Cổ phiếu nào đi ngược xu hướng lên ngôi của ngành bất động sản năm 2017?
Năm 2017, bất chấp ngành bất động sản lên ngôi, nhiều cổ phiếu trong ngành vẫn đi ngược dòng.
Đà tăng trưởng tích cực của thị trường chứng khoán trong năm 2017 được góp phần bởi sự đi lên của 17 ngành, trong đó nhóm bất động sản chính thức dẫn đầu với mức tăng xấp xỉ 70%; ngược dòng thị trường chỉ có 4 chỉ số (Index) ngành sụt giảm.
Năm 2017 có thể nói là năm thứ 4 liên tiếp ngành bất động sản ghi nhận sự tăng trưởng kể từ 2014. Nếu như trong năm 2016, dù thị trường lúc đó đã hồi phục rõ ràng nhưng chỉ số ngành này vẫn giảm 9% thì trong năm 2017, cục diện đã thay đổi toàn bộ, những yếu tố tích cực dường như tích lũy và bùng phát giúp ngành này dẫn đầu đà tăng toàn thị trường.
Theo thống kê dữ liệu của Vietstock, có 46 cổ phiếu bất động sản tăng trưởng trong năm 2017, trong đó có 8 mã tăng trưởng trên 100%, dẫn đầu chính là KAC.
Từ mức 4,280 đồng/cp hồi đầu năm, đến cuối năm KAC tăng vọt gần 400% lên 21,250 đồng/cp, song khối lượng giao dịch bình quân trong 1 năm qua lại chưa đến 3,000 cp/phiên. Cổ phiếu KAC dường như trên đà tăng liên tục bất chấp kết quả kinh doanh 3 quý đầu năm đều thua lỗ, thậm chí Công ty còn chậm trả cổ tức năm 2016.
Sau KAC là QCG với mức tăng trưởng 335% nhờ vào thông tin chuyển nhượng dự án Phước Kiển. DTA sau một thời gian dài tưởng như bị lãng quên bỗng dưng nổi sóng từ giữa năm 2017 trước thông tin liên quan đến dự án sân bay Long Thành, với kết quả tăng gần 290% trong năm 2017.
Bên cạnh đó, vẫn phải ghi nhận sự đóng góp lớn lao từ nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và lớn trong ngành để giúp chỉ số chung bay cao như PDR tăng 196%, VIC tăng 86%, TDH tăng 83%, NLG tăng 51% hay VRE tăng 16%...
Mặc dù vậy, toàn ngành chung vẫn còn 11 cổ phiếu giảm giá, dẫn đầu là HTT với mức giảm gần 70%, VC3 và DRH giảm 30%, KHA giảm 27%, ITA giảm 17%...
Nhóm chứng chỉ quỹ cũng khép lại một năm giao dịch ấn tượng khi tăng gần 54%, với E1VFVN30, FUCTVGF1 và FUESSV50 đều tăng tốt.
Đứng thứ ba và thứ tư về tỷ lệ tăng trong năm qua còn có ngành ngân hàng và tiện ích với tỷ lệ tăng lần lượt 48% và 45%.
Diễn biến chỉ số ngành năm 2017
Ngành công nghệ thông tin vẫn trượt dài dù bùng nổ cách mạng công nghiệp 4.0
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hay còn gọi là cuộc cách mạng số đã diễn ra từ nhiều năm nay nhưng cho đến 2017 mới thực sự bùng nổ trên mọi phương diện. Mặc dù làn sóng dâng cao là vậy nhưng thật đáng buồn khi nhóm chỉ số ngành công nghệ thông tin trên thị trường chứng khoán lại là nhóm sụt giảm mạnh nhất với tỷ lệ gần 29%.
Giảm mạnh nhất trong nhóm ngành này là cổ phiếu DST từ mức giá gần 32,000 đồng/cp mở cửa năm 2017 xuống còn 7,000 đồng/cp (giá đã điều chỉnh cuối 2017), tương ứng giảm 80%. Cổ phiếu ELC giảm 40%, còn 13,700 đồng/cp, ONE giảm gần 30%, STC và CMT xấp xỉ 20%... Ở chiều ngược lại thì KST và VIE tăng lần lượt 265% và 140% nhưng vẫn không đủ để giúp chỉ số ngành này tạo nên kỳ tích trong năm nay.
Ngoài ra, còn 3 chỉ số ngành giảm điểm nữa trong năm 2017, đó là ngành sản phẩm cao su, sản xuất nhựa và hóa chất cùng ngành vật liệu xây dựng. Trong đó ngành sản phẩm cao su giảm mạnh nhất với mức 24%, nguyên nhân là 3 trong 4 cổ phiếu thuộc ngành này đều đi xuống trước đà hồi phục của giá cao su thế giới làm tăng nhiên liệu đầu vào, ảnh hưởng đến biên lãi gộp của doanh nghiệp.
Theo đó, SRC giảm mạnh nhất gần 22%, DRC 17% và CSM dù đã hồi phục mạnh giai đoạn cuối năm nhưng tính chung cả năm vẫn giảm 16%. Cổ phiếu ngược dòng duy nhất là BRC nhưng mức tăng chưa đến 1%.
Thiên Mục
FiLi
|