Vì sao chỉ có 3 chiếc ô tô con nhập khẩu về Việt Nam tuần qua?
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tuần (26/1-1/2) chỉ có 23 chiếc ô tô nguyên chiếc các loại được mở tờ khai hải quan, với tổng trị giá đạt gần 1,66 triệu USD.
Theo Tổng cục Hải quan, trong tuần qua chỉ có 3 chiếc ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ được thông quan
|
Đặc biệt, trong tuần qua, chỉ có 3 chiếc ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ ngồi được làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam, đưa tổng số xe này nhập khẩu trong tháng 1/2018 vừa qua chỉ đạt gần 20 xe, ước tính chỉ bằng 14% cùng kì năm ngoái. 3 chiếc xe này có trị giá hơn 56.000 USD và có xuất xứ từ Hàn Quốc
Có 20 chiếc ô tô loại khác (100% là ô tô đầu kéo) cũng được mở tờ khai trong tuần qua, với trị giá đạt 1,6 triệu USD. Ô tô đầu kéo nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ Hoa Kỳ.
Cũng theo thống kê sơ bộ, trong tuần có gần 15,2 triệu USD linh kiện và phụ tùng ô tô nhập khẩu vào nước ta. Nhập khẩu nhóm hàng này có xuất xứ chủ yếu từ Nhật Bản với trị giá hơn 7 triệu USD; từ Đức trị giá 2,6 triệu USD; từ Hàn Quốc trị giá 1,9 triệu USD và từ Thái Lan trị giá 1,7 triệu USD.
Tính chung, nhập khẩu từ 4 thị trường này trong tuần qua chiếm tỷ trọng tới 88% trong tổng trị giá nhập khẩu linh kiện & phụ tùng ô tô của cả nước.
Trước đó, báo cáo sơ bộ của Tổng cục Hải quan cũng cho biết, 15 ngày đầu của tháng 1/2018, cả nước nhập về chỉ 60 chiếc ô tô các loại, giảm 83% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, số ô tô dưới 9 chỗ vỏn vẹn 6 chiếc. Điều đáng nói, 6 chiếc ô tô này không được nhập về với mục đích thương mại mà khả năng cao được đưa về dưới dạng quà tặng hoặc thuộc diện xe ngoại giao.
Theo chuyên gia, ngay từ tháng 10/2017, nhiều hãng xe cho biết ngừng nhập khẩu xe về Việt Nam do rào cản từ Nghị định 116. Nói như đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) quá trình từ khi đặt hàng, sản xuất, vận chuyển xe ô tô từ nước xuất khẩu đến Việt Nam sẽ mất một thời gian dài. Ngoài ra, mỗi doanh nghiệp nhập khẩu xe ô tô cũng cần thêm thời gian để xin giấy phép nhập khẩu xe ô tô theo yêu cầu của Nghị định 116.
“Để có giấy phép này, mỗi doanh nghiệp nhập khẩu xe ô tô cần phải chuẩn bị và nộp các giấy chứng nhận của nhà sản xuất nước ngoài cho việc triệu hồi, hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp phụ tùng chính hãng cũng như giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng do Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp” - Hiệp hội cho biết.
Tình trạng này kéo sang tháng đầu năm 2018, liên tiếp những thông tin về sự sụt giảm mạnh của lượng xe nhập khẩu, hệ quả nhiều đại lý ô tô nhập khẩu đã rơi vào tình trạng khan hàng, dẫn tới tăng giá nhiều mẫu xe nhập. Thậm chí, nhiều đại lý xe đã yêu cầu khách hàng nộp tiền chênh từ 50 triệu đồng đến gần 198 triệu đồng để mới mong nhập xe về sớm, dùng xe cho dịp tết Nguyên Đán 2018, điều này khiến nhiều người ngán ngẩm, thất vọng vì tin đồn xe giảm giá.
Mặc dù, mới đây Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư 03 nhằm hướng dẫn cho Nghị định 116, nhưng theo ý kiến của nhiều chuyên gia Thông tư 03 đang "bịt lối" ô tô nhập khẩu khi vẫn giữ nguyên điều kiện gây nhiều tranh cãi thời gian qua đó là giấy chứng nhận kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp giấy chứng nhận của cơ quan tổ chức có thẩm quyền nước ngoài như Nghị định 116 đã quy định.
Ngoài ra, Thông tư 03 có thêm quy định về chứng nhận kiểu loại linh kiện với ô tô chưa sử dụng được nhập khẩu vào Việt Nam.
Vì vậy, việc các nhà nhập khẩu khó có thể đưa xe ô tô vào Việt Nam là điều tất yếu và tình trạng ô tô nhập khẩu kiểu "nhỏ giọt" như hiện nay được dự đoán là sẽ kéo dài trong thời gian tới.
Thy Hằng
Diễn đàn doanh nghiệp
|