Thứ Ba, 27/02/2018 06:13

Tranh luận kịch liệt về điều kiện nhập ô tô ngoại

Từ đầu năm 2018 đến nay hầu như không có chiếc ô tô nào được nhập khẩu vào Việt Nam do vướng Nghị định 116.

Ngày 26-2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì cuộc đối thoại với đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp (DN) về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện Nghị định 116/2017 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô cùng Thông tư 03 của Bộ GTVT.

Tại hội nghị đã có những tranh luận gay gắt với hai luồng ý kiến trái chiều.

Không nhập khẩu được ô tô

Ông Toru Kinoshita, Tổng Giám đốc Công ty Toyota Việt Nam kiêm Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” tới một số quy định trong Nghị định 116. “Hậu quả mà nó gây ra là hầu như không có chiếc ô tô nào được nhập khẩu vào Việt Nam kể từ ngày 1-1-2018 đến nay” - ông Toru Kinoshita khẳng định.

Kế đó, chủ tịch VAMA dẫn chứng nhiều khó khăn lớn do nghị định trên gây ra. Chẳng hạn như quy định mới về việc nộp giấy chứng nhận an toàn và bảo vệ môi trường của kiểu loại ô tô nhập khẩu do nước ngoài cung cấp; quy định về thử nghiệm khí thải và an toàn cho từng lô hàng ô tô nhập khẩu.

Đặc biệt, Nghị định 116 làm đội thêm nhiều chi phí và tăng thời gian thông quan đối với tất cả nhà nhập khẩu ô tô dẫn tới việc giá xe tăng cao và kéo dài thời gian chờ đợi của khách hàng; tạo ra sự đối xử không công bằng giữa các nhà sản xuất ô tô, giữa DN sản xuất trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Thậm chí một số thành viên VAMA mặc dù đã hoạt động hơn 20 năm tại Việt Nam nhưng nay họ có thể phải ngừng sản xuất chỉ vì một quy định đột xuất về đường chạy thử ô tô phải dài tối thiểu 800 m.

Các doanh nghiệp tranh cãi gay gắt về quy định đối với ô tô nhập khẩu. Ảnh: Đ.MINH

“Tôi mong Chính phủ nhanh chóng xem xét lại một số quy định hành chính trong Nghị định 116. Mong Chính phủ sớm ban hành thêm một số chính sách thuế phù hợp nhằm giúp các nhà sản xuất ô tô trong nước thu hẹp khoảng cách về chi phí với ô tô nhập khẩu” - chủ tịch VAMA kiến nghị.

Đồng tình, ông Phạm Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT Ford Việt Nam, cho rằng quy định về giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài là không phù hợp thông lệ quốc tế.

Bởi nhiều nước chỉ cấp chứng nhận với xe lưu hành trong nước chứ không chứng nhận cho xe xuất khẩu. Quy định kiểm định theo từng lô đối với xe nhập khẩu cũng gây khó khăn, tốn kém cho DN vì chi phí lên đến 5.000-10.000 USD mỗi lần kiểm định.

“Đề nghị Chính phủ nghiên cứu việc này để không tạo ra khác biệt với quốc tế, không gây lãng phí không cần thiết cho DN. Làm kinh doanh làm sao để tập trung vào công việc chính là cải tiến sản phẩm, mang lại chất lượng tốt nhất cho người tiêu dùng thay vì ngồi phập phồng lo thủ tục hành chính” - ông Dũng nói.

“Mong các ngài rút lại đề nghị”

Ở chiều ngược lại, đại diện các DN như Trường Hải, Hyundai Thành Công lại tán đồng với các quy định tại Nghị định 116. Chủ tịch HĐQT Công ty Trường Hải Trần Bá Dương lên tiếng cho rằng quy định về bản sao giấy chứng nhận kiểu loại không chỉ riêng cho xe nhập khẩu mà xe sản xuất trong nước cũng phải xuất trình giấy này. “Thực hiện quy định này không có khó khăn gì” - ông Dương nói và cho biết ở châu Âu cũng có quy định này.

“Với sự tự trọng của tôi, tôi không xin sự ưu đãi và Nghị định 116 cũng không dành ưu đãi gì cho DN trong nước” - ông Dương nhấn mạnh và cho rằng quá trình soạn thảo nghị định, các DN và đặc biệt Hiệp hội VAMA luôn được tham dự các cuộc họp để góp ý.

Chủ tịch HĐQT Công ty Trường Hải nói tiếp: “Tôi nghĩ không nên hoãn việc thực thi nghị định, bởi như thế sẽ không công bằng với các DN đang nỗ lực, cố gắng để đáp ứng được các yêu cầu của nghị định. Mong các ngài nên rút lại đề nghị tạm hoãn thực thi nghị định này. Vì như thế là không công bằng giữa các DN tích cực tuân thủ và các DN ỷ lại rồi đưa ra các lý do để không thực hiện” - ông Dương nêu quan điểm.

Tổng Giám đốc Hyundai Thành Công Lê Ngọc Đức cũng đồng tình với Trường Hải và nhấn mạnh nếu ô tô sản xuất trong nước phải qua thử nghiệm thì xe nhập khẩu cũng phải thử nghiệm. Còn giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại là cơ sở đầu tiên để các cơ quan nhà nước và cả người tiêu dùng đánh giá xem chiếc xe nhập khẩu có đáp ứng được yêu cầu hay không.

Chúng tôi hết sức lắng nghe với tinh thần cầu thị, không bao giờ có ý tưởng tạo rào cản cho DN. Tuy nhiên, việc thực hiện có thể có những khó khăn, vướng mắc, các bên phải ngồi lại với nhau để hoàn thiện hành lang pháp lý. Các vướng mắc cụ thể sẽ được giải quyết, ví dụ với các lô hàng được ký hợp đồng trước khi nghị định có hiệu lực sẽ được xem xét, xử lý phù hợp.

Thứ trưởng Bộ GTVT LÊ ĐÌNH THỌ

Nhiều vấn đề cần xem xét thấu đáo

Sau khi lắng nghe ý kiến các bên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhận xét các vấn đề đã được nêu ra tại hội nghị rất rõ, trong đó nhiều vấn đề cần nghiêm túc xem xét thấu đáo. “Ví dụ Thông tư 03 của Bộ GTVT tại sao lại đưa ra những điều kiện như bản sao giấy chứng nhận kiểu loại linh kiện của lốp, gương chiếu hậu, đèn chiếu sáng phía trước; rồi bổ sung yêu cầu về hóa đơn thương mại có ý nghĩa gì?” - Bộ trưởng đặt vấn đề.

Bộ trưởng cũng cho rằng không nên đặt rào cản hành chính để tạo chi phí. Chẳng hạn việc thử nghiệm từng lô xe mất tới hai tháng và chi phí 10.000 USD thì các cơ quan phải nghiêm túc xem xét.

“Hôm nay chúng tôi không có kết luận mà sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến để đưa ra giải pháp sớm nhất. Cuối tuần này hoặc đầu tuần sau sẽ họp các bộ và cơ quan liên quan để xem xét từng khía cạnh, từng vấn đề của Nghị định 116 và Thông tư 03; tránh việc gây hiểu nhầm rằng chúng ta tạo ra rào cản nhằm co kéo lợi ích… Sau đó đề xuất với Thủ tướng giải pháp sửa đổi, bổ sung cho hợp lý” - Bộ trưởng Dũng kết luận.

Ford VN vướng nhập ô tô từ Mỹ

Ông Phạm Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT Ford Việt Nam, cho biết từ khi ban hành đến khi Nghị định 116 có hiệu lực chỉ hơn hai tháng, trong khi quy trình nhập khẩu một sản phẩm phải đặt hàng với nước ngoài thường ít nhất là bốn tháng.

Lượng xe nhập khẩu giảm gần năm lần kể từ khi có nhiều quy định về kinh doanh ô tô tại Việt Nam được ban hành. Ảnh: Q.HUY

Chính vì thế Ford Việt Nam đang gặp rắc rối với các xe nhập khẩu từ Mỹ, với gần 100 xe đặt hàng từ tháng 6, không hủy được mà cũng không dám nhập về Việt Nam. Hiện số xe này đang nằm ở một cảng của Mỹ, phải chi hơn 1.000 USD/ngày cho tiền kho bãi và chất lượng xe ngày càng giảm. “Đề nghị Chính phủ cho Ford Việt Nam nhập lô xe này về theo quy định trước Nghị định 116, không phải thử nghiệm theo lô nhằm giảm thiệt hại cho DN” - ông Dũng nói.

Ông Lâm Chí Quang, đại diện Toyota Việt Nam, thì đề nghị sản xuất ô tô ở Việt Nam cần nghĩ đến một chính sách thuế, chỉ có thuế mới điều tiết được sản xuất, tiêu dùng, điều tiết được sản xuất trong nước và nhập khẩu. Nếu dùng các biện pháp hành chính rất dễ gây nên những phản ứng không đáng có.


Đức Minh

Pháp luật TPHCM

Các tin tức khác

>   Nghị định 116 và "trật tự mới" của ngành ôtô Việt (26/02/2018)

>   Samsung trình làng Galaxy S9 (26/02/2018)

>   Khan hàng, giá ô tô tăng cao (26/02/2018)

>   Chờ… mở lối nhập khẩu xe (26/02/2018)

>   Tương lai nào cho ôtô điện tại Việt Nam? (23/02/2018)

>   Năm 2018, sản lượng ô tô tiếp tục giảm? (22/02/2018)

>   Ô tô tại Việt Nam phải chịu các loại thuế phí nào từ năm 2018? (21/02/2018)

>   Ôm tiền đợi ô tô rẻ đến bao giờ? (19/02/2018)

>   Thương hiệu ô tô VINFAST là dự án tham vọng nhất trong lịch sử Việt Nam? (13/02/2018)

>   Bộ Công Thương lại muốn ưu đãi thuế cho ôtô sản xuất trong nước (09/02/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật