Châu Âu tính hợp sức với nhiều nước để trả đũa Mỹ vụ thuế thép, nhôm
Pháp cho rằng EU có thể hợp sức với các quốc gia ngoài khối để trả đũa hàng rào thuế thép và nhôm của Mỹ...
Trong một nhà máy sản xuất thép ở Pháp.
|
Liên minh châu Âu (EU) cần đoàn kết để đáp trả hàng rào thuế quan mà Mỹ dựng lên đối với thép và nhôm nhập khẩu, và có thể hợp sức với các quốc gia ngoài khối để trả đũa Mỹ - Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC.
"Tôi cho rằng trước hết, các nước thành viên trong EU cần có sự đáp trả tập thể. Tiếp đó, nếu các nước khác muốn tham gia với EU, thì dĩ nhiên, chúng tôi cởi mở với những cuộc thảo luận như vậy", ông Le Maire nói ngày 12/3.
Vị Bộ trưởng Pháp cũng kêu gọi "châu Âu nghĩ về một mối lo chung, một sự đáp trả chung, và có động thái đáp trả nếu cần thiết".
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký lệnh đánh thuế nhập khẩu 25% đối với thép và 10% đối với nhôm, làm dấy lên những lời cảnh báo trả đũa từ các đối tác thương mại của Mỹ, bao gồm châu Âu và Trung Quốc.
Ông Trump nói việc đánh thuế mạnh đối với thép và nhôm nhập khẩu sẽ giúp giải quyết tình trạng thừa công suất trong ngành thép cũng như việc mà ông cho là Trung Quốc bán phá giá thép dư thừa vào các quốc gia khác. Trong khi đó, EU xem động thái của nhà lãnh đạo Mỹ là hành động bảo hộ thương mại, cản trở tự do thương mại, có khả năng châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu.
Mexico và Canada là hai nước được Mỹ miễn trừ khỏi chương trình đánh thuế nói trên. Hiện Anh, EU và Nhật Bản đang hy vọng sẽ được Mỹ miễn trừ thông qua đàm phán.
Trao đổi với CNBC ngày 12/3, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói việc Canada được miễn trừ khỏi hàng rào thuế quan thép và nhôm của Mỹ không liên quan gì đến cuộc đàm phán đang diễn ra về điều chỉnh Hiệp định Tự do mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA). Tuy nhiên, ông Trudeau cảm ơn ông Trump vì "cân nhắc đặc biệt" dành cho Canada về thuế thép và nhôm, đồng thời bày tỏ sẵn sàng hợp tác với Mỹ trong vấn đề chống bán phá giá những mặt hàng này.
"Chúng tôi cũng rất lo về tình trạng thừa nguồn cung thép trên toàn cầu, về việc Trung Quốc cũng như một số nước khác bán phá gia thép và nhôm. Điều đó ảnh hưởng đến người lao động của chúng tôi", ông Trudeau nói. "Chúng tôi đã có những biện pháp rất mạnh đối với bán phá giá, và như tôi đã nói với ngài Tổng thống Mỹ… tôi vui lòng hợp tác với nước Mỹ để thúc đẩy hơn nữa những biện pháp như vậy", ông Trudeau nói.
Tuần trước, Ủy ban châu Âu (EC) đã dọa sẽ tăng thuế nhập khẩu đối với nhiều hàng hóa Mỹ như rượu whiskey, lạc, quả mạn việt quất, quần bò Levi’s, xe mô-tô Harley-Davidson… Hôm thứ Sáu, quan chức phụ trách vấn đề thương mại của EU, bà Cecilia Malmstrom nói rằng EU cần phải được Mỹ miễn trừ khỏi hàng rào thuế quan thép và nhôm.
Đáp lại lời đe dọa trả đũa của châu Âu, ông Trump nói nếu EU hành động, Mỹ sẽ đánh thuế mạnh xe hơi nhập khẩu từ châu Âu. Ngày 12/3, ông Trump viết trên mạng xã hội Twitter rằng Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross sẽ "trao đổi với đại diện của EU về việc loại bỏ thuế quan và hàng rào mà họ sử dụng để chống lại nước Mỹ".
Tại một cuộc gặp của khối sử dụng đồng Euro ở Brussels ngày 12/3, các bộ trưởng bộ tài chính châu Âu bày tỏ sự phản đối mạnh đối với lệnh đánh thuế thép và nhôm của ông Trump.
"Tôi xin nói rõ rằng đây là một ý tưởng tồi, không chỉ xấu đối với người dân châu Âu và còn xấu đối với cả người Mỹ nữa", Bộ trưởng Bộ Tài chính Hà Lan Wopke Hoekstra phát biểu.
Ông Hoekstra không cho rằng châu Âu nên dùng thuế quan để trả đũa Mỹ, nhưng điều này có thể xảy ra. "Chúng tôi không nên đi theo con đường như họ đi, bởi vì làm như thế không mang lại lợi ích cho chúng ta… Nhưng đó là một kịch bản mà tôi cho rằng EU đã xem xét", ông nói.
Trong khi đó, quyền Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Peter Altmaier kêu gọi các bên giữ cho thương mại được rộng mở hết sức có thể.
"Tôi cho rằng việc duy trì thương mại quốc tế bình đẳng và cởi mở hết sức có thể là trách nhiệm của các bên", ông Altmaier nói. "Điều này là vì lợi ích của tất cả các nước và sẽ giúp chúng ta phát triển nền kinh tế của mình".
BÌNH MINH
VNECONOMY
|