Hệ thống giao dịch – Trend Following
Hệ thống giao dịch có ý nghĩa quan trọng để tạo nên một nhà đầu tư thành công. Có khá nhiều hệ thống được thiết lập trong phân tích kỹ thuật nhưng hệ thống giao dịch theo xu hướng (Trend Following) là nổi bật hơn cả. Hệ thống này nắm bắt xu hướng, tạo ra tín hiệu giao dịch và giúp nâng cao hiệu quả trong quá trình đầu tư, mang lại lợi nhuận tốt nhất khi thị trường trong xu hướng.
Hệ thống giao dịch
Bên cạnh kinh nghiệm, phương pháp quản trị rủi ro thì hệ thống giao dịch là một trong số những yếu tố quyết định sự thành công của một nhà đầu tư. Hệ thống giao dịch đại diện cho cách thức ra quyết định đầu tư, mua bán cổ phiếu, cắt lỗ và chốt lời. Hiểu một cách đơn giản, hệ thống giao dịch là cẩm nang, hướng dẫn quan trọng chỉ đường cho từng giao dịch trên thị trường của nhà đầu tư. Có 4 dạng chính:
- Trend Following hướng đến việc nắm bắt xu hướng thị trường một cách nhanh nhất có thể, sau đó thực hiện hoạt động mua bán dựa trên xu hướng chính này.
- Pattern Recognition giao dịch dựa vào các tín hiệu từ các mẫu hình trong phân tích kỹ thuật như: Mẫu hình vai đầu vai, hai đỉnh, hai đáy... sự hoàn thành các mẫu hình sẽ là tín hiệu mua bán trong hệ thống. Ví dụ, khi giá phá đường viền cổ trong mẫu hình vai đầu vai xác nhận xu hướng điều chỉnh và tạo nên tín hiệu bán trong hệ thống này.
- Range Trading dựa trên ý tưởng về giá trị trung tâm (đôi khi giá trị trung tâm là giá trị trung bình) và vùng giá trị tới hạn của giá. Theo đó, nếu giá biến động quá cao hay quá thấp so với giá trị trung tâm thì giá có xu hướng quay lại gần giá trị này. Hệ thống này đề nghị mua vào khi giá chạm vào giá trị tới hạn dưới (điểm có khả năng đảo chiều đi lên) và bán tại điểm tới hạn trên (điểm có khả năng đảo chiều đi xuống).
- Exogenous Signal Systems sử dụng những tín hiệu bên ngoài thị trường để ra quyết định đầu tư. Ví dụ: phân tích tương quan giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu để quyết định mua bán cổ phiếu.
Các nhà phân tích kỹ thuật cho rằng hệ thống Trend Following mang lại hiệu quả đầu tư cao hơn so với các nhóm còn lại. Hệ thống này đặc biệt hiệu quả khi thị trường đang trong xu hướng.
Hệ thống Trend Following
Trend Following tập trung vào việc tìm kiếm lợi nhuận dựa vào xu hướng của giá. Hệ thống này hướng đến xác định thời điểm bắt đầu/ kết thúc xu hướng, nhanh chóng mở vị thế và thoát ra một cách hiệu quả. Khi xác định sự tồn tại của xu hướng nhà đầu tư sẽ “chạy” theo xu hướng nhằm kiếm lời từ đó, điều này đồng nghĩa với việc nếu không xác định được xu hướng nhà đầu tư sẽ không hành động. Ví dụ, khi giá có xu hướng tạo đáy và bật tăng thì nhà đầu tư sẽ không mua bán cho đến khi hệ thống xác nhận xu hướng tăng hình thành và chỉ mở vị thế mua sau khi có xác nhận.
Trend Following không dự đoán đỉnh và đáy, hệ thống chỉ tập trung nắm bắt xu hướng, nên các quyết định mua bán có độ trễ so với thời gian hình thành đỉnh đáy. Bù lại, tỷ suất sinh lợi ở mức cao và dễ dàng kiểm soát rủi ro. Tôn chỉ là mua cao và bán cao hơn.
Hệ thống Moving Average là một Trend Following phổ biến. Hệ thống giao dịch này sử dụng hai đường MA để nắm bắt xu hướng và ra quyết định đầu tư (đôi khi sử dụng 3 đường MA). Hệ thống bao gồm đường MA nhanh (đường MA có số kỳ tính toán ít hơn) và đường MA chậm (đường MA có số kỳ tính toán nhiều hơn) với tín hiệu xuất hiện khi:
- Mua khi đường MA nhanh cắt lên đường MA chậm và cả hai đường MA đi lên.
- Bán khi đường MA nhanh cắt xuống đường MA chậm và cả hai đường MA đi xuống.
Đây là nguyên tắt đơn giản nhất với hệ thống này. Một số nhà phân tích đề nghị sử dụng kết hợp với các chỉ báo khác như: ADX, ATR, MACD.. để nâng cao hiệu quả. Các hệ thống giao dịch nổi tiếng có thể kể đến: Donchian's 5 and 20 day Moving Average (kết hợp MA 5, MA 20 và ATR), Donchian's 20- and 40-Day Breakout, The Golden Cross and The Death Cross, The 4-9-18 Crossover Model...
Thiết lập một Trend Following đơn giản
Từ năm 2016 đến nay, VN-Index bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh, hàng loạt cổ phiếu có diễn biến tương tự. Vì vậy, Trend Following sẽ hoạt động hiệu quả trong điều kiện thị trường như hiện tại. Các nhà đầu tư có thể thiết lập một Trend Following đơn giản bằng cách sử dụng 2 đường MA như sau:
- Đường MA 5 hay đường MA ngắn, nắm bắt xu hướng trong ngắn hạn.
- Đường MA 50 hay đường MA dài, nắm bắt xu hướng trong trung hạn.
Tín hiệu giao dịch theo quy tắc sau:
- Mua khi đường MA 5 cắt lên đường MA 50.
- Bán khi đường MA 5 cắt xuống đường MA 50.
Hình trên thể hiện đồ thị ngày của MSN trong giai đoạn 12/2016-02/2018. Trong thời gian này có 5 tín hiệu giao dịch xuất hiện (xem bảng dưới).
Từ tháng 12/2016-07/2017, MSN sideway trong vùng 38,000-48,000, tức giá không có xu hướng, có 4 tín hiệu xuất hiện trong vùng này với lợi nhuận không đáng kể. Tín hiệu mua tại điểm 1 và bán tại điểm 2 cho lợi nhuận âm gần 1%, tín hiệu mua tại điểm 3 và bán tại điểm 4 cho lợi nhuận dương 1.85%.
Nguồn: VietstockUpdater
Tuy nhiên từ tháng 07/2017 đến tháng 02/2018, MSN hình thành xu hướng tăng mạnh, hệ thống cho tín hiệu mua tại điểm 5 với lợi nhuận tạm tính là gần 93%. Hiện hệ thống chưa cho tín hiệu bán bất chấp việc giá đi xuống sau khi hình thành vùng đỉnh ngắn hạn quanh mốc 98,000. Tín hiệu bán xuất hiện trễ là một đặc điểm nổi bật của hệ thống này, nhưng nó lại giúp nhà đầu tư tránh được những tín hiệu nhiễu (sự điều chỉnh ngắn hạn trong tháng 11/2017).
Tóm lại, bài viết tập trung giới thiệu và hướng dẫn nhà đầu tư thiết lập một Trend Following đơn giản. Hệ thống này hoạt động khá hiệu quả khi thị trường đang trong xu hướng, tuy nhiên nhược điểm lớn nhất là tín hiệu mua bán có độ trễ so với thời gian hình thành đỉnh và đáy.
Trần Trương Mạnh Hiếu, Phòng Tư vấn Vietstock
FiLi
|