Góc nhìn 23/02: Thị trường vào vùng nhạy cảm
Theo nhận định của các công ty chứng khoán (CTCK), phiên giảm điểm ngày 22/02 là dấu hiệu của sự điều chỉnh khi mà thị trường vừa trải qua một chuỗi tăng mạnh. Xu hướng phân hóa và thanh khoản thấp nhiều khả năng sẽ tiếp tục chi phối thị trường. Tuy nhiên, nhà đầu tư không nên quá lo lắng khi mà bức tranh vĩ mô đang hết sức tươi sáng.
Thị trường trong vùng nhạy cảm
CTCK KB Việt Nam (MSI): Thị trường vẫn tiềm ẩn rủi ro lớn, thể hiện ở 2 điểm chính: (1) Thanh khoản sụt giảm khá nhanh. Tháng đầu tiên của năm 2018, thanh khoản thị trường tăng gần gấp 3 lần trung bình năm 2017. Dòng tiền đổ vào thị trường được cho là của các quỹ ETFs nội đã huy động được cuối năm 2017. (2) Sự phân hóa đã quay trở lại. Không chỉ giữa các phân nhóm (ngân hàng và top 10 vốn hóa tăng, phần còn lại của thị trường đa số đã mất xu hướng tăng giá) mà đã bắt đầu xuất hiện trong chính các nhóm dẫn dắt (ngân hàng và top 10 vốn hóa).
Về kỹ thuật, thị trường đang trong vùng nhạy cảm và biến động với biên độ cao nên các diễn biến bất ngờ có thể xuất hiện. Đề xuất tạm thời tiếp tục đứng ngoài thị trường hoặc chấp nhận rủi ro cao, giao dịch ngắn hạn với các cổ phiếu thuộc nhóm dẵn dắt (VCB, CTG, BID, ACB, HDB, VPB, VIC, VJC, PLX, VNM, BVH).
Ảnh hưởng chủ yếu đến từ các thị trường chứng khoán trên thế giới
CTCK Sài Gòn Hà Nội (SHS): Thị trường giao dịch tiêu cực trong phiên ngày 22/02 và nếu như không có lực cầu hỗ trợ trong phiên ATC thì thị trường có lẽ đã giảm sâu hơn. Nhìn chung, thời điểm hiện tại, thông tin trong nước không có gì xấu và diễn biến trong ngắn hạn của chứng khoán Việt Nam sẽ chủ yếu bị ảnh hưởng bởi tình hình các thị trường chứng khoán trên thế giới.
Về mặt kỹ thuật, tín hiệu ngắn hạn của VN-Index và HNX-Index vẫn duy trì Tích cực với các vùng hỗ trợ lần lượt tại 1,050-1,070 điểm và 121-123 điểm. Do đó, SHS cho rằng, trong phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index có thể sẽ tiếp tục đi ngang và tích lũy trong biên độ 1,070-1,100 điểm, cần sự bứt phá ra khỏi vùng này để xu hướng rõ ràng hơn.
Nhà đầu tư ngắn hạn quan sát diễn biến thị trường và có thể tận dụng đà hồi phục này để bán chốt lời dần một phần danh mục. Nhà đầu tư trung và dài hạn tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đang có vị thế tốt trong danh mục và có thể tận dụng những nhịp điều chỉnh để tích lũy thêm các cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng tích cực trong năm 2018.
Thanh khoản thấp tiếp tục diễn ra
CTCK Bảo Việt (BVS): Việc điều chỉnh của VN-Index trong phiên ngày 22/02 được coi là bình thường sau chuỗi phiên tăng mạnh. Xu hướng phân hóa đi kèm thanh khoản thấp nhiều khả năng sẽ tiếp tục chi phối thị trường trong các phiên sắp tới.
Nhà đầu tư không nên quá lo lắng
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): Phiên giao dịch ngày 22/02 chịu áp lực chốt lời từ lượng cổ phiếu được giải ngân trước kì nghỉ và thông tin tiêu cực từ giá dầu thế giới. Các chỉ số rung lắc trong suốt thời gian giao dịch kéo các chỉ số giảm điểm đặc biệt từ các cổ phiếu vốn hóa lớn đã tăng trước đó. Như đã nói trước đó, việc dòng tiền chưa thực sự quay trở lại đã khiến cho thị trường thiếu đi lực đỡ.
BSI nhận định thị trường sẽ tiếp tục có những phiên điều chỉnh kỹ thuật nhưng biên độ sẽ dần thu hẹp lại trước khi hình thành nền giá mới. Bên cạnh đó, việc chỉ số phái sinh giảm mạnh hơn khá nhiều so với thị trường cơ sở cũng cho thấy tâm lý lo lắng của nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhà đầu tư không nên quá lo lắng khi bức tranh vĩ mô vẫn đang rất lạc quan và sắp tới sẽ là mùa báo cáo tài chính quý 1 và họp ĐHĐCĐ.
Chí Kiên
FILI
|