Hai ngọn lửa một làn gió và cỗ xe tam mã
Kinh tế tư nhân sẽ là ngôi sao hy vọng của nền kinh tế Việt Nam. Và cải cách thể chế sẽ là đòn bẩy quan trọng nhất để kinh tế tư nhân có thể vượt lên...
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
|
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho rằng doanh nghiệp Việt Nam đang rất tin tưởng vào sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trong giai đoạn mới, khi mà có 2 ngọn lửa đang được 1 làn gió thổi bùng lên. Đây chính là những đòn bẩy để doanh nghiệp tự tin bước tiếp và vươn xa hơn nữa trong nền kinh tế toàn cầu.
Vậy 2 ngọn lửa và 1 làn gió ở đây là gì, thưa ông?
Ngọn lửa thứ nhất là phòng chống tham nhũng và chấn chỉnh bộ máy lãnh đạo của Đảng đang rất quyết liệt. Đây là ngọn lửa vô cùng quan trọng để lấy lại niềm tin cho đất nước. Ngọn lửa thứ hai là cải cách thể chế.
Điều đáng ghi nhận là không bằng lòng với những kết quả đạt được, Chính phủ khẳng định sẽ tiếp tục hành động mạnh mẽ hơn nữa. Và làn gió hội nhập, đặc biệt sau khi Việt Nam tổ chức thành công APEC thì đang có một làn gió để thúc đẩy hai ngọn lửa cháy lên tạo động lực chính cho công cuộc cải cách của Việt Nam trong thời gian tới.
Mặc dù chặng đường còn gian nan nhưng cái được nhất hiện nay là niềm tin của doanh nghiệp, người dân đối với công cuộc đổi mới, phòng chống tham nhũng. Và để thổi bùng được 2 ngọn lửa, đón làn gió hội nhập chúng ta cần Đảng tiên phong, chính quyền kiến tạo và nhân dân khởi nghiệp. Đây chính là cỗ xe tam mã của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Gỡ bỏ rào cản, cải cách thể chế là việc bắt buộc phải làm cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Song môi trường Việt Nam được coi là không công bằng - đây chính là một trở ngại lớn, thưa ông?
Đúng vậy. Không chỉ không công bằng giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với doanh nghiệp trong nước mà cả giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước.
Tình trạng “sân sau, sân trước” là biểu hiện điển hình của không công bằng. Khi các doanh nghiệp “đại gia” có quan hệ chặt chẽ với chính quyền, lấy hết cơ hội kinh doanh một cách không minh bạch sẽ hạn chế cơ hội cho các doanh nghiệp có năng lực khác. Trong trường hợp đó, thì là năng lực quan hệ chứ không không phải năng lực cạnh tranh thực sự, là yếu tố quyết định các doanh nghiệp thâu tóm các nguồn lực.
Trong khi đó, doanh nghiệp nhà nước bản thân là không hiệu quả. Ngay cả các doanh nghiệp tư nhân phát triển bằng mối quan hệ như vậy cũng không thể mang lại sự phát triển cho nền kinh tế được.
Chính vì vậy, công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng mà Đảng đang khởi xướng và đẩy mạnh sẽ tạo nên niềm tin, môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng, mở đường cho doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh thực sự sẽ vượt lên chứ không phải là những doanh nghiệp có “quan hệ”.
Điều mong muốn nhất của doanh nghiệp là một chính phủ hành động, kiến tạo. Theo ông, phải hiểu khái niệm “chính phủ kiến tạo” trong điều kiện hiện nay là gì?
Chính phủ kiến tạo sẽ khác với các chính phủ khác ở chỗ: chính phủ kiến tạo phải đóng vai trò dẫn dắt. Chúng ta hình dung, ở 2 đầu có 2 chính phủ khác nhau. Một chính phủ thả hết ra thị trường, là sân chơi, luật chơi và là trọng tài. Và một chính phủ kế hoạch hoá tập trung là làm tất cả.
Còn chính phủ kiến tạo sẽ nằm giữa hai chính phủ đó, vừa làm sân chơi, luật chơi vừa làm trọng tài song lại dẫn dắt sự phát triển. Điều quan trọng của sự dẫn dắt là phải hình thành được chính sách công nghiệp hợp lý, định hướng được sự phát triển của nền kinh tế.
Tức là hướng nền công nghiệp phát triển theo lĩnh vực nào: làm nông nghiệp, du lịch, công nghiệp ôtô, công nghiệp tàu thuỷ hay công nghệ thông tin... để dẫn dắt sự phát triển của kinh tế tư nhân. Bởi doanh nghiệp tư nhân đôi khi không đủ thông tin mà chịu sự thất bại do nhìn không đúng định hướng.
Các nền kinh tế thành công của Nhật Bản, Hàn Quốc là do chính phủ đã dẫn dắt được khu vực tư nhân. Để dẫn dắt được, Chính phủ phải có tầm, có đủ năng lực dẫn dắt.
Hiện có xu hướng các nhóm lợi ích lobby cho sự phát triển của ngành này hay ngành khác để tập trung nguồn nhân lực. Do đó, Chính phủ phải vượt lên lợi ích nhóm, vì lợi ích quốc gia để định hướng chiến lược phát triển của nền kinh tế đi đâu, về đâu và theo hướng nào.
Vai trò của Chính phủ là xây dựng thể chế, chứ không phải Chính phủ phải làm hết việc của người dân và doanh nghiệp?
Chính phủ đã đưa ra những định hướng rất quan trọng. Đó là cổ phần hoá mạnh mẽ doanh nghiệp nhà nước, giải phóng các bộ ngành ra khỏi chức năng chủ quản doanh nghiệp nhà nước, thành lập cơ quan quản lý vốn nhà nước độc lập.
Tiếp nữa là cải cách hành chính, giảm mạnh các chi phí và thủ tục hành chính. Thứ ba, xã hội hoá dịch vụ công, chuyển giao tất cả các dịch vụ công cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội có thể làm được. “3 mũi giáp công” để nâng cao năng lực bộ máy và tinh giảm biên chế là quan trọng. 2 mũi đầu dường như đã có kế hoạch rõ ràng, riêng mũi “chuyển giao dịch vụ công” thì chưa.
Hiện nay, các bộ ngành vẫn “ôm” quá nhiều nên không đủ nguồn lực để “ôm”, do đó chất lượng khu vực dịch vụ công mà nhà nước đảm nhiệm thấp. Trong khi đó, công tác xây dựng pháp luật trong thời gian qua của chúng ta rất yếu, chất lượng không cao. Nếu Nhà nước mở ra, để doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các công trình công, dịch vụ công sẽ tạo cơ hội kinh doanh lớn, tương đối an toàn mang lại một thị trường bền vững cho doanh nghiệp tư nhân.
Chúng ta nói đến cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, cải cách hành chính nhiều nhưng xã hội hoá dịch vụ công, mở cửa tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tham gia mạnh mẽ vào dịch vụ công chưa nhiều.
Song đây lại chính là cú hích, động lực rất lớn để phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trong thời gian tới. Cho nên việc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, chuyển giao quyền quản lý doanh nghiệp nhà nước sang cho 1 cơ quan độc lập tách rời khỏi các bộ ngành cần mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa. Chuyển giao dịch vụ công cần phải có chỉ tiêu rõ ràng.
Chính phủ kiến tạo không phải là chính phủ làm thay doanh nghiệp, tranh việc của doanh nghiệp mà phải dẫn dắt doanh nghiệp. Phục vụ doanh nghiệp là định hướng sự phát triển, dẫn dắt họ, làm những việc doanh nghiệp không làm được chứ không phải làm thay họ. Chính điều này sẽ thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển.
Như ông nói, kinh tế tư nhân sẽ là ngôi sao hy vọng của nền kinh tế Việt Nam. Và cải cách thể chế sẽ là đòn bẩy quan trọng nhất để kinh tế tư nhân có thể vượt lên. Ông đánh giá thế nào khi cải cách thể chế vẫn còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”?
“Trên nóng dưới lạnh” không chỉ ở các địa phương mà ở các bộ ngành. Các địa phương hiện đang phải chịu áp lực rất lớn từ phía người dân và cuộc chạy đua giữa các địa phương rất mạnh mẽ, nên cải cách ở địa phương cũng đã bắt đầu “ấm” dần.
Song điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng “trên nóng dưới lạnh” ở cấp cao hơn. Trên là Thủ tướng - có thể là Chính phủ, dưới là các vụ, viện, ban ngành, công chức các bộ ngành. Không chỉ doanh nghiệp mà các địa phương cũng “khốn khổ” vì bị các chuyên viên bộ ngành “hành”. Do đó, cần tiếp tục cải cách, tháo gỡ về thể chế hành chính, là ở các bộ máy tham mưu, giúp việc của các bộ ngành.
Vậy giải pháp là gì thưa ông?
Hãy để cho người dân, doanh nghiệp chấm điểm công chức thông qua hệ thống máy đánh giá mức độ hài lòng của người dân tại bộ phận một cửa. Cán bộ, công chức nào bị người dân nhiều lần nhấn nút “không hài lòng”, sẽ phải giải trình và tự chấn chỉnh tác phong làm việc nếu không muốn bị nhắc nhở; thậm chí bị luân chuyển làm việc khác.
Việc này cũng có ý nghĩa doanh nghiệp, người dân có thêm phương tiện để kết nối với chính quyền. Qua đó, lãnh đạo các phường, xã cũng đo lường được mức độ đánh giá của người dân đối với cán bộ, từ đó có những điều chỉnh phù hợp để phục vụ tốt hơn. Đây cũng là cách để doanh nghiệp, người dân tham gia giám sát hoạt động hành chính công đạt hiệu quả.
Mặt khác, thực hiện chính phủ điện tử. Người dân, doanh nghiệp có thể truy cập tới các thủ tục hành chính thông qua phương tiện điện tử nhằm tăng cường sự công khai minh bạch.
Khâu nào cần thiết phải đến trực tiếp thì đến các trung tâm hành chính công, ở đó có camera, thanh tra chính phủ kiểm tra Đảng ngồi đó giám sát. Đồng thời, tổ chức khảo sát định kỳ sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp với chất lượng thi hành công vụ của từng cán bộ, công chức.
VCCI cũng sẽ đề nghị bên cạnh nền hành chính chung thì sẽ có dịch vụ tự nguyện như trong lĩnh vực y tế cho doanh nghiệp lựa chọn. Ví dụ, thông thường một thủ tục hành chính có thể mất 2-5 ngày do quá nhiều việc công chức không thể làm hết trong thời gian ngắn.
Nhưng khi lựa chọn loại hình dịch vụ công tự nguyện, thời gian rút ngắn hơn và doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền cho dich vụ này một cách minh bạch. Tuy nhiên, khuôn khổ pháp luật cho mô hình này chưa có nên cần tính toán một cách hợp lý.
Cùng với đó là mô hình đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp. Tôi cho rằng, thứ hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh không quan trọng mà là những bài học tốt, những mô hình hay để các địa phương làm.
Mô hình cà phê doanh nghiệp nhiều nơi đã làm và làm rất tốt. Trước giờ làm việc sáng, Chủ tịch hay Phó chủ tịch tỉnh ra ngồi cà phê, ai thắc mắc thì đến trao đổi, giải quyết ngay.
Một số nơi, các doanh nghiệp đăng ký ngồi trao đổi với lãnh đạo tỉnh theo từng vấn đề và lãnh đạo các Sở giờ đó phải để máy để khi doanh nghiệp thắc mắc thì Chủ tịch tỉnh gọi phải trả lời ngay. Mô hình này đã có ở Tuyên Quang, Quảng Ninh, Đồng Tháp...
Vũ Khuê
VNECONOMY
|