Doanh nghiệp tư nhân vẫn bước thăm dò
Nếu 2016 là năm doanh nghiệp “ứng trước” niềm tin kinh doanh với Chính phủ mới, thì năm 2017 là năm niềm tin trở lại. Nhưng giới doanh nghiệp vẫn cần một môi trường kinh doanh thực sự an toàn để hiện thực hóa các cơ hội kinh doanh.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) dường như không có ngày nghỉ sau khi hoàn tất vai trò Chủ tịch CEO Summit 2017 một cách ấn tượng.
Mọi việc sẽ không còn là thách thức nếu doanh nghiệp Việt Nam đầu tư mở rộng quy mô, đầu tư con người và công nghệ quản trị
|
Niềm tin trở lại
Lý giải về lịch làm việc kín đặc của mình vào dịp cuối năm, ông Lộc bảo: “Trong thời gian tổ chức APEC CEO Summit 2017 tại Đà Nẵng, nhiều CEO đã hẹn sẽ liên lạc với tôi trao đổi về cơ hội đầu tư - kinh doanh tại Việt Nam và họ đã trở lại để tìm hiểu về Việt Nam đúng như họ đã hứa”.
Thực ra, sự bận rộn của người nhận vai trò Chủ tịch CEO Summit 2017 đã được nhìn thấy ngay trong các cuộc làm việc chính thức và bên lề của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 vào tháng 11/2017 tại Đà Nẵng. Nhất là khi nhìn vào khán phòng khoảng 3.000 chỗ được lấp kín suốt thời gian Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam (VBS) 2017, diễn ra trước APEC CEO Summit 2017 đúng 1 ngày để nghe và đối thoại với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Ông Võ Trí Thành, Chủ tịch ủy ban Quốc gia Việt Nam về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC) là người điều phối của phiên thảo luận về môi trường kinh doanh tại VBS 2017. Ông cũng là người đặt câu hỏi “Tại sao Việt Nam” cho các CEO và các tổ chức quốc tế khi nhận được kết quả khảo sát Top 10 địa điểm thu hút đầu tư do công ty kiểm toán PWC thực hiện với các lãnh đạo doanh nghiệp APEC năm 2017.
“Tôi hỏi tại sao Việt Nam lại được chọn là địa điểm đứng đầu Top 10. “Họ đã nói Việt Nam là đất nước trẻ, đầy sức sống. Là Việt Nam, vì đây là môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng cải thiện. Là Việt Nam bởi vì chơi với Việt Nam là kết nối với thế giới’, ông Thành chia sẻ thông tin.
Đặc biệt, ông Thành phấn khích với câu trả lời của một CEO rằng, họ chọn Việt Nam vì Việt Nam vẫn tiếp tục, sẽ tiếp tục và không ai có thể cản nổi con đường cải cách, phát triển của Việt Nam.
“Các CEO có mặt tại Tuần lễ cấp cao APEC 2017 đều nhìn thấy tiềm năng của Việt Nam, những vấn đề Việt Nam phải đối mặt, có nhiều vấn đề Việt Nam cần phải làm tiếp tục, trong đó có cải cách thể chế, chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng, nhưng họ nhìn thấy Việt Nam đang muốn chứng minh là một đối tác tin cậy, biết chia sẻ lợi ích và một đối tác ngày càng biết làm ăn kinh doanh”, ông Thành nói.
Dấu ấn doanh nghiệp tư nhân lớn
Lần đầu tiên sau 10 năm tiến hành xếp hạng, Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2017 đã có được sự vượt trội của khu vực doanh nghiệp tư nhân so với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI. Năm 2007, năm đầu tiên công bố Bảng xếp hạng VNR 500, khi đó doanh nghiệp tư nhân chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 20% trong toàn bảng thì đến nay, sau hơn 10 năm, khối doanh nghiệp tư nhân đã chiếm khoảng 50% số doanh nghiệp trong bảng xếp hạng.
“Môi trường kinh doanh thúc đẩy khu vực tư nhân và tiến độ cổ phần hóa được quan tâm là lý do của sự tăng trưởng về số lượng và tăng tỷ trọng doanh thu của khối doanh nghiệp tư nhân tại VNR 500 năm 2017”, ông Phùng Hoàng Cơ, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Việt Nam Report) phân tích khi công bố Bảng xếp hạng VNR 500 năm 2017.
Chính các doanh nghiệp cũng nhìn nhận sự cải thiện môi trường kinh doanh khá thẳng thắn. Đó là 50% doanh nghiệp trong VNR 500 năm 2017 đã lựa chọn từ tốt cho đến rất tốt đối với các vấn đề thủ tục pháp lý, khả năng tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai và cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, các CEO tham gia khảo sát nhắc nhiều đến mức thăng hạng 14 bậc của Chỉ số môi trường kinh doanh Việt Nam trong Báo cáo Doing Business năm 2018 do Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện, nhờ sự cải thiện về thủ tục thuế, bảo hiểm, tiếp cận điện năng, tiếp cận vốn, cấp phép xây dựng…
Nếu nhìn vào những tuyên bố gần đây của các bộ, ngành trong cắt giảm điều kiện kinh doanh, môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2018 còn có thể ghi thêm nhiều điểm ngoạn mục. Đó là Bộ Công Thương cam kết sẽ đề xuất Chính phủ cắt giảm, đơn giản hóa 675 điều kiện kinh doanh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyên bố đang lên danh sách bãi bỏ, sửa đổi khoảng 34% điều kiện kinh doanh. Bộ Y tế cũng gửi thông tin sẽ cắt giảm 14% tổng số điều kiện đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do bộ này quản lý… Đặc biệt, Bộ Xây dựng không chỉ đề xuất cắt giảm 40% điều kiện kinh doanh mà còn đề xuất đưa một loạt ngành khỏi danh mục các ngành nghề đầu tư - kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật Đầu tư…
“Khi các bộ, ngành thực hiện đúng cam kết là cắt giảm từ 30-50% điều kiện kinh doanh thì cơ hội để khu vực doanh nghiệp tư nhân bứt phá là rất rõ nét, vì doanh nghiệp biết chắc con đường đầu tư hanh thông, họ sẽ đổ tiền để làm dài hạn, đổ tiền đầu tư công nghệ để làm lớn, sáng tạo, tận dụng cơ hội kinh doanh…”, ông Vũ Tiến Lộc nói.
Nhưng, thực tế là thủ tục hành chính và các vấn đề về thuế vẫn là mối bận tâm của nhiều doanh nghiệp trong giai đoạn này. Hơn 50% doanh nghiệp đánh giá thủ tục hành chính tại Việt Nam ở mức trung bình và gần 5% doanh nghiệp đánh giá mảng này ở mức kém.
Khoảng cách không vô hình
Tuy nhiên, phải nói luôn, Top 10 VNR 500 năm 2017 vẫn là của tập đoàn kinh tế nhà nước và doanh nghiệp FDI. Tính về doanh thu thì khu vực kinh tế nhà nước vẫn là khu vực đem đến tổng doanh thu lớn nhất trong 3 khu vực kinh tế, cho dù năm nay đã xuống còn 52% so với con số 59% trong năm 2016, đồng thời đóng góp của khu vực tư nhân nâng lên từ 27% trong năm 2016 lên 32,3% trong năm 2017. Nếu so với các đồng nghiệp trong khu vực, quy mô của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam còn rất bé.
Tập đoàn VinaCapital đã có nghiên cứu thống kê giá trị vốn hóa bình quân của một doanh nghiệp trong Top 30 doanh nghiệp lớn nhất thị trường chứng khoán. Theo đó, Singapre con số này là 15 tỷ USD; Indonesia là 11 tỷ USD; Thái Lan là trên 10 tỷ USD và Việt Nam là hơn 3 tỷ USD.
“Với mối tương quan này thì một doanh nghiệp thuộc Top 30 của thị trường chứng khoán Singapore nếu muốn có thể đủ khả năng mua 1 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam bằng cách tích lũy lợi nhuận trong 3 năm liên tiếp. Với quy mô vốn như hiện tại, doanh nghiệp Việt Nam khó có khả năng đầu tư chuyển lượng thành chất”, bà Đặng Phạm Minh Loan, Phó giám đốc điều hành phụ trách lĩnh vực đầu tư cổ phần tư nhân của Tập đoàn VinaCapital.
Thực tế này đang kéo theo mối lo bị thâu tóm của các doanh nghiệp Việt Nam trước sức mạnh về quy mô và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp ngoại. Ngay cả thương vụ thoái vốn được coi là vô cùng thành công, thu về cho ngân sách 5 tỷ USD của Sabeco cũng đối mặt với không ít phân vân khi quyền chi phối doanh nghiệp này đã chuyển từ Bộ Công Thương sang Công ty TNHH Vietnam Beverage - doanh nghệp có sự liên quan mật thiết với tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi. Thậm chí, bà Vũ Minh Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao, còn trăn trở: “Sabeco đang chiếm tới 41% thị phần bia ở Việt Nam. Ai làm ăn cũng biết, dù thị trường nào cũng hiếm có doanh nghiệp hàng tiêu dùng nào mạnh vậy, sao đành bán?”
Mấu chốt thực ra nằm chính ở năng lực điều hành, quản trị doanh nghiệp quy mô lớn của doanh nghiệp Việt Nam đang thực sự có vấn đề. Bản thân bà Hạnh cũng hiểu rằng, muốn phát triển Sabeco, có thể sẽ cần tới phương án thuê CEO với giá vài triệu USD để điều hành. Bài toán mà Sabeco và nhiều doanh nghiệp quy mô lớn của Việt Nam đang vướng phải là nhân sự quản lý và nguồn vốn đầu tư.
VinaCapital nhìn thấy rất rõ điều này. Bà Loan cho biết, khi tìm hiểu đầu tư vào các doanh nghiệp Việt, thấy ít doanh nghiệp có đội ngũ lãnh đạo đủ năng lực phát triển thị trường, đưa tầm nhìn và kế hoạch phát triển thành doanh nghiệp đa quốc gia. Thậm chí, chỉ khoảng 14% doanh nghiệp trong nước có giao thương với doanh nghiệp FDI…
“Mọi việc sẽ không còn là thách thức nếu doanh nghiệp Việt Nam đầu tư mở rộng quy mô, đầu tư con người và công nghệ quản trị”, bà Loan cho biết.
Ở đây, mọi việc quay trở lại những yêu cầu rất nền tảng mà chính ông Lộc đã nhắc tới. Đó là doanh nghiệp tư nhân vẫn cần môi trường kinh doanh không rào cản, ít rủi ro, không chi phí dưới gầm bàn…
“Chỉ khi nào các doanh nghiệp thực sự an tâm với các khoản đầu tư thì họ sẽ tìm cách cải thiện năng lực cạnh tranh, tìm kiếm nguồn nhân lực để lớn lên. Doanh nghiệp vẫn đang cần Chính phủ hành động quyết liệt hơn vì sự thuận lợi trong kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư, để họ không còn phải bước thăm dò”, ông Lộc nói.
Minh Anh
DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP
|