Thứ Hai, 12/02/2018 09:22

Amazon: “kẻ phá bĩnh” trong lĩnh vực y tế?

Amazon và các đối tác vừa tuyên bố sẽ thành lập một liên minh trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhằm ứng phó với tình trạng chi phí y tế ngày càng tăng cao. Sự kiện đã khiến thị trường y tế chao đảo bởi lo ngại những ông lớn công nghệ này sẽ phá vỡ cấu trúc thị trường.

Ông Jeff Bezos, Giám đốc điều hành của Amazon tại Spheres, văn phòng mới của công ty tại Seattle. Ông đã làm thay đổi nhiều ngành công nghiệp nhưng lĩnh vực y tế thực sự là một thử thách lớn. Ảnh: NYT

“Kẻ phá bĩnh”

Ba gã khổng lồ: Amazon, Berkshire Hathaway và JPMorgan Chase đầu tuần trước đã ra thông báo sẽ thành lập một công ty chăm sóc sức khỏe độc lập cho nhân viên của họ tại Mỹ.

Liên minh giữa các “đại gia” hàng đầu thế giới này là một dấu hiệu cho thấy sự thất vọng của các doanh nghiệp Mỹ đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe và chi phí điều trị y tế tăng phi mã trong những năm qua. Điều này cũng cho thấy một ngành công nghiệp vốn đã rối ren, phức tạp với hoạt động của các trang web bác sĩ, các bệnh viện, công ty bảo hiểm và các hãng dược phẩm, sẽ tiếp tục rối ren hơn với sự tấn công của những tay chơi mới, được ví như những “kẻ phá bĩnh”.

Hiện nay vẫn chưa rõ mức độ các tập đoàn này thay đổi hệ thống bảo hiểm y tế hiện tại của nhân viên như thế nào - liệu rằng họ chỉ đơn giản là giúp nhân viên tìm bác sĩ phù hợp, hướng họ tới các dịch vụ tư vấn y tế trực tuyến hoặc sử dụng sức mạnh của mình để thương lượng giá thuốc và quy trình chăm sóc sức khỏe thấp hơn. Dù liên minh y khoa này mới chỉ áp dụng cho nhân viên của họ, nhưng những động thái của nó đang được theo dõi chặt chẽ bởi nếu thành công thì mô hình này có thể áp dụng cho các doanh nghiệp khác.

Ngay sau tuyên bố trên, giá cổ phiếu của các công ty bảo hiểm, công ty trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe lớn lao dốc. Giá cổ phiếu của các công ty như UnitedHealth Group và Anthem giảm mạnh, kéo chỉ số chứng khoán toàn phiên giảm theo.

Phản ứng của thị trường cho thấy sức mạnh của người chơi mới bởi liên minh này tập hợp nhiều doanh nghiệp lớn trong các lĩnh vực khác nhau: Amazon, tập đoàn thương mại lớn nhất thế giới; Berkshire Hathaway, tập đoàn đầu tư do tỉ phú Warren E. Buffett làm chủ tịch; và JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất tại Mỹ tính theo giá trị tài sản.

Họ đang tiến vào một ngành công nghiệp mà ranh giới giữa các công ty như dược phẩm, bảo hiểm và các nhà cung cấp dịch vụ dường như đang ngày càng mờ nhạt. Thỏa thuận thương mại của CVS Caremark, tập đoàn chăm sóc sức khỏe của Mỹ, mua công ty bảo hiểm Aetna với giá khoảng 69 tỉ đô la Mỹ trong tháng trước chỉ là một ví dụ về những thay đổi đang diễn ra. Việc Amazon tham gia vào lĩnh vực kinh doanh dược phẩm có thể làm đảo lộn thị trường sản xuất và phân phối dược phẩm.

Jamie Dimon, Giám đốc điều hành của JPMorgan Chase, cho biết trong một tuyên bố rằng mục tiêu cuối cùng của liên minh là để tất cả người Mỹ đều được hưởng lợi.

“Hệ thống chăm sóc sức khỏe rất phức tạp, và chúng tôi tham gia vào lĩnh vực đầy thử thách này để hiểu rõ hơn về độ khó của ngành”, ông Jeff Bezos, người sáng lập và là Giám đốc điều hành của Amazon, cho biết. “Dù khó khăn nhưng để giảm gánh nặng chăm sóc sức khỏe cho nền kinh tế, đồng thời nâng cao thu nhập cho người lao động và gia đình họ là việc đáng để nỗ lực thực hiện”.

Tuyên bố này khiến nhiều người dự đoán về những đột phá mà liên minh có thể làm, đặc biệt trong bối cảnh sự len lỏi của Amazon trong cuộc sống thường nhật của người dân.

“Nó (liên minh) quả là rất lớn”, Ed Kaplan, người đại diện cho các doanh nghiệp đàm phán bảo hiểm y tế của hãng Segal Group, nói với New York Times. “Đó là ba đối thủ đáng gờm, và tôi nghĩ nếu họ tham gia vào lĩnh vực bảo hiểm y tế hoặc chăm sóc sức khỏe, họ sẽ tạo ra tác động lớn”.

Theo liên minh này, ban đầu họ sẽ tập trung vào việc sử dụng công nghệ để đơn giản hóa quy trình chăm sóc y tế. “Cả ba công ty đều giàu kinh nghiệm sử dụng công nghệ trong các doanh nghiệp riêng của họ”, ông John Sculley, cựu Giám đốc điều hành của Apple, hiện đang là Chủ tịch của công ty khởi nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe RxAdvance, nói với New York Times. “Tôi nghĩ đó là một đối trọng lớn với những gì chính phủ chưa thực hiện được, đó là làm thế nào để hệ thống chăm sóc sức khỏe phát triển bền vững”.

Từ lâu, nhiều chuyên gia và nhà điều hành trong ngành này đã “ám chỉ” Amazon có thể là nhân vật tiềm năng tham gia thị trường chăm sóc sức khỏe nhưng Amazon luôn im lặng trước kế hoạch của mình.

Không phải người tiên phong

Nhưng liên minh giữa Amazon và hai đối tác trên không phải là một việc làm mới. Trước tình trạng giá dịch vụ y tế liên tục leo thang, nhiều công ty đã tiên phong thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạ chi phí chăm sóc sức khỏe.

Nhiều doanh nghiệp lớn trước đó đã tìm nhiều biện pháp nhằm kiểm soát chi phí chăm sóc sức khỏe cho nhân viên của mình. Walmart đã ký hợp đồng với các tổ chức như Cleveland Clinic, Mayo và Geisinger để chăm sóc sức khỏe cho những nhân viên cần cấy ghép nội tạng, chăm sóc tim hoặc cột sống. Caterpillar, một tập đoàn sản xuất thiết bị xây dựng, cũng đã thiết lập những quy tắc bảo hiểm y tế dành riêng cho nhân viên của mình và đã tiết kiệm hàng triệu đô la Mỹ mỗi năm.

Suzanne Delbanco, Giám đốc điều hành của Catalyst for Payment Reform, một tổ chức phi lợi nhuận, chủ yếu đại diện cho giới chủ, cho biết kiểm soát tăng giá dịch vụ y tế đặc biệt khó khăn tại các thị trường nơi bệnh viện và các tổ chức y khoa thống trị. Nhiều công ty cố gắng giải quyết vấn đề trên theo những cách riêng của họ nhưng tất cả điều không hiệu quả.

“Họ đã chiến thắng”, Jonathan Kolstad, Phó giáo sư kinh doanh tại Đại học California, Berkeley, nói. “Nhưng chiến thắng đó gần như bị nhấn chìm bởi sự tăng giá dịch vụ y tế, nó quá cao”.

Chăm sóc sức khỏe là một lĩnh vực đặc thù, các công ty sẽ khó lòng ngăn được các bệnh viện và bác sĩ tăng giá hoặc đưa ra các dịch vụ chăm sóc sức khỏe “bình dân” do họ không có đủ lợi thế để buộc các đơn vị cung ứng hạ giá.

Chưa kể, cả ba công ty trong liên minh đều không có nhiều kinh nghiệm liên quan trực tiếp đến việc cung cấp bảo hiểm hoặc dịch vụ y tế.

“Chỉ vì bạn biết một ngành công nghiệp đang hoạt động chưa hiệu quả và bạn có rất nhiều tiền không có nghĩa là bạn có một chiến lược thành công”, Leemore Dafny, một giáo sư tại Harvard Business School, trả lời New York Times qua e-mail. Bà Dafny cho biết bà rất vui khi thấy những doanh nghiệp lớn tuyên chiến với vấn đề này, nhưng lưu ý là có rất nhiều ví dụ về những doanh nghiệp không chuyên trước đó, đã cố gắng gia nhập thị trường và cuối cùng thất bại.

Hầu hết các công ty mới gia nhập thị trường bằng chiến lược cổ điển: đưa ra một sản phẩm giá thị thấp hơn sản phẩm đang có trên thị trường với chi phí thấp hơn. Chiến lược này đã được áp dụng thành công tại các doanh nghiệp như Southwest Airlines, MP3 hoặc nhà sản xuất ô tô Nhật Bản. Chăm sóc sức khỏe lại có xu hướng khác bởi người tiêu dùng thường không muốn sử dụng một sản phẩm chất lượng thấp hơn, dù giá có rẻ hơn rất nhiều.

Amitabh Chandra, chuyên gia kinh tế tại Đại học Harvard, nói rằng có lẽ cách dễ nhất giảm chi phí chăm sóc sức khỏe là giảm giá dịch vụ y tế đắt đỏ mà hiệu quả của nó không hơn đáng kể so với những lựa chọn giá rẻ khác.

Nhưng việc này là rất khó vì đa phần mọi người vẫn muốn liệu trình điều trị tốt hơn, ngay cả khi giá trị nó mang lại không tốt như vậy. Hơn nữa, công ty cung cấp các gói dịch vụ y tế tốt, đắt tiền cho nhân viên sẽ là một điểm cộng trong việc tuyển dụng và giữ chân nhân tài.

Trúc Diễm

tbktsg

Các tin tức khác

>   Chân dung cựu bác sĩ nhập cư thành tỷ phú hàng đầu tại Los Angeles (12/02/2018)

>   Bí mật đen tối trong cuộc đời của tỷ phú casino Mỹ (09/02/2018)

>   19 "trùm" tiền ảo giàu nhất thế giới (09/02/2018)

>   Startup giữ đồ thuê nhận vốn đầu tư 18 triệu USD (08/02/2018)

>   Nghe Giáo sư Phan Văn Trường chia sẻ cách “Biến nhân viên thành anh hùng” bằng những trải nghiệm thực tế (07/02/2018)

>   Ông chủ Facebook thừa nhận mắc nhiều sai lầm khi khởi nghiệp (06/02/2018)

>   "Thái tử" Samsung bất ngờ được trả tự do (05/02/2018)

>   Những "bom tấn" trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông 2018 (02/02/2018)

>   Startup cung cấp dịch vụ "dắt chó đi dạo" nhận 300 triệu USD vốn đầu tư (02/02/2018)

>   Nhà sáng lập IKEA không cho ai thừa kế khối tài sản gần 60 tỷ USD (02/02/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật