H&M đóng toàn bộ cửa hiệu tại Nam Phi vì một lỗi quảng cáo
Bức ảnh quảng cáo bị cho là phân biệt chủng tộc đã gây nên một làn sóng phản ứng gay gắt...
Bức ảnh xuất hiện trên trang web bán hàng trực tuyến tại Anh của H&M ngay lập tức bị vấp phải cáo buộc phân biệt chủng tộc từ người tiêu dùng tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Nam Phi.
|
Hãng thời trang Thụy Điển H&M đã phải đóng cửa tất cả các cửa hiệu ở Nam Phi từ hôm thứ Bảy vừa rồi, do làn sóng biểu tình phản đối nhằm vào một bức ảnh quảng cáo bị cho là phân biệt chủng tộc của hãng này.
Hãng tin CNN cho biết người tiêu dùng Nam Phi đã nổi giận sau khi H&M tung một quảng cáo trong đó có một cậu bé da màu mặc một chiếc áo nỉ chui đầu có in trước ngực dòng chữ "coolest monkey in the jungle" (tạm dịch: "chú khỉ ngầu nhất rừng xanh").
Bức ảnh xuất hiện trên trang web bán hàng trực tuyến tại Anh của H&M ngay lập tức bị vấp phải cáo buộc phân biệt chủng tộc từ người tiêu dùng tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Nam Phi.
Trên mạng xã hội ở Nam Phi tuần vừa rồi xuất hiện nhiều bức ảnh và đoạn video ghi lại cảnh được cho là các cuộc biểu tình nhằm vào các cửa hiệu H&M. Trong đó, quần áo tại các cửa hiệu này bị ném bừa bãi dưới mặt đất.
Trong một tuyên bố, H&M cho biết hãng "được biết về những sự kiện gần đây xảy ra tại nhiều cửa hiệu của chúng tôi ở Nam Phi" và đã đóng cửa tạm thời toàn bộ các cửa hiệu ở nước này.
Theo thông tin trên website, H&M có tổng cộng 17 cửa hiệu ở Nam Phi.
"Không ai trong số nhân viên hay khách hàng của chúng tôi bị thương", H&M cho biết. "Chúng tôi tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình và sẽ mở cửa các cửa hiệu sớm nhất có thể khi tình hình an toàn trở lại".
Tuy đã được H&M nhanh tay gỡ bỏ, bức ảnh quảng cáo nhạy cảm đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội và gây nên một làn sóng phản ứng gay gắt.
Hai nhạc sỹ nổi tiếng là The Weeknd và G-Eazy đã cắt mối quan hệ hợp tác với H&M nhằm đáp trả bức ảnh quảng cáo này.
Một cửa hiệu H&M ở Nam Phi được cho là đã bị người biểu tình tấn công - Ảnh: Getty/CNN.
|
Hôm thứ Hai tuần trước, H&M ra tuyên bố: "Chúng tôi xin lỗi bất kỳ ai có thể cảm thấy bị xúc phạm". Nhưng tuyên bố này dường như chưa đủ để xoa dịu dư luận.
Hôm thứ Ba, H&M tiếp tục cho hay sẽ "điều tra xem vì sao chuyện này lại xảy ra để tránh lặp lại sai lầm trong tương lai".
Trong một tuyên bố khác vào thứ Bảy, H&M viết: "Chúng tôi rất tin tưởng rằng phân biệt chủng tộc và thiên kiến dưới bất kỳ dạng nào, có chủ đích hay vô tình, đều là điều không thể chấp nhận. Chúng tôi nhấn mạnh rằng các nhân viên tuyệt vời tại các cửa hiệu của chúng tôi không liên quan gì đến sản phẩm và hình ảnh bị đánh giá xấu của chúng tôi".
"Các chiến binh tự do kinh tế" (EFF), một chính đảng đối lập của Nam Phi, đã chia sẻ lại trên mạng xã hội Twitter một đoạn video cho thấy người biểu tình hát vang khi diễu hành qua các cửa hiệu H&M.
Thủ lĩnh đảng này là Julius Sello Malema cũng chia sẻ trên Twitter những hình ảnh về cuộc biều tình và tố H&M phân biệt chủng tộc.
Đây không phải lần đầu tiên một doanh nghiệp lớn gặp sự cố vì quảng cáo nhạy cảm. Năm ngoái, hãng xe Audi cũng từng "điêu đứng" tại thị trường Trung Quốc vì một quảng cáo bị cho là xem thường phụ nữ.
Thăng Điệp
vneconomy
|