Chủ Nhật, 07/01/2018 21:16

Người dân cần bình tĩnh chờ giải quyết 'vấn đề BOT'

“Vấn đề BOT” đang nóng trên cả nước. Và TP Cần Thơ là địa phương đầu tiên “cứng rắn” với nhà đầu tư. Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống đã dành cho Tuổi Trẻ một cuộc trò chuyện về quyết định "cứng rắn" trên và các kiến nghị của mình.

Ông Võ Thành Thống, chủ tịch UBND TP Cần Thơ - Ảnh: CHÍ QUỐC

Ông Thống cho biết hiện tại tình hình tại trạm thu phí BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp đã tạm ổn và dự kiến sáng mai (8-1) sẽ có cuộc họp kín của UBND TP Cần Thơ với Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Hậu Giang và nhà đầu tư BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp.

Không bị áp lực nào

* Ông có thể cho biết vì sao thành phố đã rất kiên quyết và mạnh mẽ đối với việc yêu cầu nhà đầu tư xả trạm trong những ngày qua?

- Chuyện xảy ra ở trạm BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp là tình huống buộc mình phải giải quyết theo nhiệm vụ của chính quyền địa phương.

Ùn tắc giao thông kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh trật tự, đồng thời cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phiền toái của người dân và doanh nghiệp trong việc đi lại, giao thương. Và việc kéo dài ùn tắc như vậy ngày càng lớn hơn, có khả năng làm tình hình phức tạp, khó kiểm soát.

Trách nhiệm quản lý an ninh trật tự của chính quyền địa phương trên địa bàn thành phố, chúng tôi nhận thấy đây là việc phải giải quyết sớm nên đã chỉ đạo các cơ quan chức năng làm việc với đơn vị quản lý trạm BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp yêu cầu xả trạm để giải quyết ách tắc, nhưng phía đại diện của họ không hợp tác tốt lắm.

Chính vì vậy áp lực ùn ứ giao thông cứ ngày càng tăng lên, lãnh đạo thành phố đến trực tiếp xử lý là điều tất nhiên.

Thời điểm đó có nhiều phương án được đưa ra, trong đó có phương án sử dụng lực lượng chức năng điều tiết giao thông để giảm ùn ứ, nhưng thực tế việc làm này của cảnh sát giao thông TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang hiệu quả không cao nên thành phố thấy rằng biện pháp duy nhất là phải yêu cầu nhà đầu tư xả trạm để giảm ách tắc, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Lúc đầu họ không hợp tác tốt, chính quyền phải trực tiếp vận động, gọi điện cho Bộ Giao thông vận tải để can thiệp trực tiếp với nhà đầu tư nên vụ việc đã được giải quyết vào trưa 4-1.

Vụ việc tiếp tục xảy ra trong ngày 5-1, nếu cứ kéo dài, nhiều xe ùn ứ như thế nên UBND TP yêu cầu xử lý khẩn trương.

Tại buổi làm việc, nhà đầu tư không muốn tiếp xúc, tìm nhiều cách né tránh nên tôi đã đến trạm một lần nữa và yêu cầu lập tức phải xả trạm, nếu không sẽ bị cưỡng chế bằng cách đưa lực lượng chức năng của thành phố vào tiếp quản rào chắn, barie để thực hiện việc thông xe, đến khi tình hình xe cộ ùn ứ được giải phóng hoàn toàn, thông thoáng thì giao lại cho nhà đầu tư quản lý.

Khi đặt vấn đề như vậy, nhà đầu tư mới thực hiện, nhưng cũng chỉ mang tính chất cầm chừng, một chút thì họ đóng trạm trở lại.

Vì vậy, tôi mới yêu cầu thanh tra sở lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, lúc đầu họ cũng chần chừ, sau đó mới thực hiện, nhưng chưa chịu ký vào biên bản.

Người dân mệt mỏi vì cảnh kẹt xe do ảnh hưởng từ việc phản đối BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp những ngày qua - Ảnh: CHÍ QUỐC

* Hiện tại nhà đầu tư BOT đã ký biên bản chưa, thưa ông?

- Họ vẫn chưa chịu ký. Thành phố sẽ tiếp tục làm việc để yêu cầu họ phải ký.

Hiện họ yêu cầu về chứng cứ, nhưng lúc đó mình tập trung vào việc giải tỏa ách tắc là chính, còn chứng cứ thì chứng minh sau.

Chuyện đó không khó vì mình sẽ sử dụng chính hệ thống camera của họ giám sát khu vực đó, kết hợp với hệ thống camera an ninh của thành phố. Việc này không thể chối cãi được.

* Thành phố và các ngành có sức ép nào không khi buộc xả trạm và cả việc lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với nhà đầu tư BOT?

- Không. Mình không chịu sức ép của bất cứ ai mà là đó là tình thế phải xử lý như vậy, với trách nhiệm của chính quyền địa phương. Từ nhu cầu thực tiễn và trách nhiệm của chính quyền mình mới áp dụng biện pháp này.

Nói chung khi áp dụng biện pháp này đã cân nhắc rất nhiều biện pháp khác nhưng thấy rằng không hiệu quả bằng biện pháp này.

Và thực tế áp dụng thì thấy biện pháp này có hiệu quả. Tất nhiên là đây chỉ là biện pháp xử lý tình huống, còn thành phố thấy cần cách xử lý căn cơ và triệt để hơn mới là cái gốc của vấn đề.

Phải giải quyết triệt để

* Ông có thể cho biết cụ thể hơn giải pháp xử lý triệt để là như thế nào?

- Để giải quyết được triệt để thì trước hết mình phải nắm được chính xác và đầy đủ về nguyện vọng, bức xúc của người dân, đồng thời việc đó phải được cơ quan có thẩm quyền giải quyết sớm.

Tôi đã giao Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ nắm bắt bức xúc và nguyện vọng của dân, trên cơ sở đó mình mới kiến nghị chính xác và đầy đủ với cơ quan chức năng.

Qua hai buổi đối thoại gần đây, cộng với các lần trước, thành phố đã tập hợp được các kiến nghị và đã có gửi tới Bộ Giao thông vận tải trước khi diễn ra cuộc họp ngày mai.

Việc gì cũng phải được giải quyết nhưng thành phố muốn giải quyết sớm hơn để ổn định tình hình, nên chủ động mời Bộ Giao thông vận tải, nhà đầu tư và UBND tỉnh Hậu Giang có buổi làm việc vào 9g sáng mai (8-1).

Cho tới thời điểm này, Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ và nhà đầu tư và tỉnh Hậu Giang đã nhận được thư mời.

Hôm qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể có xác nhận là sẽ phân công Thứ trưởng Nguyễn Nhật đến làm việc, tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cũng tham gia.

Bộ trưởng cũng thông báo đã làm việc với nhà đầu tư và họ xác nhận sẽ đến dự buổi làm việc này.

Tôi cũng đã gọi điện chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang về cử người tới dự buổi làm việc và chuẩn bị nội dung về những kiến nghị của người dân tỉnh Hậu Giang vì TP Cần Thơ có tập hợp nhưng không đầy đủ.

Đây sẽ buổi họp kín, đầu giờ chiều mai Sở Thông tin - truyền thông TP Cần Thơ sẽ tổ chức họp báo để thông tin người dân biết kết quả buổi làm việc.

* Sắp tới nếu nhà đầu tư tiếp tục bất tuân như vậy nữa thì thế nào, thưa ông?

- Qua thông tin từ Bộ Giao thông vận tải mà hôm qua họ có trao đổi và qua tình hình diễn biến ngày nay thấy rằng nhà đầu tư đã hiểu được vấn đề.

Thứ hai bộ cũng cho biết nhà đầu tư cũng sẵn sàng lắng nghe, cùng trao đổi.

Tôi nghĩ rằng với thiện chí như thế thì sẽ giải quyết được.

Còn nếu như nhà đầu tư tiếp tục như cách đặt vấn đề trên thì thành phố sẽ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ giải quyết như trường hợp Cai Lậy (tạm dừng thu phí - PV).

Việc ách tắc vậy hằng ngày đã gây thiệt hại rất lớn cho thành phố và những địa phương khác nữa.

Một gia đình khốn khổ bởi nạn kẹt xe từ việc phản đối BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp - Ảnh: CHÍ QUỐC

* Ở góc độ cá nhân và nhà quản lý, ông có đề xuất, kiến nghị gì về giải quyết tình hình BOT vốn gây "nóng" ở nhiều địa phương?

- Phải nói nhất quán một điều là chủ trương thực hiện BOT trong lĩnh vực giao thông, trong bối cảnh của đất nước thế này là việc làm đúng đắn.

Điều này không phải là khẩu hiệu mà là tất nhiên vì nhu cầu phát triển kinh tế, nhu cầu đi lại của người dân và doanh nghiệp ngày càng lớn.

Những người tham gia giao thông cũng muốn có đường rộng, đường tốt và nhiều đường để thuận tiện cho việc giao thương.

Do ngân sách nhà nước có hạn, không theo kịp nhu cầu đó, nên chủ trương xã hội hóa bằng hình thức BOT là tất nhiên, đúng đắn.

Nhưng vấn đề đặt ra là phải đạt được các mục tiêu đồng thời, tức là làm sao đối với từng dự án phải mang lại lợi ích kinh tế, xã hội cho người dân và hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, họ có lợi nhuận.

Cho nên một dự án giao thông nào không đạt được những cái này dễ dẫn đến không đồng thuận trong dân, gây ra sự cố.

Vì vậy, Chính phủ mới cho rà soát lại để xem xét toàn cục.

Bản thân tôi thấy rằng việc đó là cần thiết, làm sao cho hài hòa lợi ích xã hội, người dân và nhà đầu tư và phù hợp với khả năng thanh toán của người dân.

Còn biện pháp thì phải ở tầm vĩ mô của Chính phủ và bộ ngành trung ương mới giải quyết toàn cục.

Tất nhiên các chính quyền địa phương cũng có trách nhiệm vận động, tuyên truyền dân để họ thấy chủ trương BOT là đúng, còn cách thực hiện ở khía cạch này khía cạnh kia là chưa hợp lý. Và chính quyền cũng có trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Bức xúc, ảnh hưởng chỉ một nhóm, không phải là tất cả, nhưng làm tất cả bị ảnh hưởng và những người xung quanh bị ảnh hưởng. Đó là điều mà chính quyền địa phương phải tham gia trực tiếp giải quyết khi BOT có sự cố.

* Ông có khuyến cáo gì đối với người dân?

- Sự việc thì mọi người đã biết. Những bức xúc của người dân thì mình cũng đã biết. Tất cả chuyện đó cơ quan có thẩm quyền mới giải quyết được.

Tốt nhất là người dân bình tĩnh, chờ giải quyết. Có làm thêm nữa thì cũng thêm ách tắc giao thông, mất an ninh trật tự, làm phiền người đi đường khác.

Chính vì vậy thành phố chủ động mời các bên liên quan để thúc ép việc này để giải quyết sớm. Thành phố nhận thấy việc bàn thảo đi đến thỏa thuận là không dễ dàng, nên đặt vấn đề cơ quan liên quan phải có mặt "chính chủ", không thể cử người không có trách nhiệm đi thay.

Còn sở dĩ vì sao ngay sau cuộc họp thì thành phố họp báo, chúng tôi thấy rằng đây là cuộc họp mà nhiều người rất quan tâm, những người bức xúc càng quan tâm, họ muốn có thông tin. Thành phố mong muốn cuộc họp sẽ giải quyết luôn chứ không nhùng nhằng trả giá khiến mất thời gian, cả thời gian chờ đợi của người dân.

Cần Thơ cân nhắc đối với các dự án BOT giao thông

* Được biết trước đây thành phố có ý định kêu gọi đầu tư BOT đối với dự án quốc lộ 91 (đoạn từ km0 đến km7) và dự án quốc lộ 91C (tuyến đường mới), sau khi có nhiều vụ "lùm xùm" về các dự án BOT, thành phố còn giữ ý định này không, thưa ông?

- Thành phố đang cân nhắc lại việc có cần thiết sử dụng hình thức đầu tư này không. Chính phủ cũng đã có chủ trương sửa đổi nghị định 15 năm 2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.

Vì vậy theo tôi nghĩ chuyện này phải chờ, không nên nóng vội.

Lúc đầu thành phố thiếu vốn làm thì có nghĩ tới giải pháp làm BOT hai tuyến nêu trên nhưng giờ thấy không ổn.

Hoàng Trí Dũng - Chí Quốc

Tuổi Trẻ

Các tin tức khác

>   Trịnh Xuân Thanh bất ngờ nộp tiền tỷ khắc phục hậu quả (06/01/2018)

>   Chính phủ hối thúc phương án quản lý bitcoin (06/01/2018)

>   Nhà đầu tư nội - ngoại đều sợ nhất rủi ro chính sách (06/01/2018)

>   Siết chặt Uber, Grab… (06/01/2018)

>   Việt - Anh cam kết không gián đoạn quan hệ song phương sau Brexit (06/01/2018)

>   Infographic: Những chính sách chưa từng có về ô tô ở Việt Nam năm 2018 (05/01/2018)

>   Hiện trạng PVN khi ông Trần Sỹ Thanh ngồi ghế chủ tịch (05/01/2018)

>   Phó tướng của tỷ phú Thái tiếp quản doanh nghiệp vừa thâu tóm Sabeco (05/01/2018)

>   Vietnam Airlines sẽ mở đường bay thẳng tới bờ Tây nước Mỹ (05/01/2018)

>   Tổng tài sản EVN năm 2017 vượt 700.000 tỷ, lớn thứ hai Việt Nam (05/01/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật