Chuỗi bài nhà đầu tư huyền thoại
John Bollinger - Nhà đầu tư được kính trọng ở Wall Street
John Bollinger là một trong những nhà đầu tư hiếm hoi được nể trọng ở cả khía cạnh học thuật cũng như đầu tư thực tế. Ông là người đầu tiên trên thế giới lấy được cả hai chứng chỉ CFA và CMT.
* Nhà quản lý quỹ đại tài khiêm tốn - Chris Davis
John Bollinger là người sáng lập và chủ tịch của Bollinger Capital Management. Đây là một công ty chuyên cung cấp dịch vụ quản lý quỹ đầu tư và phát triển những nghiên cứu độc quyền cho các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại tại đây thì vẫn chưa đủ để ông dành được sự tôn trọng của Wall Street. Ông được biết đến bởi những yếu tố khác.
Thứ nhất, ông đạt được cả hai chứng chỉ CFA (Chartered Financial Analyst ) và CMT (Chartered Market Technician). Ông là chuyên gia phân tích tài chính đầu tiên trên thế giới đạt được cả hai chứng chỉ này. Đây là điều gây nên sự chú ý của các nhà phân tích khác vì dân phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật thường hay xung khắc cũng như có những chiến lược đối lập nhau. Điều này dẫn đến một thực trạng là hiếm có ai chịu bỏ nhiều thời gian, công sức ra để học hỏi kiến thức của cả hai lĩnh vực này một cách bài bản.
Kể từ sau khi John Bollinger lấy được cả hai chứng chỉ này và ứng dụng thành công chúng vào thực tế thì ngày càng có nhiều chuyên gia tài chính của Wall Street tìm học và đạt được cả hai bằng này. Họ nhận ra rằng mỗi loại đều có những điểm mạnh riêng và tốt nhất là nên nghiên cứu cả hai để làm tăng khả năng thành công của mình.
Thứ hai, ông nghiên cứu và phát minh ra Bollinger Bands. Công cụ này đã trở nên quen thuộc và gần như mặc dịnh trong tất cả các phần mềm phân tích kỹ thuật hiện nay.
Nguồn: Investopedia.com
Bollinger Bands - Một trong những công cụ phân tích kỹ thuật phổ biến nhất
Bollinger Bands là công cụ kết hợp giữa đường trung bình động (Moving Average) và độ lệch chuẩn.
Trung bình động (Moving Average) là một chỉ báo thể hiện giá trị trung bình của giá chứng khoán trong một khoảng thời gian. Khi giá chứng khoán thay đổi thì giá trung bình cũng thay đổi theo. Trong trường hợp của Bollinger Bands, trung bình động (đường middle) được tính từ giá đóng cửa (close price).
Dải trên (Upper Band): dải trên thường được tính bằng cách lấy đường trung bình cộng 2 lần độ lệch chuẩn. Dải này có vị trí nằm trên đường trung bình 20 ngày.
Dải dưới (Lower Band): dải dưới thường được tính bằng cách lấy đường trung bình trừ 2 lần độ lệch chuẩn. Dải này có vị trí nằm dưới đường trung bình 20 ngày.
Ứng dụng lớn nhất của Bollinger Bands là hiện tượng “thắt nút cổ chai”. Hiện tượng này đem lại hiệu quả đáng kể đối với người sử dụng.
Khi Upper Band và Lower Band co thắt lại thì đó là dấu hiệu cảnh báo sắp có một sự biến động giá mạnh trong tương lai gần. Tùy vào vị trí của giá so với đường middle (moving average) mà nhà đầu tư có thể dự đoán hướng biến động trong tương lai.
Thông thường thì sau khi bung nén giá sẽ bám vào Upper Band hoặc Lower Band. Trong ví dụ dưới đây của AMD thì giá gần như bám vào Upper Band từ cuối tháng 05/2017 đến đầu tháng 06/2017 và bám vào Lower Band từ cuối tháng 01/2018.
Nguồn: VietstockUpdater
Những điều bạn có thể học hỏi từ John Bollinger
Phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật không hề mâu thuẫn với nhau
Nhiều nhà đầu tư vẫn mặc định trong đầu rằng phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật là hai trường phái đối chọi với nhau. Điều này dẫn đến một hệ quả khá nguy hiểm là những người này sẽ nghĩ rằng chỉ được chọn một trong hai.
Sự thực thì phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật đóng những vai trò khác nhau trong quá trình ra quyết định đầu tư. Chúng hoàn toàn có thể kết hợp với nhau và thành công của John Bollinger đã chứng minh cho điều đó.
Phân tích cơ bản giúp chọn được những cổ phiếu tốt. Tuy nhiên, nếu mua sai thời điểm thì nhà đầu tư vẫn có thể bị lỗ nặng. Phân tích kỹ thuật sẽ giúp chọn thời điểm thích hợp để bắt đầu mua vào.
Nhà đầu tư cần sự đơn giản
Công cụ và triết lý của John Bollinger khá đơn giản và dễ hiểu. Điều này cho thấy không cần phải sở hữu một hệ thống quá cao siêu, phức tạp để thành công ở Wall Street nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung.
Một điểm cần tránh nữa là không nên dùng quá nhiều công cụ, chỉ báo có tác dụng gần giống nhau. Ví dụ như sử dụng cả Stochastic Oscillator, Ultimate Oscillator và Relative Strength Index trên cùng một đồ thị phân tích là khá thừa vì cả ba chỉ báo này đều thuộc nhóm momentum và có tính chất gần giống nhau.
Nhà đầu tư cần tập suy nghĩ một cách đơn giản và hiệu quả thay vì sử dụng quá nhiều công cụ rối rắm, phức tạp.
Thế Phong
FILI
|