Chủ Nhật, 18/02/2018 19:46

Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính

Năm 2017, đánh dấu một năm tài khóa thành công. Tuy nhiên, nhìn về dài hạn, nhiệm vụ của Bộ Tài chính khá nặng nề trước các thách thức từ nội tại nền kinh tế và tác động từ kinh tế thế giới.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Bộ trưởng nhận xét gì về kết quả đạt được và những điểm chưa làm được trong năm qua?

Nhìn lại năm 2017, có thể nói là công tác điều hành ngân sách gặp không ít khó khăn, song nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiệm vụ thu, chi ngân sách đã về đích thắng lợi.

Thứ nhất, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước tính đến cuối năm 2017 ước đạt 1.283,2 nghìn tỷ đồng, vượt 5,9% so dự toán, cao hơn số đã báo cáo Quốc hội; đây là kết quả rất tích cực.

Thứ hai, áp lực nợ công đã giảm nhiều. Đến 31/12/2017 nợ công ở mức 61,3% GDP trong phạm vi cho phép và cơ cấu nợ Chính phủ chuyển biển rất tích cực.

Thứ ba, lần đầu tiên trong 10 năm, chỉ tiêu bội chi ngân sách Nhà nước được đảm bảo trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định, giảm khoảng 4.000 tỷ đồng so dự toán.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, cũng còn một số hạn chế như: tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước vượt dự toán Quốc hội giao nhưng một số khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh không hoàn thành dự toán; thu ngân sách Trung ương khó khăn, một số địa phương hụt thu cân đối ngân sách địa phương cần có sự hỗ trợ của ngân sách trung ương để đảm bảo cân đối; công tác xử lý thuế nợ đọng chưa đạt kết quả mong muốn.

Công tác giải ngân vốn đầu tư phát triển rất chậm, đến hết năm, nguồn vốn ngân sách Nhà nước mới giải ngân được khoảng 75,9% dự toán, vốn trái phiếu chính phủ ước đạt 23,5% dự toán.

Thưa Bộ trưởng, về công tác thu ngân sách, điểm đáng lo ngại là tình trạng giảm thu do hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, hàng rào thuế quan giảm và tình trạng thất thu ngân sách từ hoạt động thương mại điện tử. Bộ Tài chính sẽ thực hiện những giải pháp gì để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2018?

Bước sang năm 2018, năm bản lề của kế hoạch tài chính - ngân sách 5 năm 2016-2020, dự báo tình hình sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức cả từ môi trường quốc tế và nội tại của nền kinh tế.

Trên tinh thần chủ đề điều hành năm 2018 của Chính phủ là “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, Báo cáo “Đánh giá công tác thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2017, triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2018” đã đề ra 9 nhóm giải pháp với 29 giải pháp cụ thể để thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2018. Ngành tài chính sẽ tập trung vào một số giải pháp chính.

Một là, điều hành chính sách tài khóa thận trọng; phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất – kinh doanh, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; quyết liệt công tác thu ngân sách; quản lý chi ngân sách chặt chẽ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính.

Hai là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa trong lĩnh vực tài chính, trọng tâm là lĩnh vực thuế, hải quan, Kho bạc Nhà nước, góp phần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Ba là, tăng cường quản lý tài chính doanh nghiệp, đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước theo tinh thần nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII). Tập trung triển khai sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016-2020; đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp không thuộc diện Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần hoặc không cần nắm giữ cổ phần chi phối; hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Bốn là, tăng cường công tác quản lý, thu hồi nợ đọng, đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp có hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, có hoạt động chuyển giá, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản... nhằm chống thất thu ngân sách Nhà nước, góp phần hình thành nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2018 do Quốc hội, Chính phủ giao.

Trong điều kiện các nguồn thu ngân sách khó khăn hơn trước, các biện pháp giảm chi sẽ tiếp tục được thực hiện như thế nào trong năm 2018, thưa Bộ trưởng?

Kế thừa xu hướng tích cực về các chỉ tiêu kinh tế-xã hội của năm 2017, ngay từ đầu năm 2018, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai đồng bộ và có hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.

Trong đó, tiếp tục chú trọng giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý và điều hành tài chính, ngân sách Nhà nước, như: triệt để tiết kiệm các khoản chi ngân sách, rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết; hạn chế mua sắm ôtô công và trang thiết bị đắt tiền; hạn chế tối đa tổ chức hội nghị, lễ hội, hội thảo...; chỉ ban hành mới cơ chế, chính sách chi ngân sách Nhà nước khi có nguồn tài chính đảm bảo.

Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Kiên quyết cắt giảm những khoản chi thường xuyên ngân sách trung ương đã được giao trong dự toán đầu năm, nhưng đến ngày 30/6/2018 chưa phân bổ, trừ trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ đầu tư công, kiên quyết phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động đầu tư công. Kiểm soát bội chi trong phạm vi Quốc hội quyết định.

Trong trung và dài hạn, Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách Nhà nước theo hướng tăng dần tỷ trọng thu nội địa; tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển gắn với tăng cường hiệu quả đầu tư công; giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách Nhà nước ở mức hợp lý.

Thưa Bộ trưởng, trong năm qua, nợ công tiếp tục ở mức cao, dự kiến vẫn duy trì mức xấp xỉ 64% GDP trong năm 2018. Điều này tiếp tục gây áp lực với công tác điều hành ngân sách và các chính sách tài chính. Xin Bộ trưởng chia sẻ quan điểm về vấn đề này?

Bước vào giai đoạn 2016-2020, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, bao gồm kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm. Theo đó, mức trần chỉ tiêu an toàn nợ giai đoạn 5 năm là nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP. Các mức trần này được xác định trên cơ sở đồng bộ với các chỉ tiêu thu, chi, cân đối ngân sách Nhà nước và đầu tư công cùng giai đoạn.

Trong các năm 2016-2017, bằng nhiều giải pháp quyết liệt, chúng ta bước đầu kiểm soát tốc độ gia tăng các chỉ tiêu nợ, góp phần đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Ước tính đến cuối năm 2017, dự kiến nợ công ở mức 61,3% GDP, nợ Chính phủ ở mức 51,7% GDP; giảm mạnh so với mức 63,6% GDP và 52,6% GDP cuối năm 2016.

Năm 2018, Chính phủ tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018.

Trong đó, mục tiêu đặt ra đối với các chỉ tiêu nợ công đến cuối năm 2018 là nợ công không quá 63,9% GDP, nợ Chính phủ không quá 52,5% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 47,6% GDP. Các mục tiêu này được xác định trên cơ sở đồng bộ với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, khung cân đối kế hoạch tài chính – ngân sách Nhà nước 3 năm giai đoạn 2018-2020 và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018 đã được Quốc hội phê duyệt.

Việc điều hành chính sách tài chính, ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công cũng như các chính sách kinh tế vĩ mô khác đều nhằm thực hiện các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện các mục tiêu, chính sách của Nhà nước.

Công tác quản lý nợ công năm 2018 và thời gian tới tiếp tục thực hiện các nhóm giải pháp, nhiệm vụ:

Một là, bảo đảm kiểm soát các chỉ tiêu bội chi, nợ công theo giới hạn Quốc hội quyết định. Tiếp tục thực hiện chi tiêu trong khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước và dự toán được giao, các địa phương chỉ vay trong phạm vi dự toán, phù hợp khả năng trả nợ trong giới hạn quy định.

Triển khai xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý nợ công năm 2017 (có hiệu lực từ năm 2018), tăng cường công tác quản lý nợ đồng bộ với quản lý ngân sách, đầu tư công ở Trung ương và địa phương.

Hai là, tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công thông qua siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cấp về thu, chi ngân sách nhà nước và sử dụng vốn vay. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm hiệu quả đầu tư.

Ba là, chủ động lựa chọn các nguồn vốn vay phù hợp cho huy động nguồn vốn cho đầu tư công và các nhiệm vụ cân đối ngân sách Nhà nước. Các khoản vay mới chỉ được thực hiện sau khi đã đánh giá tác động đối với nợ công và khả năng trả nợ.

Việt Nam đã tốt nghiệp chương trình IDA của Ngân hàng Thế giới từ 1/7/2017 và dự kiến sẽ tốt nghiệp chương trình ADF của Ngân hàng Phát triển châu Á. Nguồn vốn vay ODA giảm dần, thay thế bằng các nguồn vốn kém ưu hơn. Do đó, cần lựa chọn các nguồn vốn vay cho thực hiện các chương trình, dự án đầu tư công, bảo đảm chi phí và mức độ rủi ro hợp lý của danh mục nợ.

Bốn là, thường xuyên nghiên cứu, đánh giá an toàn, bền vững nợ công để tiếp tục thực hiện các giải pháp tái cơ cấu nợ công, đồng thời thúc đẩy sự phát triển thị trường vốn trong nước cả về chiều rộng và chiều sâu.

Lê Hường

VNECONOMY

Các tin tức khác

>   Giải ngân hiệu quả nhưng vẫn bảo đảm kỷ luật ngân sách  (18/02/2018)

>   Bộ Công Thương lại muốn ưu đãi thuế cho ôtô sản xuất trong nước (09/02/2018)

>   Chứng quyền có bảo đảm: Thuế thu nhập cá nhân là 0.1% giá chuyển nhượng từng lần (09/02/2018)

>   Bộ trưởng Tài chính: "Phải tập trung tăng thu nội địa" (31/01/2018)

>   Nhựa Bình Minh bị truy thu và phạt hơn 11 tỷ đồng sau kết luận thanh tra thuế 2016 (30/01/2018)

>   Thuế suất nào áp dụng cho nhà đầu tư ngoại (30/01/2018)

>   Bất cập thu – chi quỹ bảo trì đường bộ: Những bóc tách từ kiểm toán Nhà nước (29/01/2018)

>   Hàng chục doanh nghiệp Bình Dương mất tích, nợ thuế tiền tỷ (29/01/2018)

>   Giảm nhiều loại phí cho doanh nghiệp (29/01/2018)

>   Những “mỏ vàng” để mở rộng cơ sở thuế (25/01/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật