Tiền mới nào cho IPO?
Tiền đâu mua cổ phiếu của các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa? Hỏi câu này có lẽ thừa vì tiền nhàn rỗi trong dân rất nhiều. Cuộc điều tra về xu hướng kinh doanh do Vụ Dự báo, Thống kê thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tiến hành tháng 12-2017 cho kết quả huy động vốn toàn hệ thống năm 2018 có thể tăng 16,66% so với năm trước đó. Tiền vẫn được người dân dành gửi tiết kiệm như một kênh đầu tư an toàn và phổ biến.
Sự thành công của các đợt IPO phụ thuộc chủ yếu vào nội lực thị trường và sự tư vấn, bảo lãnh phát hành của các công ty chứng khoán. Ảnh: Thành Hoa
|
Hiện tổng vốn huy động của các ngân hàng đến cuối năm ngoái, theo NHNN, khoảng 5 triệu tỉ đồng. Với mức tăng trưởng dự báo nói trên, các tổ chức tín dụng sẽ huy động được 833.000 tỉ đồng từ dân cư và tổ chức kinh tế, bình quân tầm 70.000 tỉ đồng/tháng.
Trong khi đó ngay tháng 1 và tháng 2-2018 thị trường sẽ đón nhận năm đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của năm doanh nghiệp bao gồm Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR); Tổng công ty Dầu (PVOil); tập đoàn Cao su (VRG); Tổng công ty Điện lực dầu khí (PVPower) và Tổng công ty Phát điện 3 (Genco 3). Tổng số cổ phiếu mà các doanh nghiệp này IPO lên tới 1,66 tỉ đơn vị, tương đương 25.794 tỉ đồng tính theo giá khởi điểm. Con số này ngang ngửa 37% vốn huy động dự báo trong một tháng năm 2018 của hệ thống ngân hàng. Rõ ràng chẳng thấm vào đâu. Chưa kể nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia các đợt IPO trên vì năm doanh nghiệp đều thuộc quy mô tầm cỡ. Khi niêm yết, giá trị vốn hóa của cả năm doanh nghiệp này có ảnh hưởng nhất định đến VN-Index, mà khối ngoại về cơ bản vốn dĩ ưa chuộng giải ngân vào các mã có tác động đến chỉ số chung.
Tuy nhiên, giới đầu tư lại tỏ ra e ngại thị trường không hấp thụ hết nguồn cung IPO hàng tỉ cổ phiếu mới bất chấp thanh khoản của Hose đang được cải thiện từng ngày. Những phiên giao dịch khớp lệnh 200 triệu đơn vị với 5.000-6.000 tỉ đồng giá trị không còn hiếm. Có lẽ sự lo ngại nằm ở sự phân bổ không đồng đều của dòng tiền trong chứng khoán hiện nay.
Trước hết để tham gia các đợt IPO mới, nhà đầu tư cá nhân và tổ chức phải chuẩn bị tinh thần nắm giữ cổ phiếu ít nhất vài tháng đến cả năm trước khi các doanh nghiệp này niêm yết trên Hose, Hnx hoặc đăng ký giao dịch trên UpCom. Thông thường niêm yết mất nhiều thời gian hơn đăng ký giao dịch. Một số công ty đăng ký giao dịch cổ phiếu sớm tại UpCom, sau đó thực hiện chuyển sàn. Cho dù niêm yết sớm hay trễ, các cổ đông sẽ không thể giao dịch ngay. Còn nếu mua bán cổ phiếu trên thị trường OTC, thanh khoản không thể so sánh với các sàn chính thức. Thời gian đọng vốn là điều phải tính đến.
Kế đó có thể có hiện tượng nhà đầu tư sẽ bán ra các cổ phiếu thị giá thấp, kinh doanh không hiệu quả để dành tiền tham gia IPO mới. Sự dịch chuyển của dòng tiền từ các mã không có vai trò điều tiết chỉ số sang các blue-chips thượng hạng và IPO đã diễn ra bấy lâu nay, nhiều khả năng tiếp tục. Sự phân hóa sẽ còn mạnh mẽ giữa các nhóm ngành, nhất là ở các cổ phiếu SmallCap.
Sự thành công của các đợt IPO phụ thuộc chủ yếu vào nội lực thị trường và sự tư vấn, bảo lãnh phát hành của các công ty chứng khoán. Càng ngày càng có nhiều công ty chứng khoán phát hành trái phiếu doanh nghiệp hoặc trái phiếu chuyển đổi để có nguồn cung cấp cho dịch vụ ký quỹ. Thống đốc NHNN cho biết hiện dư nợ cho vay chứng khoán của cả hệ thống ngân hàng khoảng 10.000 tỉ đồng, thấp hơn nhiều tổng dư nợ margin ước 20.000-25.000 tỉ đồng tùy thời điểm. Sự cung ứng vốn cho hoạt động ký quỹ của các nhà môi giới, như vậy, không hề nhỏ.
Một phần vốn được các công ty chứng khoán phân bổ vào các doanh nghiệp IPO mà họ nhận tư vấn. Công ty chứng khoán có thể cho nhà đầu tư vay, mua cổ phiếu IPO với một tỷ lệ nhất định. Ngoài ra, bộ phận tự doanh của một số công ty chứng khoán cũng giải ngân vào các cổ phiếu IPO mà họ tư vấn, hoặc nhận thấy có tiềm năng sinh lời.
Giá khởi điểm IPO của năm doanh nghiệp tới đây nhìn chung ở mức vừa phải, song do vốn điều lệ lớn, giá trị vốn hóa doanh nghiệp sẽ cao. Khoảng cách của giá cổ phiếu IPO thành công và thị giá khi lên sàn sẽ phải ở mức 10-20%, thì mới hấp dẫn nhà đầu tư. Yếu tố nào đảm bảo một sự tăng trưởng như thế cho giá cổ phiếu là điều doanh nghiệp hoặc công ty tư vấn không khẳng định được.
Các thông tin được công bố trước ngày IPO của các doanh nghiệp có xu hướng lạc quan với doanh thu và lợi nhuận đều tăng trong tương lai. Bán mặt hàng nào, có cách tiếp thị riêng mặt hàng đó, nhưng chứng khoán cần tiếp thị đúng với giá trị thực của doanh nghiệp, của cổ phiếu.
Nước chảy chỗ trũng là quy luật trường tồn trên thị trường tiền tệ. Chứng khoán cần tiền mới để VN-Index đi lên, để làm nền cho các đợt IPO, tuy nhiên chưa thấy chứng khoán có cơ chế mới nào để tạo tiền mới cho thị trường. Kéo bớt tiền nhàn rỗi từ kênh tiết kiệm ngân hàng sang chứng khoán sao khó quá! Tiền trên thị trường chứng khoán như một cái chăn, bị co kéo tứ phía nhưng nó lại không có tính co giãn hay đàn hồi. Chỗ này được che kín, tất chỗ khác phải hở ra. Những doanh nghiệp cổ phần hóa, nếu là doanh nghiệp tốt, sẽ tự động trở thành vùng trũng hút tiền. Còn không IPO sẽ thất bại, mà việc bán cổ phần của Tổng công ty Sông Đà là một thí dụ.
Thành Nam
TBKTSG
|