Tân Chủ tịch Fed có rút ra được bài học gì từ sai lầm của Janet Yellen trong năm 2014?
Khi tân Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Jerome Powell, chuẩn bị có cuộc họp báo đầu tiên trong ngày thứ Tư (21/03), có lẽ ông không nên lặp lại sai lầm của bà Janet Yellen tại cuộc họp báo đầu tiên hồi năm 2014.
Tân Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Jerome Powell
|
Cách đúng đắn là: Trả lời câu hỏi rõ ràng nhưng đừng rõ quá, chỉ cung cấp thông tin vừa đủ để thị trường suy ngẫm, nhưng đừng cam kết về các động thái chính sách tương lai. Cách sai lầm: Nói quá rõ như vị Chủ tịch Fed tiền nhiệm, Janet Yellen, trong cuộc họp báo đầu tiên năm 2014 – vốn dẫn tới sự hỗn loạn trên thị trường.
Những người theo dõi Fed có lẽ vẫn nhớ như in về sai lầm năm xưa của bà Yellen.
Nhớ lại bối cảnh khi đó, vào ngày 19/03/2014 – chỉ mới một tháng sau khi bà Yellen nhận chức Chủ tịch Fed từ ông Ben Bernanke, mọi thứ vẫn đang diễn ra rất tốt đẹp trong khoảng nửa thời gian đầu của buổi họp báo. Bỗng nhiên, một phóng viên Reuters hỏi một câu hỏi khá đơn giản: Sau khi kết thúc chương trình mua trái phiếu – chương trình nới lỏng định lượng (QE) – thì Fed sẽ phải chờ bao lâu thì mới bắt đầu nâng lãi suất?
Bà Yellen trả lời như sau:
“Từ ngữ chúng tôi sử dụng trong bản tuyên bố là sau một khoảng thời gian ‘đáng kể’ (considerable period). Và bạn cũng biết đó là cụm từ rất khó để định nghĩa. Tuy nhiên, bạn nên biết là cụm từ đó có lẽ có nghĩa khoảng 6 tháng hoặc kiểu kiểu vậy”.
Mặc dù sau đó, bà Yellen có nói tiếp về một số điều lưu ý, nhưng tất cả những gì thị trường nghe được là “6 tháng”. Thế là thị trường chứng khoán Mỹ bị bán tháo, lợi suất trái phiếu nhảy vọt và nhanh chóng xuất hiện những câu hỏi về việc liệu bà Yellen có đủ khả năng để dẫn dắt Fed hay không.
Dĩ nhiên, những người theo dõi Fed biết những gì xảy ra tại những cuộc họp báo lần sau. Bà Yellen nhanh chóng hiểu được tầm quan trọng của khả năng ngoại giao và sự tinh tế của việc tiết lộ thông tin hơi mơ hồ nhưng lại có chủ ý, và trở thành người cực kỳ tài giỏi trong việc đối đáp với báo chí cũng như những nhà lập pháp ở Capitol Hill.
Tuy nhiên, bài học đã được thể hiện rất rõ: Hãy cẩn thận về những gì bạn nói hoặc thị trường sẽ trở nên hỗn loạn.
Trong bối cảnh ông Powelll chuẩn bị ngồi lên chiếc ghế “nóng” đó, nhà đầu tư cho rằng ông Powell sẽ rút kinh nghiệm từ sai lầm của bà Yellen và không được tiết lộ quá nhiều.
“Những ai theo dõi Fed đều biết rằng bà Yellen chưa bao giờ lặp lại sai lầm đó”, Quincy Krosby, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường tại Prudential Financial, cho hay. “Bà luôn khôn khéo và cẩn thận. Tôi nghĩ ông Powell cũng sẽ rất, rất cẩn thận thôi”.
Để làm điều đó, ông cần phải tránh dẫm lên một số “bãi mìn” sau đây.
Ông Powell tiếp nhận một nền kinh tế có vẻ đang tăng trưởng mạnh hơn, nhưng cũng có những căng thẳng chính trị từ phía Washington. Ông ấy có khả năng sẽ bị chất vấn về những vấn đề đó, đặc biệt là nỗi lo về cuộc chiến thương mại từ việc áp đặt thuế nhập khẩu lên thép và nhôm của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng như những tác động từ chính sách tài khóa.
Thống đốc Fed, Lael Brainard – một người thường ủng hộ quan điểm “bồ câu” về chính sách tiền tệ – gần đây đã thu hút sự chú ý của thị trường khi bà nói về những ảnh hưởng tích cực từ chính sách tài khóa đến tăng trưởng kinh tế. Cụ thể hơn, Quốc hội Mỹ vừa thông qua kế hoạch gia tăng chi tiêu và giảm thuế, và trong năm nay, ông Trump nhiều khả năng sẽ đẩy mạnh một chương trình cơ sở hạ tầng có thể lên tới 1,000 tỷ USD.
Ngoài chính sách tài khóa, ông Powell còn phải nói về lộ trình nâng lãi suất của Fed.
Mặc dù Fed đã cho biết dự định nâng lãi suất 3 lần trong năm nay và thị trường cũng đã phản ánh điều này, nhưng vẫn còn có một số người cho rằng 4 đợt nâng lãi suất vẫn có khả năng xảy ra. Thật vậy, nhiều chuyên gia kinh tế trên Phố Wall đã nâng dự báo của mình và xác suất Fed nâng lãi suất lần thứ 4 vào tháng 12/2018 lên tới 40%, dựa trên số liệu từ CME Group.
“Những gì thị trường muốn là nền kinh tế Mỹ đủ mạnh để hứng chịu các đợt nâng lãi suất. Tôi không nghĩ ông Powell sẽ nói cụ thể. Điều đó tốt hơn cho thị trường”, ông Krosby nói rõ.
Có thể ông Powell sẽ thực hiện một điều gì đó tinh tế hơn.
Thay vì ám chỉ sẽ có một đợt nâng lãi suất thứ 4, thì nhiều người lại nghi ngờ ông Powell nói rằng sẽ có cuộc họp báo sau mỗi cuộc họp chính sách thay vì chỉ có những cuộc họp báo vào tháng 3, 6, 9 và 12. Điều này sẽ đem lại cho Fed sẽ linh hoạt trong việc nâng lãi suất, vì ông Powell sẽ có cơ hội để giải thích tại sao Ủy ban lại hành động như thế.
“Những quyết định như thế sẽ gia tăng sự không chắc chắn về lộ trình nâng lãi suất của Fed và tạo nên một phương án lựa chọn đáng tin cậy hơn để nâng lãi suất nhiều hơn 4 lần mỗi năm nếu cần thiết, và thị trường sẽ xem đây là quan điểm ‘diều hâu’ của Fed”, ông Krishna Guha, Chuyên gia kinh tế tại Evercore ISI, cho biết.
Cho dù là vậy, thì mọi thứ còn phụ thuộc vào sự khôn khéo trong khả năng đối đáp của ông Powell, để thể hiện rằng đây chỉ là quyết định để đem lại sự linh hoạt cho Fed thôi, chứ không phải là dấu hiệu thể hiện Cơ quan này sẽ thắt chặt chính sách nhiều hơn kỳ vọng của thị trường.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILi
|