Grab, Uber "xô đẩy" Vinasun về tỉnh
Việc mở rộng thị trường tỉnh cũng là chiến lược phản công tổng lực của Vinasun nhằm duy trì sức ép lên các đối thủ mới
Dịch chuyển thị trường mục tiêu
Trước sự tấn công quyết liệt của Grab và Uber, các hãng xe taxi truyền thống phải tìm nhiều cách xoay xở, trong đó có việc tìm cơ hội tại một số tỉnh thành. Ráo riết nhất trong cuộc đua về tỉnh này là Ánh Dương Việt Nam (Vinasun Corp). Nửa cuối năm 2017, Vinasun mở các chi nhánh tại Bình Thuận, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế tăng thêm số lượng xe taxi Vinasun hoạt động phục vụ hành khách trên địa bàn vùng ven biển miền Trung. Đầu năm nay, hãng taxi này chính thức khai trương chi nhánh tại tỉnh Đắk Lắk. Thậm chí, Vinasun cũng mới ra thông báo tuyển tài xế mới tại tỉnh lỵ Sóc Trăng để đẩy nhanh tốc độ thực hiện chiến lược “về tỉnh”.
Trước mắt, có thể xem đây là một trong những giải pháp tình thế để giải cứu Vinasun khi các hãng taxi truyền thống đều đang lao đao. Tận dụng được một phần nguồn xe sẵn có nên nếu Vinasun đảm bảo được tài xế thì sẽ triển khai nhanh chóng hơn tại các tỉnh nhỏ. Điều này đồng nghĩa, Vinasun sẵn sàng cắt giảm lượng xe nhàn rỗi, chờ thanh lý và giảm lượng xe đang khai thác tại TP.HCM (nơi đang có sự cạnh tranh khốc liệt nhất với Grab và Uber). Trong khi đó, Grab và Uber sẽ gặp nhiều khó khăn hơn với chiến lược mở rộng tại những tỉnh nhỏ do tại đây có xe tư nhân ít hơn so với các thành phố lớn.
Các hãng taxi truyền thống hiện có mặt tại hầu hết các tỉnh thành. Theo đó, về lý thuyết, các hãng này chỉ bị giảm thị phần ở các thành phố lớn nhất trước Grab và Uber. Trong trường hợp này, lượng xe lại được điều chuyển sang các tỉnh thành khác để tập trung kênh tỉnh. Như vậy, chiến lược về tỉnh chỉ là dịch chuyển thị trường mục tiêu.
Cùng với việc đổ về tỉnh, với một hãng xe có thương hiệu, nếu có chính sách giá cạnh tranh thì Vinasun có thể nhanh chóng giành ưu thế so với những thương hiệu taxi địa phương. Ngoài ra, tại một số tỉnh nhỏ đang trong giai đoạn phát triển, doanh nghiệp mới sẽ được tạo điều kiện về chính sách phát triển tại địa phương.
Tuy nhiên, chiến lược về tỉnh này không hoàn toàn màu hồng. Chẳng hạn, tại Sóc Trăng hiện có 4 hãng taxi là Mekong Taxi, Sóc Trăng Taxi, Open và Mai Linh. Với mặt bằng thu nhập thấp, người dân tại đây vẫn sử dụng phương tiện di chuyển chính là xe máy. Do đó, các hãng taxi chỉ phục vụ được phân khúc chính là khách tại nhà hàng, khách sạn là chủ yếu.
“Với mỗi chuyến vài chục ngàn đồng mà tài xế các hãng đang tranh nhau, nếu Vinasun về sẽ lại thêm cạnh tranh nữa thì không biết đi về đâu”, một tài xế hãng Mekong Taxi (Sóc Trăng) cho biết. “Tôi cho rằng, nếu Vinasun về tỉnh và thực hiện được chính sách lao động tốt sẽ không có thêm nhiều lao động mới mà chủ yếu từ các tài xế hãng khác nhảy việc”, anh Liêu Minh, quản lý vùng một hãng taxi, nhận định về việc Vinasun đang mở rộng tại địa phương.
Chưa kể nhiều thành phố đang dự thảo về quản lý taxi ngoại tỉnh chặt chẽ hơn nên dự kiến hàng ngàn tài xế ngoại tỉnh có thể sẽ sớm phải dời thành phố trở về quê. Đội quân này sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh không nhỏ đối với Vinasun hay Mai Linh tại thị trường tỉnh.
Không có nhiều lựa chọn
Tuy nhiên, Vinasun không có nhiều lựa chọn. Trước sức ép cạnh tranh khốc liệt của Grab và Uber, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính của Vinasun dần “teo tóp” khiến hãng này phải trông chờ nhiều vào việc thanh lý xe cũ để duy trì lợi nhuận. Từ một doanh nghiệp taxi đầu ngành nhưng với sự thay đổi quá nhanh của môi trường kinh doanh, khả năng chi phối thị trường của Vinasun đã dần giảm sút.
Năm 2017, doanh thu của Vinasun giảm gần 50% so với năm 2016, xuống còn 2.937 tỉ đồng, quay trở về mức của 7 năm trước. So với năm 2016, lợi nhuận của Vinasun đã giảm 40% chỉ còn 245 tỉ đồng trong năm 2017. Lợi nhuận sụt giảm mạnh cũng là một nguyên nhân làm cho giá cổ phiếu của Vinasun giảm tới 50% trong năm 2017. Gần cuối năm 2017, đã có khoảng 10.000 nhân viên của Vinasun thôi việc hoặc chuyển sang hoạt động theo mô hình nhượng quyền thương mại giúp Vinasun tiết kiệm hơn 1.000 tỉ đồng.
Theo thống kê, tại TP.HCM có khoảng 55 hãng xe taxi truyền thống, taxi gia đình đang hoạt động. Tính đến năm 2016, số lượng taxi truyền thống tại TP.HCM đạt khoảng 18.000 chiếc, vượt xa quy hoạch của thành phố đến năm 2020 tới 5.300 chiếc. Trong bối cảnh này, các hãng xe taxi truyền thống như Vinasun phải tìm mọi cách cạnh tranh với hãng công nghệ như ra mắt ứng dụng đặt xe, tăng khuyến mãi, dự thưởng, thậm chí là kiện Grab ra tòa...
Việc mở rộng thị trường tỉnh cũng là chiến lược phản công tổng lực của Vinasun nhằm duy trì sức ép lên các đối thủ mới. Ngoài bài toán giá và chi phí, chất lượng xe cũng là yếu tố Vinasun có thể thất thế trước Grab hay Uber. Hầu hết số người được hỏi lý do tại sao chọn xe công nghệ đều cho rằng, xe công nghệ đều là xe tư nhân, sạch sẽ và luôn được bảo quản kỹ hơn. Do đó, nếu sử dụng xe thanh lý, chất lượng quá kém tại các tỉnh, thì nỗ lực của Vinasun có thể sẽ không có nhiều ý nghĩa. Các hãng taxi truyền thống như Vinasun vẫn phải quay về bài toán cạnh tranh cơ bản: Nếu chênh lệch giá không nhiều, nếu dịch vụ của Vinasun tốt (tương đương so với Uber và Grab) thì người tiêu dùng sẽ không ngại ngần chọn hãng nào mang tới sự bảo đảm, sự tiện dụng và tính kinh tế
HOÀNG QUÂN
NHỊP CẦU ĐẦU TƯ
|