Thứ Tư, 21/03/2018 11:05

Ai là người thừa kế 5 gia tộc kinh doanh hàng đầu Hồng Kông?

Gần đây, không chỉ tỉ phú số một Lý Gia Thành thông báo về hưu, nhường quyền lãnh đạo tập đoàn lại cho con trai trưởng mà nhiều doanh nhân nứt tiếng Hồng Kông khác cũng làm điều tương tự.

Ông Lý Gia Thành (phải) và con trai Victor Li
Ảnh: Reuters

Hôm 16.3, ông Lý - người Hồng Kông giàu nhất - thông báo mình sẽ về hưu trên cương vị chủ tịch CK Hutchison Holdings và CK Asset Holdings, nhường quyền lãnh đạo doanh nghiệp lại cho con trai cả Victor Li.

Ông Lý thường được truyền thông Hồng Kông xem là “siêu nhân” vì khả năng kinh doanh, đầu tư của mình trong hàng thập kỷ. Vì vậy, ông Victor có thể bị đánh giá nặng nề nếu ông không đáp ứng được kỳ vọng của công chúng.

Giám đốc Kevin Au của Trung tâm Doanh nghiệp Gia đình tại Đại học Trung Quốc ở Hồng Kông cho hay: “Thế hệ thứ nhì luôn vấp nhiều áp lực. So với thế hệ đi trước, họ luôn bị công chúng và đối tác kinh doanh xem thường vì cha mẹ của họ là những người anh hùng”.

Bloomberg mới đây có tóm lược danh sách 5 gia tộc kinh doanh quan trọng nhất Hồng Kông đã truyền hoặc sẽ sớm truyền gia sản lại cho người thừa kế.

Nhà họ Lý

Ông Lý Gia Thành (phải) và con trai Victor Li
Ảnh: Reuters

Ông Lý Gia Thành, năm nay 89 tuổi, là người sáng lập đế chế kinh doanh ở Hồng Kông của nhà họ Lý trong Thế chiến thứ hai. Ông khởi nghiệp từ công ty làm hoa nhựa, sau đó vươn ra các ngành bất động sản, cảng biển, viễn thông, năng lượng, bán lẻ. Năm 2012, ông cho hay con trai trưởng của mình là Victor Li sẽ là người thừa kế, song ông mất đến sáu năm để hoàn toàn từ bỏ quyền kiểm soát tập đoàn biểu tượng CK Hutchison và nhiều doanh nghiệp khác.

Ông Victor năm nay 53 tuổi, là kỹ sư được đào tạo tại Đại học Stanford. Ông được chuẩn bị chu đáo nhiều thập niên qua để sớm tiếp quản doanh nghiệp gia đình. Hồi năm 1996, ông Victor bị băng đảng của Cheung Tze-keung bắt cóc và tỉ phú Lý phải trả 1 tỉ đô la Hồng Kông để chuộc con. Ông Lý đánh giá con mình ở mức 90/100 điểm.

Nhà họ Lee

Từ trái sang: Ông Martin Lee, Lee Shau Kee và Peter Lee
Ảnh: Bloomberg

Nhà sáng lập Lee Shau Kee năm nay 90 tuổi, là dân nhập cư từ Quảng Đông đến Hồng Kông vào năm 1948. Ông là nhà đồng sáng lập Sun Hung Kai Properties, song ông rời hãng này vào năm 1973 để thành lập Henderson Land Development. Năm 2014, ông cho hay mình sẽ về hưu “từ từ”, chưa định ngày cụ thể.

Ông Lee chưa xác định được ai là người thừa kế song con trai ông là Peter Lee đang là đồng phó chủ tịch Henderson Land. Với cương vị chủ tịch Henderson China Holdings, ông Peter là người duy nhất trong họ Lee được giao nhiệm vụ làm ăn ở Đại lục. Ông giữ ghế đồng phó chủ tịch với anh mình là Martin Lee, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Henderson Investment và chủ tịch kiêm CEO Miramar Hotel & Investment Co.

Nhà họ Cheng

Ông Cheng Yu-tung
Ảnh: AFP

Doanh nhân Cheng Yu-tung sinh năm 1925 tại Quảng Đông. Ông đến Macau vào thời trẻ, làm việc ở một cửa hàng vàng và sau đó kết hôn với con gái ông chủ cửa hàng. Hậu chiến tranh, ông đến Hồng Kông, thành lập New World Development Co. năm 1970. New World xây dựng nhiều công trình lớn ở đặc khu này. Ông Cheng niêm yết hãng Chow Tai Fook Jewellery Group lên sàn chứng khoán năm 2011 và tuyên bố nghỉ hưu năm 2012. Khi qua đời vào năm 2016, ông là người giàu thứ ba Hồng Kông.

Ông Henry Cheng
Ảnh: Bloomberg

Hai người thừa kế gia sản nhà họ Cheng là Henry Cheng và Adrian Cheng. Henry là con trai của ông Cheng Yu-tung, sinh tại Hồng Kông năm 1946. Sau khi tiếp quản doanh nghiệp vào cuối thập niên 1980, ông dẫn đầu thương vụ thâu tóm chuỗi khách sạn Ramada. Tổng thống Mỹ Donald Trump từng kiện ông Henry năm 2005 vì đợt rao bán bất động sản ven sông ở Manhattan trị giá 1,8 tỉ USD. Năm ngoái, ông Cheng rời doanh nghiệp vài tháng vì bị bệnh.

Nhân vật thứ nhì trong hàng thừa kế gia sản nhà họ Cheng là Adrian Cheng, người lên chức phó chủ tịch New World năm ngoái. Ông tốt nghiệp Harvard vào năm 2002 và là nhà sáng lập một hãng phát triển bất động sản theo chủ đề nghệ thuật cùng một quỹ ủng hộ các nghệ sĩ mới nổi.

Nhà họ Kwok

Từ trái sang: Raymond, Walter và Thomas Kwok
Ảnh: Bloomberg

Ông Kwok Tak-seng là doanh nhân từ Quảng Đông đến Hồng Kông sau chiến tranh. Ông đồng sáng lập Sun Hung Kai Properties năm 1963. Ông Kwok qua đời năm 1990.

Con trai Walter Kwok của ông Tak-seng là người thừa kế số một. Ông từng bị băng đảng bắt cóc Victor Li bắt cóc năm 1996. Walter lãnh đạo Sun Hung Kai đến năm 2008, khi gia đình lục đục và ông bỏ đi. Hiện chủ tịch của Sun Hung Kai là Raymond Kwok, 64 tuổi, người được tha bổng sau phiên xử tham nhũng vào năm 2014. Người thừa kế sáng giá thứ nhì là Adam Kwok, cựu sinh viên Đại học Stanford và Harvard Business School. Ông Adam là con trai của Thomas Kwok, anh trai của Walter.

Nhà họ Pao/Woo

Ông Douglas Woo
Ảnh: South China Morning Post

Nhà sáng lập đế chế kinh doanh dòng họ này là Y.K. Pao, sinh tại Ninh Ba (Trung Quốc) năm 1918. Ông xây dựng hãng hàng hải lớn, kiểm soát hai nhà giao dịch Anh và mở rộng kinh doanh ra ngành bất động sản. Ông về hưu năm 1986 và qua đời năm 1991.

Peter Woo, con rể của ông Pao, là người thừa kế đầu tiên. Ông tiếp quản Wheelock & Co. and Wharf Holdings Ltd. sau khi ông Pao nghỉ hưu, mở rộng kinh doanh sang mảng truyền hình cáp, viễn thông và internet băng thông rộng. Ông rời vị trí chủ tịch Wheelock năm 2013 và hiện là cố vấn cao cấp của doanh nghiệp. Người thứ nhì kế thừa gia sản dòng họ Woo là chủ tịch Wheelock hiện thời, ông Douglas Woo, con trai của Peter. Ông Douglas học kiến trúc tại Đại học Princeton, từng làm nhà phân tích tại UBS Group trước khi đầu quân cho Wheelock năm 2005.

THU THẢO

THANH NIÊN

Các tin tức khác

>   Bầu Đức: Tháng 4, tôi sẽ bỏ bóng đá nếu anh Tú trúng cử (21/03/2018)

>   Tỷ phú Warren Buffett nhận lương thấp khó tin trong nhiều thập kỷ (21/03/2018)

>   Mark Zuckerberg bị đề nghị từ chức (20/03/2018)

>   Những điều ít biết về tình bạn 27 năm của Warren Buffett và Bill Gates (20/03/2018)

>   Lê Diệp Kiều Trang làm giám đốc Facebook Việt Nam (20/03/2018)

>   Tỷ phú Brazil có duyên với những thương vụ M&A (20/03/2018)

>   Cú vấp ngã của một trader nổi tiếng (19/03/2018)

>   Đơn xin việc của Steve Jobs năm 1973 có giá hơn 174.000 USD (19/03/2018)

>   Bầu Đức được đề cử nhưng không có tên (19/03/2018)

>   Nền kinh tế nào có nhiều tỷ phú nhất thế giới? (19/03/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật