Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc: Chiến tranh thương mại với Mỹ sẽ là một thảm họa
Trong ngày Chủ nhật (11/03), Trung Quốc cho biết họ sẽ không khởi đầu một cuộc chiến thương mại với Mỹ, nhưng kiên quyết bảo vệ quyền lợi quốc gia trước làn sóng bảo hộ từ phía Mỹ.
"Không ai giành chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại, và nó chỉ đem lại thảm họa cho cả 2 quốc gia, cũng như phần còn lại của thế giới”, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc, Zhong Shan, cho biết tại một cuộc họp báo.
“Trung Quốc không muốn tham gia vào một cuộc chiến thương mại, và cũng không khởi đầu cuộc chiến thương mại, nhưng chúng tôi có thể đối phó với bất kỳ thách thức nào, và sẽ kiên quyết bảo vệ lợi ích của quốc gia và người dân Trung Quốc”, ông Zhong Shan cho hay.
Đây là tuyên bố mới nhất từ phía Bắc Kinh về các vấn đề đối với mối quan hệ hợp tác thương mại và kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc, ám chỉ đến kế hoạch áp thuế nhập khẩu lên thép và nhôm của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong ngày thứ Năm (08/03 – giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký kết hai bản tuyên bố chính thức, thực hiện áp thuế nhập khẩu lên thép và nhôm, nhưng miễn trừ đối với Canada và Mexico. Tuy nhiên, các quốc gia khác vẫn còn cơ hội được Mỹ miễn thuế nhập khẩu thép và nhôm.
Trước đây, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã dọa sẽ trả đũa trước việc áp đặt hàng rào thuế quan, nhưng vẫn chưa tiến hành bất kỳ động thái trực tiếp nào sau khi ông Trump tuyên bố áp thuế.
Dẫn lời từ các chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc, ông Zhong cho hay Mỹ đã phóng đại quá mức về khoản thâm hụt thương mại về Trung Quốc khoảng 20% mỗi năm. Ông Zhong không hề đưa ra bất kỳ thông tin chi tiết nào về số liệu thống kê này, nhưng Mỹ và Trung Quốc thường công bố các số liệu thương mại rất khác nhau.
Được biết, Mỹ ghi nhận khoản thâm hụt với Trung Quốc là 375 tỷ USD trong năm 2017.
Ông Zhong cho rằng tình trạng mất cân bằng về thương mại một phần là do các biện pháp kiểm soát hoạt động xuất khẩu hàng hóa công nghệ cao của Mỹ sang Trung Quốc, đồng thời khẳng định Washington có thể thu hẹp thâm hụt thương mại nếu như họ cho phép Trung Quốc mua thêm các hàng hóa công nghệ.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho biết việc bán các hàng hóa công nghệ chỉ chiếm một phần trăm rất nhỏ trong khoản thâm hụt thương mại với Trung Quốc.
Trước đó, chính quyền Donald Trump đã thông qua việc áp đặt thuế suất cao hơn lên máy giặt do Trung Quốc sản xuất, mô đun năng lượng và một số hàng hóa khác, qua đó buộc Bắc Kinh phải cáo buộc Washington vì đã phá hoại các quy định thương mại toàn cầu bằng cách áp dụng luật của Mỹ thay vì luật của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Liu He, Cố vấn kinh tế hàng đầu của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, đã viếng thăm Washington vào đầu tháng này nhằm xoa dịu tình trạng căng thẳng giữa hai quốc gia.
Ông Zhong cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục nới lỏng khả năng tiếp cận tới thị trường Trung Quốc.
Trung Quốc thu hút 136.3 tỷ USD đầu tư nước ngoài trong năm 2017. Đất nước này từ lâu đã là một trong những điểm thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu trên toàn cầu, nhưng sự nhiệt tình của nhà đầu tư nước ngoài đã nguội bớt. Kết quả thăm dò các nhóm doanh nghiệp cho thấy các công ty đã chuyển hướng sang các nền kinh tế châu Á khác với khả năng sinh lời cao hơn và ít bị giới hạn hơn.
“Chúng tôi phát hiện ra rằng một số doanh nghiệp có sự góp vốn của nước ngoài đã phàn nàn về môi trường đầu tư của Trung Quốc”, ông Zhong cho hay. “Việc họ phàn nàn cho thấy một điều là họ vẫn còn quan tâm đến sự phát triển của Trung Quốc và có niềm tin vào thị trường Trung Quốc”.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|