Thứ Hai, 15/01/2018 16:07

Dòng di cư từ nông thôn đổ về, đô thị lớn gánh áp lực quá tải

Các đô thị lớn, sôi động vốn được xem là "miền đất hứa" cho người dân ở các vùng quê nghèo muốn "thoát ly" lập nghiệp, đổi đời. Tuy nhiên, dòng di cư này đang ngày càng khiến các đô thị trở nên quá tải và gánh nhiều áp lực.

Chị Ngô Thị Hoa, quê tại huyện Nga Sơn, Thanh Hóa (trái), vận chuyển hàng tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội) kiếm mỗi ngày khoảng 150.000 đồng. Đây là nguồn thu nhập chính của chị và gia đình - Ảnh: NG.KHÁNH

Đã đến lúc phải thay đổi chiến lược phát triển dành cho "điểm đến" là các đô thị lớn và cả những "điểm đi" vốn là những vùng quê nghèo khó...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Hồng Thục - viện trưởng Viện nghiên cứu định cư, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam - nhận định:

- Bức tranh đô thị Việt Nam hiện nay - nhất là ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM - đang gợi lên một nỗi buồn lớn rằng đô thị của chúng ta sau các cuộc quy hoạch lớn, bài bản để đáp ứng nhu cầu dân cư và nền kinh tế lại phát triển lộn xộn, manh mún và phân mảnh.

PGS.TS Nguyễn Hồng Thục

Phần lớn là lao động chân tay

* Có người ví von TP.HCM hiện giờ "không đủ đất lành cho chim đậu" vì chính thành phố này cũng đang phải gồng mình gánh áp lực quá tải của dân cư đông đúc - trong đó có phần không nhỏ từ dòng di cư ngày một mạnh mẽ từ nông thôn đổ ra thành phố. Bức tranh này liệu có thay đổi trong tương lai, thưa bà?

- Bình quân mỗi năm TP.HCM tăng thêm khoảng 200.000 dân có đăng ký chính thức (từ năm 2012-2016 tăng 850.000 dân), trong đó 2/3 là dân nhập cư từ nơi khác đến.

Dự báo đến năm 2025 dân số sẽ lên hơn 10 triệu dân (không kể khách vãng lai) và 20 năm sau đó có thể lên đến 15 triệu dân.

Điều tra di dân tự do tìm việc làm vào TP.HCM (Viện Kontrart) cho thấy đa số người nhập cư tìm được việc làm sau khi vào thành phố tháng đầu hoặc đã có việc từ khi ở nhà. Nhưng học vấn của những lao động này rất thấp, chưa qua đào tạo nghề (học vấn cấp tiểu học, THCS và THPT tương ứng tỉ lệ có việc làm là 70%, 60% và 58%).

Như vậy, họ nhập cư vào thành phố để làm những công việc lao động chân tay, giản đơn và nhu cầu lao động loại này của thành phố cũng rất lớn.

Ngoài ra, số lượng người vãng lai và lao động thời vụ ở TP.HCM cũng không nhỏ, dao động từ 1-2 triệu người.

Tất cả đã dẫn đến quá tải hạ tầng, nhà ở, trường học, bệnh viện, xuất hiện nhà ổ chuột, lấn chiếm, không phép và tệ nạn rất nan giải.

Bốn anh gồm Tấn Lợi, Lê Văn Cẩn, Ngô Văn Diến, Trần Văn Chiến, cùng quê Cà Mau lên TP.HCM làm công nhân tại các công trình xây dựng tại Thủ Thiêm, quận 2. Họ sống trong các lều trại dành cho công nhân gần công trình. Trong ảnh: 4 anh ăn cơm trưa tại khu lều trại sau khi đi làm về - Ảnh: QUANG ĐỊNH

* Nhưng cũng có chuyên gia khẳng định di cư thực ra là động lực phát triển của đô thị. Vậy lý do nào khiến yếu tố vốn là động lực phát triển của đô thị lại đang trở thành sức ép "uy hiếp" các đô thị lớn của Việt Nam - nhất là TP.HCM?

- Một thành phố có rất nhiều chức năng để đáp ứng nhu cầu từ thấp đến cao rất đa dạng của dân cư và do đó cần lượng lao động tương ứng từ thấp đến cao.

Cuộc đại cách mạng công nghiệp ở Anh trong thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 cũng kéo dòng di dân vào thành phố và họ đóng góp hơn 40% GDP lúc đó.

Nhưng chính quyền có các kế hoạch ráo riết để ổn định được đời sống cho di dân và xây nhiều không gian công cộng, công ích và nhà ở rất bài bản để cho dân cư có mức sống tương đối công bằng, thu nhập không quá khác biệt, chưa kể các chính sách đưa họ hòa nhập vào cuộc sống.

Nhưng Việt Nam rất khác, không có chính sách cho họ có thể định cư bền vững ở thành phố mà dường như để họ tự lo, tự xoay xở. Vì vậy, chắc chắn họ sẽ trở thành gánh nặng cho thành phố.

Chính quyền phải nhìn nhận vấn đề này một cách toàn diện hơn: coi họ như nguồn lực cùng chung tay phát triển thành phố, đồng thời cần kiểm soát ngưỡng di dân tự do dẫn đến quá tải thành phố bằng chính sách phát triển chủ động cho vùng ngoại vi, nông thôn và các thành phố nhỏ và vừa.

Định hướng lại chính sách đô thị hóa

* Một số kết quả điều tra xã hội học chỉ ra: nguyên nhân chính thúc đẩy di cư chủ yếu do nhu cầu việc làm với hi vọng nguồn thu nhập tốt hơn hiện tại. Với điều kiện kinh tế - xã hội hiện tại, có cách nào giữ chân người dân nghèo không tìm mọi cách vươn ra thành phố, yên tâm định cư ở nơi mình đang sống?

- Vì nguồn lực và dòng tiền đầu tư từ Nhà nước và xã hội chủ yếu đổ vào thành phố lớn, kéo theo là tăng việc làm, tiện ích đô thị và cơ hội thăng tiến, làm giàu rất lớn.

Nhìn vào sự mất cân đối về nguồn lực đầu tư cho nông thôn, vùng ven và các thành phố nhỏ sẽ nhìn thấy dòng di dân theo chiều của dòng tiền đó. "Nồi cơm" đô thị ở đâu lớn thì dòng di dân sẽ đi theo nó.

Nếu không điều chỉnh chiến lược cho các thành phố nhỏ và vừa có cơ hội phát triển về việc làm, dịch vụ và tiện ích đô thị thì tình trạng di dân tự do khó có thể kiểm soát.

Một gia đình quê huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp lên TP.HCM làm thuê hơn 10 năm nay. Trong ảnh: gia đình ăn cơm trưa trong các lều trại công nhân để chuẩn bị đi làm buổi chiều trong các công trình ở Thủ Thiêm, quận 2 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

* Ở góc nhìn tổng quan, đâu là giải pháp căn cơ để các đô thị lớn như TP.HCM thoát khỏi tình trạng phát triển bối rối của một đô thị vừa manh mún, lại vừa quá tải?

- Trên thế giới, đô thị vệ tinh ra đời sau khi thành phố mẹ phát triển đến mức tới hạn và trở nên bế tắc, khó phát triển thêm được nữa.

Thành phố vệ tinh về bản chất trông chờ vào sự phân công chức năng và việc làm của thành phố mẹ đã trưởng thành để có thể nuôi sống bản thân nó.

Ông Nguyễn Thành Mai quê ở Bến Tre và Cô Dưỡng quê ở Quảng Ngãi đang phân loại ve chai tại một cơ sở ve chai ở quận Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: XUÂN HƯNG

Tuy nhiên ở Việt Nam, cùng một lúc chúng ta vừa mở rộng thành phố mẹ, vừa phát triển đô thị vệ tinh, vừa liên kết vùng đô thị. Các nhiệm vụ này đặt ra cùng lúc đã trở thành gánh nặng cho khai thác nguồn lực phát triển.

Đã đến lúc cả TP.HCM và Hà Nội cần những chiến lược phát triển quyết liệt để hoàn thiện chính bản thân mình: giãn dân ra ngoại vi, tăng cường hạ tầng và giao thông công cộng, xác định rõ các nền kinh tế chủ đạo và nhường bớt các chức năng cho các thành phố lân cận.

Đừng chỉ hoạch định Hà Nội và TP.HCM là các thành phố mẹ, gánh vác trách nhiệm cho các thành phố lân cận và trong vùng.

Anh Nguyễn Bá Quang quê ở Huế , hiện đang bán chăn gối đệm ở đường Thoại Ngọc Hầu, Quận Tân Phú, TP.HCM - Ảnh: XUÂN HƯNG

Các đô thị trung tâm mật độ cao cần được phát triển song hành với các đô thị nhỏ và vừa tại chỗ. Chúng gắn kết với nhau theo hành lang giao thông và liên kết kinh tế.

Đường lối đô thị hóa hiện nay cần được đánh giá lại về định hướng phát triển. Chính sách đô thị hóa là để tạo điều kiện cho việc tự thân phát triển, chứ không thể dựa vào mệnh lệnh duy ý chí.

Chỉ khi các đô thị có vai trò độc lập và tự chủ cùng phát triển thì mới có sự liên kết vùng (liên kết về hạ tầng kỹ thuật, việc làm, kinh tế), khi đó người dân có thể vẫn ở tại chỗ, dân cư không cần đổ dồn về thành phố mẹ như hiện nay.

Đồ họa: Vũ Hoàng

Chuyên gia Lê Văn Thành (Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM):

Thu hút chất xám thay vì lao động phổ thông

Sau mỗi đợt thiên tai, người lao động từ các vùng có thiên tai đổ về các thành phố lớn để mưu sinh nhưng một thời gian ngắn sau họ lại hồi hương, số người ở lại lâu dài không nhiều.

Ở những nước khác, họ tránh thiên tai (để tránh vấn đề di dân) bằng cách chuyển đổi cơ cấu kinh tế của những vùng hay xảy ra thiên tai, họ phát triển những ngành kinh tế khác chứ không làm nông nghiệp để không bị phụ thuộc vào "ông trời".

Điều đáng lưu ý tại các TP lớn của nước ta là di dân do vấn đề việc làm.

Đây là quy luật tự nhiên, không tránh khỏi. Muốn tránh di dân do việc làm thì phải thực hiện nhiều biện pháp, trong đó có hai vấn đề lớn là đầu tư cơ sở hạ tầng toàn diện cho các tỉnh và tính toán lại cơ cấu kinh tế của các vùng.

Vấn đề này cần một nhạc trưởng đứng trên các tỉnh, thành để điều phối cho hài hòa, phù hợp.

Đối với các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng... nên hạn chế phát triển các ngành nghề thu hút nhiều lao động phổ thông, ít đầu tư chất xám và giá trị gia tăng không cao.

Khi phát triển những ngành công nghệ cao, cần nhiều chất xám thì thu hút được nhân lực trình độ cao với số lượng không nhiều như lao động phổ thông.

Như vậy mức độ tăng dân số cơ học sẽ vừa phải, hạ tầng cơ sở và hạ tầng xã hội của các TP không bị quá tải và hạn chế được nhiều vấn đề xã hội kèm theo.

Và để các doanh nghiệp trụ được tại các tỉnh để thu hút lao động thì Nhà nước cần chú ý đầu tư hạ tầng hoàn thiện như đường sá, bến cảng, nhà ga cả trong các khu kinh tế, khu công nghiệp và bên ngoài; đồng thời, phát triển tại chỗ hạ tầng xã hội phục vụ người dân như bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại... và các tiện nghi khác để người dân không phải đổ về các TP lớn.

TS Võ Hùng Dũng (nguyên giám đốc VCCI chi nhánh TP Cần Thơ):

Phát triển kinh tế tại chỗ để kéo lao động trở lại

Chuyện người dân đi lại, trao đổi lao động giữa các địa phương là bình thường.

Nhưng ở đây người dân miền Tây đã di cư (đến TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ) diễn ra trong hơn 12 năm qua thì không còn là quy luật bình thường nữa.

Điều đáng lo nhất chính là tình trạng di dân kéo dài đến một lúc nào đó các tỉnh ĐBSCL khi có dự án sử dụng nhiều lao động thì... không thu hút được.

Muốn giữ lao động và kéo lao động trở về ĐBSCL thì các địa phương ở đây phải phát triển kinh tế, nhưng vấn đề đặt ra là phát triển cái gì.

Những ngành sử dụng lao động trước đây trong nông nghiệp, thủy sản đã đi tới giới hạn, khó phát triển được nữa.

Vì vậy, còn lại là phát triển những ngành thông dụng, sử dụng nhiều lao động, có khả năng lớn ở ĐBSCL như may mặc, giày dép, đồ gỗ.

Riêng TP Cần Thơ phải đóng vai trò trung tâm logistics, nhằm giải quyết chuyện vận chuyển hàng hóa tại chỗ mà không phải lên TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Lúc đó các doanh nghiệp mới dám về Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau đầu tư các ngành sử dụng nhiều lao động. Những giải pháp này không chỉ ở góc độ địa phương mà cần sự hỗ trợ của Chính phủ.


NGỌC HÀ - CHÍ QUỐC

Tuổi trẻ

Các tin tức khác

>   Lo vỡ quy hoạch nếu làm nhà siêu nhỏ (15/01/2018)

>   Cái giá của việc xóa sổ (15/01/2018)

>   Bí mật sau vỉa hè quận 1: Chân dung các "ông chủ"! (12/01/2018)

>   TPHCM duyệt đầu tư hàng loạt dự án văn hóa thể dục thể thao (12/01/2018)

>   EIB sẽ cho vay 143 triệu euro làm đường sắt đô thị Hà Nội (10/01/2018)

>   Hà Nội có đoạn đường 'đắt nhất hành tinh' mới (10/01/2018)

>   TPHCM: Kiểm tra khu đất thực hiện dự án vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy (09/01/2018)

>   Ông Đoàn Ngọc Hải từ chức, TP.HCM giải quyết theo quy trình (08/01/2018)

>   'Trách nhiệm của tiền 100 đồng không phải ủng hộ những việc như BOT' (08/01/2018)

>   Ông Đoàn Ngọc Hải bất ngờ nộp đơn xin từ chức (08/01/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật