Nhật ký đầu tư tiền ảo (Kỳ 2): Khi lòng tham bùng phát
Hóa ra tôi chẳng có 3,000 USD. Đó là một khoảnh khắc mà tôi cứ ngỡ là mình đã có 3,000 USD từ việc đầu tư vào Ripple.
* Nhật ký đầu tư tiền ảo (Kỳ 1)
Tôi đã liều mình vào thị trường tiền ảo (cryptocurrency) sau nhiều lần cân nhắc, đắn đo suy nghĩ và một vài ngày banh mắt quan sát biến động giá trên sàn Coinbase để chuyển đổi đồng USD sang ETH.
Vụ đặt cược đầu tiên vào Ripple (XRP) đã thành công. Sau đó, tôi tiếp tục đầu tư vào đồng Tron (TRX), giá còn tăng mạnh hơn cả Ripple, và trong phút ngừng lại suy ngẫm, tôi đã tính chuyển đồng Ripple thành đồng Tron vì đồng tiền ảo này tăng mạnh hơn. Giờ thì bạn biết mọi thứ đi đâu về đâu rồi đấy.
[Lưu ý: Đầu tư vào tiền ảo hoặc token là hoạt động đầu cơ và thị trường này phần lớn không được kiểm soát. Bất kỳ ai cân nhắc đầu tư vào tiền ảo thì hãy chuẩn bị tâm lý mất toàn bộ khoản vốn đầu tư.]
Và rồi thị trường tiền ảo bắt đầu đỏ lửa, các đồng tiền kỹ thuật số đồng loạt lao dốc, và đồng tiền ảo của tôi còn giảm mạnh hơn thế. Trên sàn Coinbase, Bitcoin, Bitcoin Cash và Litecoin đều giảm nhưng không mạnh bằng các đồng tiền nhỏ hơn, đáng chú ý nhất là đồng Ethereum vẫn tăng giá. Các đồng tiền kỹ thuật số thay thế (altcoin) đã bị giáng một đòn nặng nề, và nơi từng có một đống tiền nay bỗng nhiên mất hết. Có lẽ chưa từng là như vậy.
Có nhiều lý do dẫn tới cớ sự trên: Hàn Quốc tỏ ra cứng rắn trong việc quản lý thị trường tiền ảo và kết quả là toàn bộ thị trường bị tụt dốc. Xét cho cùng, chính các trader (chuyên viên giao dịch) Hàn Quốc dường như là động lực chính thúc đẩy đà tăng phi mã của đồng Ripple trong một khoảng thời gian. Và sau đó bắt đầu xuất hiện các vết rạn nứt: Ripple là một ý tưởng đầy hứa hẹn trong việc chuyển tiền, nhưng trên thực tế, chẳng có lý do gì mà ngân hàng và doanh nghiệp lại phải sử dụng đồng XRP để tận dụng nền tảng của Ripple cả. Còn đồng Tron bị cáo buộc vì… đạo văn trong sách trắng (whitepaper), tăng giá chủ yếu là nhờ đà tăng chung của thị trường cùng các lời hứa hẹn mơ hồ: Các trader đã bỏ đi khi nhận được lợi nhuận khổng lồ. Với những lý do đó, thị trường bắt đầu rơi vào trạng thái quá bán (oversold), người người chốt lời và một đợt điều chỉnh diễn ra. Không một tài sản nào có thể tăng giá gấp 5 lần mỗi tuần cả.
Ngồi ngẫm nghĩ trong lúc đà bán tháo đang diễn ra, thoáng qua trong tôi là cách thức suy nghĩ của cộng đồng tiền ảo. Cộng đồng Tron và Ripple trên Reddit không lo ngại, như thể họ đang ở thời điểm tuần trước đó với niềm tin rằng: Giá sẽ ổn định và tăng trở lại. Đối với nhiều người, giá tiền ảo sụt giảm không phải là lý do để tuyệt vọng mà là lý do để vui sướng. Đó là khoảng thời gian để mua vào và chờ đợi chúng tăng giá mạnh mẽ hơn. Tôi không biết những người này mua đồng Ripple vào thời điểm nào nhưng có khả năng nhiều trong số này vẫn còn ở trạng thái “nhân mấy lần tài khoản” bất chấp đà sụt giảm gần đây, và vì vậy, họ có thể biết một số điều tôi không biết.
Mọi người hướng mắt dõi theo đồng Bitcoin và Ethereum – những đồng tiền được cho là đã rơi vào chu kỳ bong bóng rồi xì hơi (bubble and bust cycle) – nhưng mỗi lần giảm giá những đồng tiền này lại phục hồi nhanh chóng. Chúng là những đồng tiền đã tạo ra lợi nhuận khổng lồ cho những nhà đầu cơ lướt sóng: Mua thấp bán cao.
Có một một triết lý có tên là HODL. Một số người cho rằng đây là từ viết tắt cho “Hold On for Dear Life” (giữ cho cuộc sống thân yêu), trong khi một số khác lại nghĩ đơn giản HODL là lỗi chính tả của chữ HOLD mà thôi. Những nhà đầu tư thông thường gọi đây là chiến lược nắm giữ lâu dài đối với một cổ phiếu, nhưng thế giới tiền ảo không có thời gian để giải thích những cụm từ phức tạp như thế này. Đơn giản, HODL chỉ là ý tưởng cho rằng giá tiền ảo rồi sẽ tăng cao, ngay cả khi thị trường đang trong xu hướng giảm. Theo đó, những kẻ gà mờ là những người cảm thấy hoảng sợ và bán tháo ra, trong khi những nhà đầu tư tiền ảo lại tận dụng cơ hội này để mua vào thêm.
Trong một khoảng thời gian dài, ít nhất là đối với một số đồng tiền ảo, HODL là một chiến lược có vẻ đúng đắn. Thị trường tiền ảo dẫu có biến động mạnh nhưng nó đang tăng trưởng theo thời gian. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo là nó sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai.
Và đây là lúc mọi thứ trở nên đáng sợ. Hai tuần trước, tôi còn tin rằng những đồng tiền ảo này sẽ tăng mạnh. Vậy mà giờ đây mọi cảm giác đã khác. Liệu tôi có thực sự thay đổi quá nhanh? Và nếu tôi tiếp tục tin tưởng 2 đồng Ripple và Tron sẽ tăng trở lại thì tại sao tôi không đổ thêm tiền vào những đồng tiền ảo giá rẻ trước khi chúng bắt đầu bật tăng trở lại.
Mới tuần trước, tôi còn đang tính toán để có một lượng tiền là X thì giá đồng Tron phải đạt mức bao nhiêu: Đây là cơ hội hạ mức giá TRX mục tiêu xuống (vì mua giá thấp hơn). Tôi đã tự đặt ra lượng tiền tối đa mà mình sẽ đầu tư vào. Nhưng đó có phải là suy nghĩ của một kẻ khờ dại? Hay chúng là chút hơi sức cuối cùng của một bộ não có lý trí đang cố gắng chống lại sự xâm chiếm của những suy nghĩ khờ dại?
Hóa ra, tâm lý chơi tiền ảo khi thị trường đang bán tháo cũng chẳng khác với khi thị trường tăng mạnh là mấy. Ẩn sâu trong tâm trí của bạn là ý niệm cho rằng bạn không phải là một nhà đầu tư ba phải (gió chiều nào theo chiều đó) mà là một nhà đầu tư khôn ngoan (người có thể đánh bại xu hướng thị trường thông qua sự bền chí và mưu mẹo).
Cách thực hiện chiến lược HODL khi thị trường đang giảm như sau: Khi nhận ra thời điểm đồng tiền ảo đang trong giai đoạn bong bóng và chuẩn bị suy giảm thì tôi sẽ chuyển tất cả tiền ảo của mình sang đồng USDT – một đồng tiền ít khi biến động và có giá gần bằng 1 USD. Hoặc tôi có thể mua đồng Ethereum – một đồng tiền vẫn đang tăng trong khi những đồng khác lại lao dốc. Sau đó, tôi có thể đổi từ các đồng tiền này về lại đồng Tron và Ripple một khi giá của chúng chạm đáy. Đây là một chiến thuật có thể gia tăng gấp 3 hay gấp 4 giá trị tiền ảo của mình. Tôi có một ý nghĩ mơ hồ rằng rồi giá cũng sẽ lên lại thôi và có lẽ lần tới tôi có thể chỉ tin tưởng vào bản năng của mình.
Nhưng lỡ đâu bản năng đó là sai lầm chết người thì sao.
Tôi vẫn sẽ nắm giữ, mặc dù tôi không chắc có phải là chiến lược HODL hay không nữa. Tôi luôn luôn tự nhủ rằng tôi thực hiện đặt cược và xem chúng biến động như thế nào.
Tại thời điểm viết bài này, tôi đã mất 3,000 USD từ Ripple và Tron (điều này có thể đúng hoặc có thể sai vì tôi bán ra).
Tuấn Kiệt (Theo Forbes)
FiLi
|