Nỗi lo độc quyền khi Grab thâu tóm Uber
Sự cạnh tranh của Uber và Grab được cho là khách hàng hưởng lợi, tuy nhiên khi hai bên cùng về một nhà, thị trường taxi khốc liệt hơn hay độc quyền hơn?
Từ 8-4, Grab và Uber sẽ chỉ còn một là Grab tại Việt Nam - Ảnh: THUẬN THẮNG
|
Dù Grab khẳng định việc sáp nhập sẽ tạo thuận lợi hơn cho khách hàng nhưng chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín nhấn mạnh việc sáp nhập Uber vào Grab không tránh khỏi lo ngại chuyện độc quyền, tăng giá cước trong thời gian tới.
Đồng thời, với số lượng tài xế sáp nhập đông hơn, doanh nghiệp khó kiểm soát và nâng cao chất lượng phục vụ.
Ông Tín cho rằng Nhà nước phải xem xét lại Luật cạnh tranh, với thị phần của hai loại hình này sáp nhập lại có vi phạm độc quyền thị trường hay không vì giờ sự lựa chọn còn hạn chế, thiệt hại vẫn là người tiêu dùng.
Trước tình trạng này, ông Tín cho rằng các app của các hãng taxi phải nâng cao công nghệ, khả năng cạnh tranh về giá cũng như cải thiện thêm chất lượng phục vụ.
Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - giảng viên Đại học Fulbright, hiện chưa thể đánh giá tính chất thương vụ Uber sáp nhập Grab, đặc biệt về khía cạnh Luật cạnh tranh.
Tuy nhiên, nếu giả sử nhờ vị thế tạm thời độc quyền mà Grab có lợi nhuận cao, theo ông Tuấn, sẽ kích thích các nhà đầu tư gia nhập ngành, khi đó cạnh tranh sẽ trở lại.
"Vấn đề là Nhà nước phải đảm bảo điều kiện gia nhập ngành dễ dàng. Nếu lợi dụng vị thế độc quyền mà Grab tăng phí thì người đi xe sẽ sử dụng phương tiện thay thế khác" - ông Tuấn nhận định.
Trong khi đó, PGS.TS Trần Việt Dũng, trưởng khoa luật quốc tế Đại học Luật TP.HCM, cho rằng với thương vụ Grab thâu tóm Uber Đông Nam Á, sức ép lĩnh vực ngành vận tải ở Việt Nam sẽ rất lớn.
Theo ông Dũng, tại Việt Nam trong thời gian tới chỉ còn Grab là "taxi công nghệ" lớn nhất, vì thế họ sẽ chiếm nhiều ưu thế khi cạnh tranh với các hang taxi ở Việt Nam.
Ông Dũng cho rằng khách hàng sử dụng Grab, Uber tại Việt Nam (gồm cả người Việt và khách quốc tế) đã quen đi xe của hai hãng này sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ của Grab vì họ được lợi nhiều hơn.
Lý do là khi chỉ còn một minh, Grab cũng dễ dàng và tiếp tục thực hiện chính sách khuyến mãi, giảm giá... để thu hút, chiếm lĩnh thị trường.
Điều đáng nói là, theo ông Dũng, Grab và Uber đã gây sức ép cạnh tranh lên các hãng taxi ở Việt Nam trong cuộc đua thúc đẩy công nghệ, dịch vụ…
Và chính vì thế, với sức ép càng lớn từ Grab sau khi thâu tóm Uber, các hãng taxi ở Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh rất lớn.
Ông Dũng cho rằng vấn đề bây giờ lại là chính sách quản lý của Nhà nước, đặc biệt là việc thay thế nghị định 86 về kinh doanh và vận tải ôtô.
Trưởng khoa luật quốc tế của Đại học Luật TP.HCM cho rằng cần xác định Grab là dịch vụ vận tải thay vì là một ứng dụng thuần công nghệ. Mặt khác, Nhà nước phải bảo đảm việc tạo ra môi trường công bằng giữa Grab và các hãng taxi khác để cùng cạnh tranh lành mạnh với nhau. Ông Dũng cho rằng khi quản lý được Grab "như một loại hình dịch vụ vận tải" là để đảm bảo tốt cho việc thu ngân sách.
ÁI NHÂN - NHƯ BÌNH
TUỔI TRẺ
|