Thứ Hai, 26/03/2018 14:14

Tài chính cá nhân, chuyện ở tầm… ngân sách quốc gia!

Giáo dục hành vi tài chính cá nhân hiện mới chỉ được một số trường học ở các thành phố lớn đào tạo như dạng một chương trình bổ sung. Điều này là một cách tiếp cận chưa đầy đủ bởi theo OECD, đào tạo tốt tài chính cá nhân, nền kinh tế sẽ được lợi.

Vì sao năng lực hành vi tài chính lại quan trọng?

Theo OECD, giáo dục tài chính được định nghĩa là quá trình trong đó người tiêu dùng tài chính/nhà đầu tư nâng cao sự hiểu biết của mình về các sản phẩm, khái niệm và rủi ro tài chính.

Thông qua những thông tin, sự hướng dẫn và các tư vấn khách quan để phát triển những kỹ năng và sự tự tin để trở nên có ý thức hơn về những rủi ro tài chính và cơ hội để thực hiện những lựa chọn đúng đắn để biết cần đi tới đâu để được giúp đỡ và thực hiện những hành động hiệu quả khác để cải thiện phúc lợi tài chính của họ.

Tại Hội thảo quốc tế “Giáo dục tài chính trong bối cảnh đẩy mạnh phổ cập tài chính ở Việt Nam” do Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (UEB-VNU), Mạng lưới tăng cường hiểu biết tài chính cho Việt Nam (Vietnam Financial Literacy Network) phối hợp với Viện Kế toán Công chứng Anh quốc và Xứ Wales (ICAEW) tổ chức, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV nhận định, cải thiện năng lực ra quyết định tài chính của cá nhân sẽ hỗ trợ giảm bớt tình trạng căng thẳng ngân sách Chính phủ cho những vấn đề xã hội.

Theo TS. Lực, những người hiểu biết tài chính sẽ sử dụng nhiều sản phẩm tài chính hơn, qua đó thúc đẩy sự tăng trưởng của khu vực tài chính trong nền kinh tế.

“Đối với các quốc gia đang phát triển, những khách hàng được giáo dục về tài chính có thể hỗ trợ để đảm bảo khu vực tài chính đóng góp một cách hiệu quả vào tăng trưởng kinh tế thực tế và giảm đói nghèo”, TS. Lực nhấn mạnh.

Đại diện đến từ Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, ông Alwaleed Alatabani, Chuyên gia trưởng trong lĩnh vực tài chính cho rằng, có hành vi năng lực tài chính sẽ giúp người tiêu dùng tài chính/nhà đầu tư tương tác với các nhà cung cấp dịch vụ tài chính, để đạt được các mục tiêu tài chính, phòng ngừa rủi ro và những cú sốc tiêu cực, cải thiện phúc lợi của hộ gia đình và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Năng lực, hành vi tài chính được xem như để hỗ trợ gia tăng phổ cập tài chính, ổn định tài chính và hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính.

Ông Alwaleed Alatabani cho rằng: “Năng lực hành vi tài chính đang ngày càng trở thành ưu tiên cho các quốc gia có thu nhập cao và các quốc gia mới nổi. Ít nhất 36 quốc gia đang xây dựng chiến lược quốc gia về phổ cập tài chính. Ngày càng nhiều ngân hàng trung ương và cơ quan giám sát thị trường thiết kế và triển khai chiến lược quốc gia về phát triển năng lực hành vi tài chính”.

Thực trạng hành vi tài chính tại Việt Nam

Hệ thống tài chính Việt Nam được các chuyên gia đánh giá là đã phát triển mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu, tuy nhiên mức độ hiểu biết tài chính vẫn chưa được cải thiện tương xứng.

TS. Cấn Văn Lực trích dẫn kết quả khảo sát về mức độ hiểu biết tài chính toàn cầu (Global Finlit Survey) do S&P thực hiện năm 2015 cho biết, chỉ 24% người trưởng thành tại Việt Nam có hiểu biết về tài chính. Còn theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Nhà nước cùng năm này thì có 51% người được khảo sát đã từng nghe và hiểu về các khoản vay cá nhân.

“Khảo sát học sinh, sinh viên trong độ tuổi từ 13-18 (thực hiện vào 2012 - 2013, PV) cho thấy, chỉ 17,2% biết tiết kiệm một phần tiền sinh hoạt phí của mình, 8,8% tiêu hết tiền và số còn lại không biết phải làm gì với tiền”, TS. Lực thông tin.

Theo TS. Đinh Thị Thanh Vân, Phó Chủ nhiệm Khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội), Trưởng nhóm nghiên cứu, Đồng sáng lập Mạng lưới tăng cường hiểu biết tài chính cho Việt Nam, nghiên cứu gần đây của Nhóm nghiên cứu đo lường hiểu biết tài chính và năng lực hành vi tài chính của một số đối tượng tại Việt Nam cho thấy, năng lực hành vi tài chính của chính các sinh viên tại Hà Nội cũng ở mức thấp.

Nguyên do của thực trạng này là do người dân thiếu coi trọng sự hiểu biết tài chính và không thường xuyên sử dụng các dịch vụ tài chính, do đó họ không tích cực tìm kiếm thông tin về những nội dung này. Bên cạnh đó, rất ít sách và tạp chí về tài chính cá nhân, đồng thời, các thông tin về các định chế tài chính và hoạt động đào tạo tại chỗ về các dịch vụ tài chính không được chuẩn hóa và ở tình trạng quá nhiều hoặc quá ít. Ngoài ra, các cuộc thi về hiểu biết dịch vụ tài chính còn ít, thiếu sự hợp tác hiệu quả giữa các doanh nghiệp và các trường đại học, viện nghiên cứu…

“Giáo dục tài chính chính thức (tại trường học và trường đại học) mang tính học thuật, thường phù hợp hơn cho các doanh nghiệp và chỉ cho một nhóm học sinh và sinh viên. Mặc dù có các khóa học đào tạo tài chính cá nhân, nhưng ở quy mô rất nhỏ và khó tiếp cận, đặc biệt đối với các hộ gia đình nghèo và có thu nhập thấp. Quan trọng hơn, sự chênh lệch lớn về trình độ phát triển giữa các vùng ở Việt Nam đòi hỏi sự thận trọng khi xây dựng chiến lược giáo dục tài chính”, TS. Lực nói.

Tận dụng các kênh truyền thông

Phát biểu tại Hội thảo, ông Alwaleed Alatabani chia sẻ, các chương trình phát triển năng lực hành vi tài chính thông thường bao gồm: Giáo dục tài chính tại các trường phổ thông; giáo dục tài chính cho thanh, thiếu niên; giáo dục tài chính tại nơi làm việc; giáo dục tài chính vào “những thời điểm có thể dạy được”; giáo dục tài chính do những tổ chức trung gian đáng tin cậy cung cấp; đặc biệt, tận dụng các kênh truyền thông mới và truyền thống.

Chi tiết hơn, ông Alwaleed Alatabani gợi ý, thiết kế chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu và các mối quan tâm của nông dân, là nhóm đối tượng thường đánh giá cao các chủ đề tài chính cụ thể như bảo hiểm mùa màng và thời tiết; kết hợp đào tạo của các nhóm xã hội chẳng hạn như thông qua giảng dạy theo nhóm. Hướng tới đối tượng mục tiêu là nhóm thành viên dễ bị tổn thương của hộ nông dân để đạt được tác động lớn nhất.

“Cân nhắc các biện pháp khuyến khích bằng tiền nếu mục tiêu là tối đa hóa sự tham gia của người học, xem xét khả năng lồng ghép các biện pháp khuyến khích nâng cao năng lực hành vi tài chính này vào các chương trình hỗ trợ tiền mặt cho các hộ gia đình nông dân hiện có”, ông Alwaleed Alatabani nói.

Điểm đáng chú ý, ông Alwaleed Alatabani cho rằng, Việt Nam thuộc nhóm 10 quốc gia xếp hạng đầu trong Bảng xếp hạng PISA 2015, cao hơn đáng kể so với trung bình của nhóm các quốc gia có cùng mức thu nhập và cao hơn nhiều quốc gia có thu nhập cao tuy nhiên, giáo dục tài chính vẫn chưa là một phần của chương trình giáo dục chính quy.

Ông Alwaleed Alatabani cho rằng, cần đưa giáo dục tài chính vào chương trình lớp 12 thông qua việc tích hợp các kiến thức về tài chính vào các môn chính như Toán, Khoa học Xã hội, Giáo dục công dân và áp dụng các kỹ năng thực hành cốt lõi vào việc phát triển năng lực hành vi tài chính…

Đồng quan điểm trên, TS. Lực khuyến nghị thêm, Chính phủ và tất cả các bên có liên quan cần thúc đẩy giáo dục tài chính một cách có tổ chức, công bằng và không thiên lệch. Giáo dục tài chính nên được phân biệt rõ ràng với tư vấn thương mại; cần phát triển các quy tắc ứng xử cho nhân viên của các định chế tài chính. Các chương trình giáo dục tài chính nên tập trung đặc biệt vào các vấn đề quan trọng trong quá trình lập kế hoạch cuộc sống như tiết kiệm cơ bản, nợ, bảo hiểm hoặc lương hưu…

Nhuệ Mẫn

TIN NHANH CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Người phụ nữ giàu nhất thế giới tiêu tiền như thế nào (22/03/2018)

>   Công thức “Giàu có” đơn giản để dạy con (31/03/2018)

>   Tôi đã mất hàng triệu USD vì tiền ảo như thế nào (19/03/2018)

>   Đại gia công nghệ và 'tài phiệt' ngân hàng - ai sợ ai? (17/03/2018)

>   Nhiều nữ thực tập sinh Việt Nam tại Nhật bị ăn chặn tiền lương (11/03/2018)

>   Quan điểm đúng về đầu tư (08/03/2018)

>   Vì sao tôi không thích giàu (04/03/2018)

>   7 thói quen 'ngược đời' giúp giàu có và thành công (22/02/2018)

>   Jack Ma khuyên nên làm gì trong từng độ tuổi (20/02/2018)

>   1,5 triệu đô cho con du học ở Mỹ sôi sục cộng đồng mạng (13/02/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật