Mùi Tết quê, một thứ 'ma lực' quấn chặt lòng người
Gần 30 năm xa quê là ngần ấy thời gian tôi thèm đến khao khát, đến cháy lòng một lần được về quê ăn Tết để ít nhất được thấy lại không khí chộn rộn của những ngày giáp tết nơi quê nhà.
Mùi Tết - cái mùi không thể gọi thành tên nhưng nó cứ như một thứ ma lực quấn lấy, bám chặt lấy tôi. Dẫu biết rằng nơi quê nhà ấy, cái mùi tết mà tôi hằng nhớ giờ cũng đã khác xưa rồi. Nhưng kí ức đẹp vẫn luôn là nỗi nhớ thương da diết trong lòng.
Đó là cái mùi nhang thơm đậm hương trầm tỏa ra từ những hàng nhang mà các bà, các chị ngồi bán đã đốt lên cho khách thưởng thức để chào hàng.
Cái mùi ngòn ngọt của những chậu mật mía chấm bánh chưng. Mùi thơm của giấy mới ở những gian hàng tranh Đông Hồ bày bán la liệt bên đường.
Những cậu bé ôm tôm, ôm cá với nét mặt sáng bừng hồ hởi, cô thiếu nữ cười tươi giơ váy hứng dừa… bao giờ cũng là sự lựa chọn đầu tiên của những người mua hàng.
Thế nên những ngày Tết, trong mỗi nhà ở làng quê chúng tôi không thể thiếu vài ba tấm tranh Đông Hồ được trang trọng treo ngay ở phòng khách.
Nhưng có lẽ nhớ nhất vẫn là mùi ngai ngái của bùn ao khi hàng chục chiếc ao trong làng được tát cạn chỉ trong vòng vài ba ngày. Mùi của niềm vui khi tình thân, sự gắn kết giữa mọi người được nhen lên ấm nồng và thắt chặt trong công việc.
Như đã thành thông lệ, dù tất bật, bận rộn với biết bao việc của những ngày giáp tết thì bà con chòm xóm vẫn dành thời gian nhất định để tát ao bắt cá. Ngoài ao nhà, cả làng còn có vài cái ao chung gọi là ao hợp tác xã.
Thế nên thanh niên trai tráng trong làng là người túc trực suốt đêm ngày để tát và canh cá. Ban ngày, tiếng máy nổ hút nước vang lên giòn tai, ban đêm tiếng cười nói, chọc ghẹo nhau của trai gái làng chộn rộn khắp một vùng.
Cũng nhờ như thế, cứ sau mùa tết lại có vài ba đôi uyên ương bén duyên nhau hoặc nên duyên chồng vợ. Đám trẻ con thì cứ luôn miệng hát ca để trêu chọc "chuyện tình đơm hoa bên bờ ao làng mình" rồi vùng chạy cười khúc khích.
Cái hình ảnh sống động và vui nhất là khi những dòng nước cuối cùng được máy hút lên, cá đen đặc cả một khoảnh dưới lòng ao. Thôi thì đủ loại, cá trắm, cá mè, cá trôi… rồi lươn, trạch, tôm, tép đến cả con ốc, con ngao, con cà cuống, niềng niễng đều tập trung hội tụ và được vớt lên sạch sành sanh…
Khi những con cá cuối cùng được bắt lên, dân làng tập trung ở sân đình để cùng nhau chia cá. Có năm được mùa mỗi phần chia cho các hộ cũng lên đến gần chục kí.
Cá chia về, những con cá đẹp vừa vừa thường được chọn để rán, còn lại tất cả bỏ vào kho. Mâm cơm ngày tết ở những vùng nông thôn quê tôi không thể thiếu món cá kho và cá rán vàng rộm trông vô cùng hấp dẫn. Ngày đó, các loại thịt như heo, bò, gà chưa nhiều như bây giờ. Vì thế món ngon chủ đạo ngày tết là món cá ao ngự trị.
Mùi thơm ngầy ngậy của cá, mùi chua nhun nhút của mẻ, của khế, mùi hăng hắc của nghệ tươi, mùi nồng nồng của hành củ làm cho món ăn thêm phần hấp dẫn. Thế mà ngon, ngon không thể nào diễn tả được bằng lời..
Dù bây giờ Tết về không thiếu những món ăn ngon và lạ. Nhưng có lẻ với tôi món cá rán và cá kho trên mâm cơm ngày tết của người dân làng tôi ngày ấy vẫn là ngon nhất.
Phan Tuyết
TUỔI TRẺ
|