.
|
Ông Hà Huy Thắng – Tổng giám đốc Công ty CP XNK Petrolimex, cũng cho rằng, nông sản Việt Nam rất khó cạnh tranh bằng sự khác biệt, do trình độ công nghệ sinh học còn hạn chế, hoặc do thổ nhưỡng… Thay vào đó, doanh nghiệp Việt chủ yếu cạnh tranh về giá. Thế nhưng, các chi phí logistics của Việt Nam cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. Đây cũng là một trong những khó khăn khiến việc đầu tư cho chế biến sâu còn hạn chế.
“Đơn cử như chi phí vận chuyển một container hàng hóa từ nhà máy tại Bình Dương ra cảng TP.HCM mất 130USD và 80 – 10USD phụ phí xếp dỡ hàng hóa tại cảng. Trong khi cũng container này chỉ chịu cước phí tàu biển sang Malaysia là 40USD, thậm chí không mất phí nếu đi cảng phía Nam Trung Quốc. Mà chi phí cao thì giá thành cao, tính cạnh tranh thấp”, ông Thắng nhận định.
Một số doanh nghiệp cũng cho rằng, chi phí logistics đối với hàng xuất khẩu tập trung ở chi phí vận tải và chi phí lưu kho, do đó việc cắt giảm 2 loại chi phí này rất quan trọng trong việc giảm chi phí cho doanh nghiệp trong việc sử dụng dịch vụ logistics.
Thuận Hải
DÂN VIỆT
|