Thứ Năm, 22/03/2018 23:53

Techcombank bán cổ phiếu quỹ cho Warburg Pincus?

Warburg Pincus trước đó cho biết đã đồng ý đầu tư 370 triệu USD (tương đương khoảng 8,400 tỷ đồng) vào Techcombank thông qua thông qua hai pháp nhân riêng biệt - được quản lý bởi công ty vốn tư nhân, tuy nhiên phải chờ sự chấp thuận của cơ quan quản lý.

HĐQT Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, TCB) vừa thông qua nghị quyết chuẩn y việc ký kết và thực hiện các văn kiện ghi nhận các hợp đồng mua bán cổ phần được ký ngày 01/03/2018 giữa Techcombank với hai tổ chức nước ngoài là Vesta VN Investments B.V. (Vesta) và COG Investments I B.V (COG).

Theo đó, HĐQT Techcombank chuẩn y việc lựa chọn Vesta và VOG để bán cổ phiếu quỹ theo phương án đã được phê duyệt tại nghị quyết HĐQT ngày 03/03/2018.

Khoản đầu tư Warburg Pincus rót vào Techcombank là khoản đầu tư lớn nhất của quỹ này tại thị trường Đông Nam Á tính đến nay.

Được biết, trong khoảng từ 21/03 đến 19/04/2018, bên cạnh triển khai bán 14,699,730 cp quỹ (1.48% vốn) cho người lao động (ESOP) với giá bán 10,000 đồng/cp, Techcombank cũng đã thông qua việc nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ 0% lên 8.54% và triển khai phương án bán cổ phiếu quỹ cho nhà đầu tư trong nước/nước ngoài. Hiện Ngân hàng đang nắm giữ 172,353,345 cp quỹ (là số cổ phiếu quỹ Techcombank mua lại từ HSBC hồi giữa tháng 8/2017 với giá bình quân 23,445 đồng/cp, tương đương giá trị hơn 4,000 tỷ đồng).

Theo phương án bán cổ phiếu quỹ đợt 1, Techcombank sẽ bán 93,242,458 cp quỹ (tỷ lệ 9.39% vốn). Giá bán không thấp hơn giá mua thực tế trong đợt mua lại cổ phần làm cổ phiếu quỹ. Số lượng cổ phiếu quỹ bán cho nhà đầu tư nước ngoài không bị hạn chế chuyển nhượng.

Số tiền thu được từ việc bán cổ phiếu quỹ sẽ được sử dụng để tăng nguồn vốn đầu tư của Techcombank vào tài sản cố định, mở rộng mạng lưới; và tăng nguồn vốn cho hoạt động tín dụng và đầu tư trái phiếu Chính phủ.

Nhiều khả năng Vesta và VOG đều thuộc Warburg Pincus

Liên quan đến việc Techcombank nới "room" ngoại và bán cổ phiếu quỹ cho nhà đầu tư trong nước/nước ngoài, Warburg Pincus trước đó cho biết đã đồng ý đầu tư 370 triệu USD vào Techcombank thông qua thông qua hai pháp nhân riêng biệt - được quản lý bởi công ty vốn tư nhân, tuy nhiên phải chờ sự chấp thuận của cơ quan quản lý.

Thông tin về hai tổ chức ngoại Vesta và VOG mà Techcombank vừa ký hợp đồng khá hiếm hoi. Tuy nhiên, một điểm khá trùng hợp là địa chỉ của cả hai tổ chức này đều nằm tại Amsterdam, Hà Lan; cùng vị trí đặt trụ sở của Warburg Pincus. Nhiều khả năng đây chính là hai pháp nhân mà Warburg Pincus thông qua đó để đầu tư vào Techcombank.

Nếu Warburg Pincus gom hết hơn 93.2 triệu cp quỹ mà Techcombank chào bán trong đợt 1 với tổng giá trị hơn 8,400 tỷ đồng thì ước tính Công ty này đã chi ra hơn 90,000 đồng cho mỗi cổ phiếu của Ngân hàng.

Warburg Pincus tiền thân là E.M. Warburg & Co., thành lập năm 1939. Sau khi được Lionel I. Pincus & Co. mua lại vào năm 1966 thì chính thức thành lập Warburg Pincus. Warburg Pincus LLC là Công ty quản lý Quỹ đầu tư vào vốn cổ phân tư nhân chuyên đầu tư vào các công ty có tiềm năng tăng trưởng dài hạn. Trong hơn 50 năm thành lập, Warburg Pincus đã đầu tư hơn 60 tỷ USD vào hơn 800 doanh nghiệp tại hơn 40 quốc gia trên thế giới. Trong đó, Công ty nắm giữ và quản lý tài sản trị giá hơn 44 tỷ USD cổ phiếu của các công ty chưa niêm yết.

Theo công bố trên website, Warburg Pincus đang quản lý 18 quỹ đầu tư. EMW Ventures, Inc. là quỹ đầu tiên được Công ty thành lập vào năm 1971.

Các quỹ đầu tư Warburg Pincus đang quản lý

Nguồn: warburgpincus.com

Warburg Pincus bắt đầu đầu tư vào Đông Nam Á năm 2013 và Việt Nam là thị trường đầu tiên mà Công ty đầu tư. Tại Việt Nam, Warburg Pincus được biết đến nhiều qua thương vụ mua cổ phần của Vincom Retail (VRE) - công ty thành viên của Tập đoàn Vingroup (VIC). Hồi cuối tháng 11/2017, Warburg Pincus đã chốt lời một phần khoản đầu tư vào Vincom Retail sau gần 5 năm nắm giữ, thu về hơn 10,574 tỷ đồng.

Thương vụ tại Techcombank là khoản đầu tư thứ tư của Công ty tại Việt Nam trong vòng 5 năm qua và là khoản đầu tư lớn nhất tại thị trường Đông Nam Á tính đến nay. Nếu thương vụ này thành công sẽ nâng tổng số cam kết đầu tư của các công ty do Warburg Pincus quản lý tại Việt Nam lên trên 1 tỷ USD.

Techcombank có gì hấp dẫn để rót vốn?

Sau khi ghi nhận lợi nhuận đáng chú ý trong năm 2017, Techcombank đã chính thức góp mặt vào Top 5 nhà băng có lợi nhuận cao nhất trong hệ thống. Nếu xét riêng nhóm ngân hàng TMCP tư nhân, Techcombank đứng ở vị trí thứ 2, chỉ xếp sau VPBank với chênh lệch không nhiều (lãi trước thuế 2017 của VPBank đạt hơn 8,100 tỷ đồng).

Được biết, lợi nhuận trước thuế năm 2017 của Techcombank 8,000 tỷ đồng, gấp đôi kết quả của năm 2016 và vượt 60% kế hoạch. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp ngân hàng này có lãi tăng gấp đôi so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất cho cả năm 2018 dự kiến đạt 10,000 tỷ đồng (tăng trưởng 24%).

Techcombank cũng đang có kế hoạch niêm yết trên HOSE trong thời gian tới. Mặc dù chưa chào sàn, nhưng trên OTC, sự tăng trưởng trong giá cổ phiếu của Techcombank có thể coi như một “hiện tượng”. Suốt nhiều năm qua, cổ phiếu Ngân hàng này chỉ dao động quanh mệnh giá, rồi vươn đến mức gần 20,000 đồng/cp hồi đầu năm 2017. Nhưng trên thị trường phi tập trung hiện tại, giá trao tay cổ phiếu Techcombank đã áp sát gần mốc 100,000 đồng/cp - mức giá cao nhất trong hệ thống ngân hàng.

Thu Phong

FILI

Các tin tức khác

>   Truy tố nguyên phó thống đốc ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình (22/03/2018)

>   HOSE chấp thuận đăng ký niêm yết cổ phiếu cho TPBank (22/03/2018)

>   Ông Kiều Hữu Dũng muốn rời Sacombank (22/03/2018)

>   Tài sản ngân hàng phình to (22/03/2018)

>   Vụ mất 245 tỉ đồng: Eximbank “xử” Giám đốc chi nhánh TPHCM (21/03/2018)

>   Ông Hà Văn Thắm: Bán ngân hàng 0 đồng thừa trả nợ cho PVN và cổ đông (21/03/2018)

>   Nguyễn Xuân Sơn bất ngờ khai mua nhà cho nguyên kế toán trưởng PVN (21/03/2018)

>   Nguyễn Xuân Sơn bất ngờ khai mua nhà cho nguyên kế toán trưởng PVN (21/03/2018)

>   Có 4 ứng viên dự kiến bầu bổ sung cho 2 "ghế" vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2015-2020 (21/03/2018)

>   Đằng sau câu chuyện cạnh tranh về phí dịch vụ giữa các ngân hàng (21/03/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật