Hải Dương: Thép Hòa Phát xả thải, người dân kêu cứu
Việc Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát (HPG) xả thải không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ của người dân xã Hiệp Sơn, huyện Kinh Môn (Hải Dương).
Thời gian qua, toà soạn liên tục nhận được phản ánh của người dân tại xã Hiệp Sơn, huyện Kinh Môn (Hải Dương) về hoạt động xả thải của Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát đóng trên địa bàn xã, khiến môi trường bị ô nhiễm, cuộc sống và sức khoẻ hàng trăm hộ dân nơi đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Một người dân xã Hiệp Sơn cho biết: “Đêm xả ra, dân phải đóng chặt cửa vì không ngủ nổi, hôm nào gió đông còn đỡ chứ gió bắc thì bụi bay thẳng vào trong khu dân cư, không chịu nổi. Hôm nào mà có sự cố thì cả khu này cứ như là nổ “bom”, khói đen kín lên trời luôn”.
Nhiều người dân còn cho biết, cứ sáng dậy là họ phải quyét dọn rất nhiều bụi bẩn, mạt sắt bám đầy sân, hiên nhà, thậm chí đọng lại trong cả cơm, canh, quần áo, ngói nhà cũng bị dính.
Không chỉ có bụi, khu vực này còn bị khói đen của nhà máy thép Hoà Phát bao vây khiến hoa màu gần đó cũng bị “bức tử”.
Khói đen nghi ngút xả ra từ nhà máy của Công ty Hoà Phát.
|
Ghi nhận thực tế tại những thời điểm khác nhau trong ngày, phóng viên đã tận mắt chứng kiến cảnh tượng nhiều ống khói từ nhà máy gang thép Hòa Phát xả ra nghi ngút từ sáng sớm tới lúc chiều đêm, tiếng ồn không ngớt.
Anh N.T.Đ, sống tại thôn An Cường cho biết: "Nhiều gia đình ở đây không dám dùng cả nước máy lẫn nước mưa, bởi từ mấy năm về trước chúng tôi đã phát hiện nước thải đen ngòm từ Công ty thép Hòa Phát đổ ra sông Kinh Thầy."
Theo người dân, do tình trạng của công ty Hòa Phát như vậy nên họ chỉ sử dụng nước giếng khoan, không dám dùng nước mưa, bể nước đều được thiết kế lắp đậy.
Ông V – người dân xã Hiệp Sơn, cho biết: “Kể từ khi Hòa Phát xây dựng ống xả thải thứ 3 thì mức độ ô nhiễm tăng lên, ồn hơn, bụi hơn. Trong đó, tiếng ồn và bụi là hai vấn đề chính khiến cho xóm 1 và xóm 4 bị ảnh hưởng nặng nề nhất, kể cả về không khí, chất độc, nguồn nước… hay con người, mọi mặt. Hành của bà con mỗi vụ trung bình cũng được tầm 10 – 12 triệu VNĐ nhưng cháy hết lá bán được bao nhiêu nữa?”.
Hoa màu của người dân xã Hiệp Sơn cũng bị "bức tử".
|
Trong khi đó, trả lời báo chí về vấn đề này, ông Trần Văn Chương – Chủ tịch UBND xã Hiệp Sơn, cho biết: “Các cột khói từ tháp dập coke bay lên mình gọi là hơi nước chứ không thể là bụi được, còn bụi thì phải cơ quan có thẩm quyền đánh giá”.
Cũng theo ông Chương, Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Hải Dương cho biết tất cả các thông số liên quan tới vấn đề môi trường của công ty Hòa Phát đều đạt ngưỡng cho phép.
Tuy nhiên, khi được hỏi sâu về các chỉ số để thấy được vấn đề môi trường của Hòa Phát đạt ngưỡng cho phép thì ông Chương đã không trả lời.
Với những gì đang diễn ra tại xã Hiệp Sơn, dư luận không khỏi băn khoăn và đặt ra câu hỏi: Khói bụi từ nhà máy gang thép Hoà Phát thải ra có thật sự là “hơi nước”? Liệu chính quyền nơi đây có đang “bao che” cho việc Công ty Hoà Phát xả thải ra môi trường? Phải chăng Hoà Phát đang “đánh đổi môi trường để lấy kinh tế”?
Đình Khang
GIA ĐÌNH & PHÁP LUẬT
|