Cạnh tranh giả vờ?
Uber đầu hàng trước Grab ở thị trường Đông Nam Á khiến cho Grab trở thành gần như độc tôn ở thị trường này và thua thiệt sẽ là những người tiêu dùng.
Mô hình “đi xe chung” mà Uber là người tiên phong đã được xem như là một bước đột phá, trao nhiều quyền cho người tiêu dùng. Từ nước Mỹ, Uber lấn sân ra toàn thế giới. Tiếp theo, hàng loạt đối thủ địa phương học theo mô hình của Uber để đánh vào chính Uber.
Sự cạnh tranh giữa họ khiến người tiêu dùng có sự dễ chịu chưa về dịch vụ và giá cả. Nhưng khi họ đã “giáo dục” được thị trường, đã bắt rễ được vào thói quen của người tiêu dùng, có dấu hiệu gần đây cho thấy rằng họ bắt đầu phân chia thị trường. Công bằng mà nói, họ không thể đổ mãi tiền vào thị trường được, họ cần phải có lợi nhuận. Nhưng những dấu hiệu mua bán, sáp nhập, đầu hàng… giữa họ dấy lên suy luận: phải chăng họ chỉ giả vờ cạnh tranh với nhau thời gian qua.
Uber năm tới sẽ IPO, họ cần bản báo cáo tài chính đẹp hơn. Năm 2017, họ thua lỗ tổng cộng 4,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 61% so với con số thua lỗ 2,8 tỉ đô la năm 2016. Năm nay, họ cần phải cắt lỗ từ những thị trường không hiệu quả, đó là lý do phía Uber đưa ra để giải thích tại sao họ từ bỏ thị trường Đông Nam Á.
Mới có thông tin Uber “đầu hàng” trước Grab ở Đông Nam Á, song chưa có thông tin họ sẽ thoái lui theo cách nào. Nhiều khả năng, Uber sẽ trao lại hạ tầng họ xây dựng ở đây cho Grab, đổi lại bằng một số lớn cổ phần trong Grab, theo phân tích của kênh tài chính CNBC.
Chiến lược này đã từng được Uber thực hiện. Sau khi không “nuốt” được Didi Chuxing ở Trung Quốc, Uber ra khỏi thị trường này với 20% cổ phần của Didi trong tay. Tại Nga, Uber hợp nhất với đối thủ địa phương Yandex và nắm giữ 37% cổ phần của Yandex.
Điều đáng kể nhất là sự phân chia thị trường này có bàn tay chỉ huy phía sau của Softbank, tập đoàn đầu tư tài chính đa ngành Nhật Bản. Cho đến giữa năm 2017, Softbank đã đầu tư tổng cộng 5 tỉ đô la vào Didi, chiếm 20% cổ phần công ty này. Cuối năm 2017, cặp đôi Softbank và Didi rót 2 tỉ đô la vào Grab với nỗ lực đưa Grab vào vị trí độc tôn ở Đông Nam Á. Tháng 1-2018, Softbank công bố họ rót 9 tỉ đô la vào Uber và trở thành cổ đông lớn nhất của Uber với 15% cổ phần.
Không những thế, Softbank đang là cổ đông hàng đầu ở Ola - hãng gọi xe cùng mô hình ở Ấn Độ, và tỏ ý quan tâm đến Lyft - đối thủ cạnh tranh của Uber tại Mỹ. Cặp đôi Softbank và Didi cũng nắm quyền kiểm soát công ty “đi xe chung” 99 ở Brazil và không giấu ý định sẽ chinh phục thị trường Mexico trong năm nay. Mới đây nhất, cặp đôi này đã đầu tư Nihon Kotsu, công ty taxi lớn nhất Nhật Bản với ý định thống lĩnh thị trường Nhật Bản.
Tờ Fortune nhận xét, Softbank là cổ đông lớn ở Uber, Grab, Ola, Didi, 99, không nhà đầu tư nào muốn một công ty trong danh mục đầu tư của mình xả tiền để cạnh tranh với một công ty khác cũng trong danh mục đầu tư của mình, quá dễ để thấy vai trò của Softbank trong việc Uber rút khỏi Đông Nam Á. Softbank là ông chủ thật sự của mô hình “đi xe chung” và ông chủ đang phân chia lại thị trường.
THÁI HÀ
TBKTSG
|