Thứ Hai, 19/03/2018 06:10

Cuộc chiến “điều kiện kinh doanh” và bài học từ 1999

Vì sao năm 1999, chúng ta cắt ngay được 40% điều kiện kinh doanh, cởi trói cho doanh nghiệp, thúc đẩy tinh thần kinh doanh rất mạnh mẽ?

Câu chuyện chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ tại Hội thảo: “Cải thiện vượt bậc môi trường kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng, tốc độ tăng trưởng” vừa tổ chức sáng qua, ngày 15/3 tại Hà Nội một lần nữa là minh chứng cho thấy tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” vẫn tồn tại trong “cuộc chiến” điều kiện kinh doanh hiện nay.

Vẫn “trên nóng, dưới lạnh”

Theo bà Lan, sở dĩ năm đó chúng ta cắt ngay được 40% điều kiện kinh doanh là bởi ngay khi Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp rà soát, đề xuất danh sách giấy phép con vô lý thì Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đồng ý ban hành quyết định cắt ngay chứ không giao các bộ làm.

Đây cũng là quan điểm TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) ví von: “Nếu ví công cuộc cải thiện môi trường kinh doanh ở các Bộ như những con tàu thì có Bộ đã về tới ga cuối, trong khi có bộ lại chưa vào vạch xuất phát”.

Theo TS Cung: “Nhìn lên trên Thủ tướng, Phó Thủ tướng “nóng” nhưng một số Bộ trưởng “lạnh”; tại nhiều tỉnh thì một số Chủ tịch vẫn chưa nóng, các chuyên viên thậm chí còn lạnh hơn”.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cũng cho hay: "Số điều kiện kinh doanh bãi bỏ còn thấp so với mục tiêu bãi bỏ ít nhất 1/3-1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành. Một số bộ còn gộp số bãi bỏ và sửa đổi để đánh giá hoàn thành mục tiêu; số bãi bỏ thấp xa so với yêu cầu; sửa đổi là chủ yếu. Số hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan mới giảm được 10 điểm %, so với mục tiêu đề ra là phải giảm được ít nhất 20 điểm %... ".

Về những điểm nhấn trọng tâm trong nội dung và cách thức triển khai thực hiện NQ 19/2018, ông Cung nhấn mạnh yêu cầu tạo áp lực và kỷ luật hành chính mạnh mẽ hơn đối với các chỉ số mà thứ hạng và điểm số còn thấp, không cải thiện đáng kể trong mấy năm qua, nhất là khởi sự kinh doanh, đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, giao dịch thương mại qua biên giới. Đồng thời, cần phối hợp tốt hơn, hiện quả hơn với Toà án Nhân dân tối cao để có cải thiện đáng kể chỉ số giải quyết phá sản doanh nghiệp và giải quyết tranh chấp hợp đồng.

Tháo bỏ “sợi dây” vướng chân doanh nghiệp

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam khá trăn trở khi nói đến vấn đề thực thi các chính sách mới ban hành.

“Khi Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm, tôi rất háo hức, nhưng khi chúng tôi tổ chức hội thảo về phổ biến Nghị định này, chúng tôi nhận được hơn 130 câu hỏi hầu hết là cần được làm rõ Nghị định tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau. “Chúng tôi mong muốn các cơ quan nhà nước có hướng dẫn kịp thời nhanh hơn để sản xuất không bị ách tắc, không mất thời gian để hỏi, làm rõ”, ông Nam nhấn mạnh.

Nhìn nhận vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định, cuộc chiến với điều kiện kinh doanh nếu muốn giành được thắng lợi thì phải thay đổi cách làm. Cụ thể, cần phải công bố các điều kiện kinh doanh cần cắt bỏ và đưa ra yêu cầu về tiến độ thực hiện, đến thời điểm yêu cầu mà các bộ ngành không làm được thì Thủ tướng ra quyết định bãi bỏ, không chờ các Bộ.

Với tình trạng "trên nóng dưới lạnh" như hiện nay, không bao giờ có thể rượt đuổi để chờ công chức nóng lên được trong khi họ đang lạnh tanh với sự phát triển của doanh nghiệp, của đất nước", bà Lan nói và khẳng định cần tăng kỷ cương, kỷ luật công việc.

Huyền Trang

DĐDN

Các tin tức khác

>   Những vết nứt hội nhập (19/03/2018)

>   Thêm 388 xe hơi nhập từ Thái, giá bán vẫn cao hơn khu vực (18/03/2018)

>   Hầu tòa vụ PVN mất 800 tỉ, ông Đinh La Thăng có 5 luật sư (18/03/2018)

>   Nhà mạng nói gì về hưởng lợi ngàn tỉ từ đường dây đánh bạc? (18/03/2018)

>   2 tài sản ngoài ngành của AVG có 'dấu hiệu bất thường' (18/03/2018)

>   Sốc: Mỹ áp mức thuế cao khủng khiếp lên cá tra Việt Nam (18/03/2018)

>   Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải - người đi đầu mở cửa kinh tế (17/03/2018)

>   Cá tra Việt Nam: Mỹ sẽ “chốt” lịch thanh tra thực địa trong tháng 3 (17/03/2018)

>   Kiến tạo nền xuất khẩu thực chất Việt Nam (17/03/2018)

>   Bộ Công an: Đã khởi tố 83 bị can trong đường dây đánh bạc ngàn tỷ (17/03/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật