Thông minh và thông minh hơn
2017 là một năm công nghệ sôi động. Người ta phát cuồng với tiền kỹ thuật số bất chấp những cảnh báo.
Năm 2018 sẽ chứng kiến trí tuệ nhân tạo thông minh hơn, đáng sợ hơn.
|
Những cái tên ồn ào nhất như nhận diện khuôn mặt, thực tế ảo hay trí tuệ nhân tạo (AI) làm nên những câu chuyện sởn gai ốc. Các công nghệ thông minh sẽ thông minh hơn trong năm 2018, liệu sẽ còn những điều gì khác?
Trí tuệ nhân tạo: điều lớn lao đang chờ
Không có ví dụ nào cho phát triển trí tuệ nhân tạo của năm 2017 hay hơn cô nàng robot Sophia, khiến người ta kinh ngạc lẫn lo sợ. Hay như Google, sau thành công vang dội của phần mềm AlphaGo đánh bại được các kỳ thủ cờ vây trên thế giới, tiếp tục ra mắt AlphaGo Zero, có thể tự học cách chơi mà không cần “nạp” dữ liệu từ con người.
Sang năm tới thì sao? Trí tuệ nhân tạo, mà cụ thể là công nghệ học máy (machine learning) sẽ “tiếp tục tăng tốc, giúp các doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động, đưa ra quyết định tốt hơn và cung cấp sản phẩm dịch vụ được cải thiện hoặc hoàn toàn mới” - Paul Sallomi, phó chủ tịch Công ty tư vấn Deloitte, nhận định trong báo cáo Công nghệ, truyền thông và viễn thông năm 2018.
Tuy nhiên, trong năm 2018, giới quan sát cũng đã thận trọng hơn, không quá hào hứng với các nhận định lạc quan như “robot sẽ thay thế con người” mà trái lại, chủ tâm quan sát liệu AI có vượt qua được các hạn chế vẫn còn hiển hiện trong năm 2017 hay không.
Chẳng hạn, dù AlphaGo Zero thông minh đến mức tự học cờ mà lại đủ mạnh để đánh bại luôn được “người tiền nhiệm” AlphaGo và đã được nâng cấp để có thể chơi cờ vua và cờ Shogi của Nhật, song các chuyên gia đặt câu hỏi sao AI cứ mãi chơi cờ? Còn những chuyện lớn lao hơn thì sao?
Cờ vua, Shogi hay cờ vây có cách chơi phức tạp, song luật chơi đơn giản và dù có muôn vàn nước đi và chiến thuật thì mọi thứ suy cho cùng cũng là tính toán, dự đoán được.
Chỉ cần máy tính đủ mạnh là có thể tính được các nước đi khả dĩ. Nhưng các vấn đề trong đời sống thực đâu có đơn giản và diễn ra theo cấu trúc, quy luật như các nước cờ?
DeepMind, bộ phận chuyên phát triển AI của Google, và Facebook nhận thức được hạn chế của AI nên đã đầu tư để máy học cách chơi game chiến thuật StarCraft.
Kết quả trong năm 2017 chưa thật sự khả quan khi AI còn thua xa một tay chơi thường thường bậc trung là con người.
Oriol Vinyals, một nhà nghiên cứu thuộc DeepMind, thừa nhận với trang WIRED là phần mềm của họ vẫn chưa đủ kỹ năng hoạch định và bộ nhớ cần thiết để có thể “vừa bài binh bố trận vừa canh chừng và phản ứng lại các nước đi của đối thủ”.
Nhưng đây lại là các kỹ năng cần thiết để một phần mềm AI có thể ứng dụng vào đời sống. WIRED vì thế kỳ vọng AI học chơi StarCraft và các game chiến thuật tương tự trong năm 2018 sẽ có thể đạt tiến bộ trong năm 2018 và mở ra khả năng đưa AI đi vào cuộc sống “thực chất” hơn.
Ra lệnh bằng giọng nói: sẽ tự nhiên hơn
“Loa thông minh” như Echo của Amazon (với trợ lý ảo Alexa) và Google Home tiếp tục cải tiến và khẳng định đây không chỉ là những thiết bị vô nghĩa trong năm 2017.
Công nghệ nhận diện giọng nói, cho phép con người và máy móc trò chuyện bằng ngôn ngữ tự nhiên, được dự báo sẽ tiếp tục phổ biến hơn trong năm 2018.
Forbes dẫn một báo cáo cho biết trong năm tới, 20% các doanh nghiệp sẽ thêm tính năng ra lệnh bằng giọng nói vào các sản phẩm và hệ thống hiện đang sử dụng bảng điều khiển của họ.
Nhược điểm lớn nhất của công nghệ nhận diện giọng nói là AI chỉ có thể nắm bắt và hiểu mệnh lệnh nếu người dùng nói gần đúng với những gì nó được lập trình.
Tương tự như chuyện “AI chỉ biết chơi cờ”, giới công nghệ kỳ vọng AI sẽ có thể nghe hiểu tốt hơn, và đáp lại “ông chủ” bằng ngôn ngữ tự nhiên hơn trong năm 2018.
Ngoài nhận diện giọng nói, nhận diện gương mặt cũng là công nghệ gây nhiều chú ý trong năm 2017, nhất là khi Apple quyết định gia nhập cuộc chơi với Face ID - tính năng mở khóa iPhone X bằng gương mặt.
Trang tin Startups.co.uk nhận định trong năm 2018, công nghệ nhận diện gương mặt sẽ có thêm nhiều ứng dụng thực tế và cuộc chơi không chỉ có Apple hay Samsung.
Hãng Qualcomm đã sản xuất dòng chip mới hỗ trợ cảm biến hồng ngoại để lập bản đồ gương mặt - bước không thể thiếu trong công nghệ nhận diện gương mặt, trong khi Huawei (Trung Quốc) cũng muốn đưa công nghệ này vào smartphone Honor View 10 của mình. LG cũng đã đăng ký sử dụng công nghệ nhận diện gương mặt của Sensory cho các mẫu máy LG V30, Q6 và G6.
Vì thế, Starups.co.uk lạc quan cho rằng “các bảng quảng cáo và máy bán hàng tự động có thể nhận diện gương mặt người xem sẽ không còn là chuyện trong tiểu thuyết viễn tưởng mà trở thành thực tế”, dù không quên nhắc mặt trái của đồng xu là con người sẽ mất riêng tư hơn nếu gương mặt của họ bị nhiều hệ thống ghi nhận.
“Thực thực ảo ảo” tiếp tục là xu thế
Công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tại tăng cường (AR) vẫn được cho là phù phiếm và còn lâu mới đi vào cuộc sống. Song các hãng công nghệ trong năm 2017 cho thấy họ vẫn tin vào tương lai các công nghệ hòa trộn thực ảo và “hư hư thực thực” này trở nên phổ biến, ai cũng xem được dễ dàng như xem video.
Facebook tuyên bố tại hội nghị thường niên F8 hồi tháng 4-2017 về tầm nhìn chiếc kính AR, đeo vào là xóa nhòa ranh giới giữa cái thật và cái ảo do AR tạo ra, thay vì phải nhìn qua smartphone hay các chiếc kính cồng kềnh khác.
Trước khi đạt tầm nhìn đó, Facebook, Snapchat, Google và Apple, tất cả đều đã có bộ công cụ phát triển AR và chọn camera của smartphone làm phương tiện chính để tận hưởng điều kỳ diệu của AR.
Và khi chỉ còn mươi ngày nữa là hết năm 2017, Hãng công nghệ Magic Leap lại tung ra “bom tấn” sau hơn 3 năm chuẩn bị - chiếc kính AR đúng như những gì mà Facebook vạch ra.
Nếu thiết bị xem VR đưa ta chìm đắm vào không gian ảo hoàn toàn, thì kính AR cho phép người dùng thêm và tương tác với các vật thể ảo, từ vật dụng đời thường, các con thú hay nhân vật hoạt hình, được thêm vào không gian thật khi họ nhìn đời qua “hai mảnh đít chai công nghệ cao”.
Vẫn là căn phòng khách nhà ta, nhưng với kính của Magic Leap, ta có thêm vào đó chiếc tivi, một con khủng long biết cử động hay một chậu hoa. Các vật thể ảo ta thêm vào đời thật sẽ ở yên đó mãi mãi, như thể chúng thật sự tồn tại ở dạng vô hình và chỉ hiện ra khi nhìn qua cặp kính “ma thuật”.
Magic Leap chưa công bố giá mà chỉ cho biết sẽ bắt đầu giao hàng “vào thời điểm nào đó trong năm 2018”.
WIRED nhận định VR và AR vẫn sẽ là cuộc đua hấp dẫn với các tên tuổi như Google Glass, Oculus của Facebook và HoloLens của Microsoft, và “công nghệ này rồi sẽ trở thành một thiết bị đeo người chính thống và ai cũng phải có”.
Các hãng công nghệ còn phải giải quyết một thách thức khác: làm sao để AR và VR không phải là trải nghiệm “mình ta với ta”.
Thế giới ảo hay thực ảo hòa trộn hiện tại chỉ hiện ra cho chính người đeo thiết bị AR hay VR, và bài toán đặt ra là làm sao để ta và người khác cùng nhìn thấy một thế giới ảo và cùng khám phá, tương tác với nhau như trong đời thật.
Facebook Spaces, ra mắt hồi tháng 4-2017, đã tiên phong giải quyết bài toán này và các tay chơi khác chắc chắn sẽ tiếp bước.
“Sẽ sớm đến lúc thay vì độc bước trong thế giới AR hay VR, ta sẽ có thêm bạn đồng hành cho những chuyến hành trình này” - chuyên gia thiết kế VR Seth Mach khẳng định với Business Insider.
Hình ảnh thực ảo hòa lẫn khi nhìn qua kính Magic Leap, xu hướng mới của AR.
|
Mọi thứ đều không dây
Khi Apple tung ra iPhone 7 mà không có jack cắm tai nghe hồi năm 2016, người ta vẫn chưa dám khẳng định đây sẽ là xu hướng mới của các nhà sản xuất smartphone.
Dù hình ảnh rò rỉ mới nhất ngày 21-12 của Samsung Galaxy S9, dự kiến ra mắt năm 2018, cho thấy smartphone đinh của nhà sản xuất Hàn Quốc vẫn chưa chịu tham gia trào lưu “nói không với jack cắm headphone”, song Apple đã có các đồng minh trong năm 2017 như Google Pixel 2, HTC U Ultra và Moto Z của Motorola. Phải chăng những chiếc đinh cuối cùng đã đóng lên cỗ quan tài của jack cắm headphone?
Trang tin công nghệ CNET ngày 15-12 giật tít: “Năm 2018 có thể sẽ mở màn cho cuộc sống không dây nhợ thật sự” với nhiều công nghệ, sản phẩm sẽ ra mắt và giải phóng ta khỏi những dây nhợ lòng thòng như dây tai nghe hay dây sạc, sẽ không phải suốt ngày vất vả ngồi gỡ dây rối.
Tai nghe không dây đã tiên phong, và sắp tới sạc không dây sẽ phổ biến hơn, sau khi Samsung và Apple đã áp dụng cho các dòng smartphone mới nhất của mình.
Nhưng thứ không dây mà ta nói đến thật ra vẫn không phải là... không dây. Đế sạc không dây vẫn phải được cắm vào ổ điện trên tường.
Vì thế, vài công ty như Energous và Ossia muốn tạo ra công nghệ không dây đúng nghĩa hơn: điện sẽ truyền vào thiết bị thông qua sóng radio khắp phòng thay vì phải đặt điện thoại lên đế sạc.
“Chúng tôi muốn ra mắt công nghệ này vào nửa sau năm 2018 - CNET dẫn lời CEO của Ossia, Mario Obeid - Trong giai đoạn đầu, có thể Ossia sẽ tung ra đế sạc dạng ốp lưng, chỉ cần đặt điện thoại vào là sạc được pin và mang đi khắp nơi, không cần phải để yên một chỗ.
Sau đó chúng tôi sẽ tích hợp tính năng này vào ngay chiếc điện thoại hoặc router WiFi để vừa truyền dữ liệu vừa truyền năng lượng sạc pin” .
Phát cuồng vì tiền kỹ thuật số
Cơn sốt tiền kỹ thuật số bitcoin, với giá tăng đến mức vô lý sẽ khép lại một năm 2017 nhiều biến động cho công nghệ gây nhiều tranh cãi này.
WIRED nhận định 2018 sẽ là “năm phát cuồng vì tiền kỹ thuật số” mà trong đó, blockchain, công nghệ xương sống của các đồng tiền kỹ thuật số, sẽ được ứng dụng rộng rãi hơn là chỉ trong ngành công nghệ tài chính (fintech) như năm 2017.
“Tất cả những gì mà bạn có thể lập thành danh sách đều có thể được quản lý bằng blockchain” - WIRED giải thích. Nhiều lập trình viên và các doanh nhân đầy tham vọng đang muốn dùng blockchain để thay đổi cách quản lý quyền sở hữu đất đai, phân phối thuốc.
Những ứng dụng này đã được thử nghiệm và áp dụng trong năm 2017 và sẽ tiếp tục trong năm 2018.
The Next Web cũng cho rằng “cuộc cách mạng blockchain sẽ tăng tốc trong năm 2018” vì công nghệ này, một khi được áp dụng rộng rãi, sẽ biến các hệ thống quản lý tập trung trở thành di sản.
Ngoài ứng dụng tiền kỹ thuật số, hiểu đơn giản là giúp các giao dịch diễn ra nhanh chóng mà không cần thông qua một ngân hàng trung ương như giao dịch thông thường, một ứng dụng tiềm năng khác của blockchain là “hợp đồng thông minh” (smart contract).
Dạng hợp đồng này sẽ lưu trữ thông tin giao dịch giữa bên A và bên B lên hệ thống chung để giám sát, và sẽ tự động thực thi khi các điều khoản được thỏa mãn, giúp giảm chi phí thuê trung gian và tránh được các rủi ro, sai sót do con người gây ra.
Vì lẽ đó, “số trường hợp có thể ứng dụng blockchain để quản lý, nhận diện và bảo mật là vô tận” - The Next Web lạc quan.
Thêm sức mạnh cho bác sĩ
Với riêng lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, công nghệ trong năm 2017 đã trợ giúp đắc lực cho ngành y và giới thầy thuốc, nổi bật nhất là xu hướng “bác sĩ AI”, các ứng dụng trí tuệ nhân tạo biết đoán bệnh, chẩn đoán, đọc hồ sơ, thậm chí thăm khám và trò chuyện với bệnh nhân qua smartphone.
Công nghệ học máy có tác dụng vô cùng to lớn trong lĩnh vực y khoa, khi nó giúp đưa ra chẩn đoán chính xác và nhanh hơn, tìm ra cách điều trị tốt hơn, giúp người bệnh tiết kiệm thời gian và tiền bạc.
“Khi y học hiện đại ngày càng phụ thuộc vào số nghiên cứu, thông tin mới và phương án điều trị khổng lồ, máy móc sẽ cập nhật và diễn dịch các dữ liệu mới tốt hơn trí óc con người” - TIME nhận định.
Như đã chứng minh trong năm 2017, AI không thể và sẽ không bao giờ thay thế hoàn toàn bác sĩ. Công nghệ chỉ trao thêm sức mạnh cho các kiến thức và chuyên môn của thầy thuốc, đặc biệt giúp họ tra cứu và xử lý khối dữ liệu khổng lồ của y học.
IBM, nhà sản xuất phần mềm trí tuệ nhân tạo Watson, tin rằng có thể cho máy móc học ngành y giống như cách nó học chơi cờ.
Watson thực sự đã có thể làm công việc chẩn đoán ung thư, cung cấp cho người bệnh những thông tin hữu ích nhất về các liệu pháp hiện có để họ lựa chọn và giúp thầy thuốc truy cập vào kho dữ liệu về ung thư để đưa ra quyết định đúng đắn khi điều trị.
Vậy cụ thể AI có thể hành nghề thầy thuốc như thế nào? Đầu tiên là dạng ứng dụng bác sĩ AI như Ada hay Babylon, trò chuyện với người dùng thông qua chat trên smartphone.
Người dùng sẽ cung cấp thông tin về các triệu chứng của họ và AI sẽ dựa vào đó để đưa ra chẩn đoán hay lời khuyên. Nếu cần thiết, Ada sẽ kết nối người dùng với bác sĩ là người thật.
Trong khi đó, ứng dụng doc.ai lại đóng vai trò là bác sĩ chuyên đọc kết quả xét nghiệm. Ứng dụng này cũng hoạt động bằng cách trò chuyện với người dùng, yêu cầu họ nhập các thông tin về chỉ số cơ thể, nhóm máu và kết quả xét nghiệm, sau đó diễn dịch và giải thích cho họ nghe những chỉ số đó nghĩa là gì. Giống như Ada, doc.ai cũng có thể kết nối người dùng với bác sĩ “thứ thiệt” khi cần thiết.
Máy móc với trí tuệ nhân tạo cũng có thể làm thay việc của nhà trị liệu. Dù là chuyên gia giỏi và giàu kinh nghiệm đến mấy cũng không thể theo sát tất cả bệnh nhân và không bỏ sót bất kỳ biểu hiện bất thường nào của họ. Nhưng máy móc thì có thể.
Điển hình cho xu hướng này là Cogito, ứng dụng theo dõi hoạt động của người dùng trên mạng xã hội và các cuộc gọi của họ để phát hiện ra yếu tố bất thường như có dấu hiệu trầm cảm kịp thời.
“AI có thể theo sát bệnh nhân và thu thập dữ liệu từ họ tốt hơn, cũng như giúp chúng ta có được các chỉ dấu chính xác hơn khi ai đó bắt đầu có nguy cơ gặp các vấn đề về tâm thần” - David Ahern, giám đốc chương trình eHeath thuộc Bệnh viện Brigham and Women's Hospital (Mỹ), nói với TIME.
Tạp chí TIME kết luận cho xu hướng “bác sĩ AI” là rõ ràng đã đến lúc nhìn nhận lại rằng máy móc không chống lại con người mà có thể cùng con người tạo ra các tiến bộ vĩ đại cho sức khỏe nhân loại.
|
Nỗi lo bảo mật
Những vụ đánh cắp thông tin cá nhân, lỗ hổng trong cơ chế bảo mật WiFi và nhất là mã độc tống tiền WannaCry, có lẽ không cần phải kể thêm mới có thể chứng minh dữ liệu người dùng trong thời Internet đang bị tin tặc đe dọa như thế nào.
Và quả là “không biết phải tin vào ai” khi phần mềm diệt virút nổi tiếng Kaspersky của Nga lại bị Mỹ cấm cửa vì nghi là công cụ của Matxcơva.
Tin xấu là chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng cho nhiều cuộc tấn công khác trong năm 2018 này, theo CNET. Tin tốt là vẫn có cách phòng bệnh để không phải “bỗng dưng muốn khóc” trong năm mới.
Lời khuyên đầu tiên có vẻ “biết rồi khổ lắm nói mãi” nhưng chưa bao giờ thừa: hãy cài đặt bản vá mới nhất cho điện thoại, máy tính và cập nhật phần mềm diệt virút cho thiết bị của bạn. Sao lưu dữ liệu trên đám mây để phòng khi hữu sự, áp dụng các phương thức bảo mật khác ngoài password nếu có thể (bảo mật vân tay hay nhận diện khuôn mặt), áp dụng bảo mật hai lớp.
|
TRƯỜNG SƠN
Tuổi trẻ
|