Thứ Năm, 04/01/2018 13:03

Những kỷ lục 10 năm trên thị trường chứng khoán Việt

Năm 2017 được cho là một năm có sức mạnh kỳ lạ đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Kỳ lạ ở chỗ nó khiến cả những người trong và ngoài cuộc chơi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, sự tăng trưởng của thị trường “nằm ngoài dự báo” của bất cứ chuyên gia nào và theo nhận định của trưởng bộ phận phân tích kỹ thuật một công ty chứng khoán cũng vượt ra ngoài cả những chỉ báo phân tích kỹ thuật.

Không có tính mùa vụ như mọi năm và đầy rẫy những bất ngờ, thị trường chứng khoán năm 2017 đã ghi nhận những kỷ lục mới - những kỷ lục được gầy dựng sau một hành trình dài hậu khủng hoảng từ năm 2008 đến nay.

Thị trường khép lại năm 2017 thành công ngoài mong đợi, VN-Index vượt đỉnh 10 năm

VN-Index cuối năm 2007 dừng tại 927 điểm, trước khi chìm vào một năm 2008 khủng khiếp. Hành trình hàn gắn vết thương khủng hoảng tài chính đã gần bước sang năm thứ 10 và kết phiên giao dịch 20/11/2017, thị trường chứng khoán (TTCK) ghi nhận một mốc mới khi VN-Index bứt phá khỏi ngưỡng 900 điểm. “Quá mạnh”, “thăng hoa” hay “nằm ngoài dự báo” là những cụm từ được nhiều nhà đầu tư, nhà phân tích, các chuyên gia và cả những thành viên thị trường miêu tả về “cơn sốt” chứng khoán thời gian này.

Đầu tiên, sự tăng mạnh của 2 cổ phiếu ROSSAB đã đẩy chỉ số VN-Index vượt ngưỡng 800 điểm trong tuần đầu tháng 9/2017. Tiếp sau đó, phiên đấu giá thành công cổ phiếu Vinamilk (VNM) hôm 10/11 là một trong những lực đẩy chính đưa VN-Index chinh phục ngưỡng 850 điểm. Cuối cùng, sự xuất hiện của bộ đôi VICVRE đã trở thành đầu kéo tạo đà cho VN-Index bứt phá khỏi ngưỡng 900 điểm.

Mặc dù thị trường trải qua những nhịp biến động mạnh từ đầu tháng 12, nhưng nhiều chuyên gia của các công ty chứng khoán cho rằng đây chỉ là việc điều chỉnh mang tính chất kỹ thuật, cân bằng lại sau một nhịp tăng trưởng dài hơi; vì các yếu tố tích cực từ vĩ mô, doanh nghiệp và bản thân các công ty chứng khoán vẫn đang hỗ trợ tốt cho thị trường.

Những phiên giao dịch cuối năm, sự trỗi dậy của nhóm cổ phiếu chứng khoán và giao dịch tích cực từ nhóm ngân hàng đã trở thành đầu tàu giúp VN-Index liên tục phá đỉnh. Khép lại năm 2017 thành công ngoài mong đợi, VN-Index đóng cửa với mức tăng vững vàng, dừng tại 984.24 điểm - mốc đỉnh trong 10 năm trở lại đây. Phiên giao dịch cuối năm cũng là phiên VN-Index đạt được mức cao nhất trong năm 2017, tại 990.1 điểm.

Diễn biến VN-Index trong vòng 10 năm qua

 

Nguồn: VNDirect

Trong bản tin nhận định công bố ngày cuối năm, CTCK Rồng Việt (VDSC) cho rằng mặc dù thị trường chưa thể chạm đến mốc 1,000 điểm ngay trong năm 2017 như nhiều người kỳ vọng nhưng kết quả kinh doanh khả quan và sự bứt phá của cổ phiếu nhóm ngân hàng và công ty chứng khoán cũng như làn sóng IPO tháng 1 năm sau của PV Oil, PV Power, Lọc hóa dầu Bình Sơn là những tín hiệu tích cực cho tăng trưởng của thị trường trong năm 2018. Xen kẽ vẫn có thể có những đợt điều chỉnh cho đến khi kết quả kinh doanh sơ bộ cả năm 2017 của các doanh nghiệp được công bố.

Trong Báo cáo triển vọng kinh tế 2018 mới công bố, CTCK Vietcombank (VCBS) cũng dự đoán, VN-Index trong năm tới sẽ tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh dòng tiền vẫn được duy trì trên thị trường. Khối lượng giao dịch trung bình trong năm 2018 sẽ tăng khoảng 20% so với con số trung bình cuối năm 2017.

Tháng 11 đi ngược chu kỳ

Theo thống kê của Vietstock, từ năm 2008 đến nay, không phải “tháng cô hồn” (tháng 7 âm lịch) theo truyền thống mà tháng 11 mới là thời điểm “đen tối” nhất trong năm với TTCK Việt Nam. Chỉ số VN-Index trong giai đoạn này của năm có tới 8 lần giảm điểm với đa số mức giảm đều trên 5% và chỉ có một lần duy nhất tăng điểm vào năm 2013.

Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, việc thị trường chứng khoán thường biến động xấu vào tháng 11 có nguyên nhân bởi đây là quãng thời gian khối ngoại, đặc biệt các quỹ ETFs thường tiến hành bán ròng sau khi thực hiện mua ròng trước đó. Ngoài ra, tháng 11 cũng là lúc mùa kết quả kinh doanh quý 3 qua đi, trong khi kết quả cả năm chưa tới khiến thị trường rơi vào vùng trũng thông tin hỗ trợ, khiến tâm lý giới đầu tư trở nên thận trọng hơn.

Tuy nhiên, đi ngược hoàn toàn với quy luật, VN-Index của tháng 11/2017 lại tăng trưởng mạnh đến 13.5%. Ngoại trừ hiện tượng bất thường tại năm 2009 đi cùng với gói hỗ trợ lãi suất hậu khủng hoảng, từ năm 2010 đến nay, mức tăng của tháng 11/2017 chỉ xếp sau duy nhất tháng 1/2013 (tăng 16%). Tháng 11/2017 cũng là tháng có mức độ mua ròng lớn chưa từng thấy của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tăng trưởng VN-Index theo tháng từ năm 2008 đến nay

 

Ông Nguyễn Sỹ Hà - Trưởng Bộ phận Phân tích Kỹ thuật CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC, HOSE: HCM) cho biết, theo chu kỳ thông thường, thị trường thường tạo đáy ở thời điểm tháng 11, bắt đầu tăng dần vào tháng 12, tăng mạnh vào tháng 1-2 năm sau, kéo dài sang tháng 4 và bắt đầu giai đoạn điều chỉnh/tích lũy từ tháng 5-11, sau đó chuyển sang một chu kỳ tăng tiếp theo. Thị trường thường yếu vào tháng 11 bởi vì đây là giai đoạn mà các doanh nghiệp cần tiền, vốn lưu động để sản xuất kinh doanh, và dòng tiền vào thị trường giảm. Bên cạnh đó, tháng 11 là thời điểm các ngân hàng rút tiền về để đảm bảo các giới hạn an toàn, hạn mức tăng trưởng tín dụng vào cuối năm,…

“Tuy nhiên năm 2017 là một năm đặc biệt, rất nhiều chuyên gia cho rằng đầu tháng 11 thị trường sẽ có điều chỉnh theo những lý do đã đề cập ở phía trên. Nhưng bước ngoặt của năm 2017 đến từ dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài và điều này đã làm thay đổi hoàn toàn bức tranh thị trường, một lượng tiền lớn đã được bơm vào thị trường thông qua việc mua ròng Vinamilk (VNM) và một số cổ phiếu IPO khác. Tôi hiểu rằng chúng ta đã chuyển mùa rồi, không còn ở trong mùa đông nữa mà đã chuyển sang mùa xuân”, ông Hà đánh giá.

Cũng trong báo cáo phân tích của CTCK Bảo Việt (BVS) công bố đầu tháng 12/2017, Công ty này cho biết: “Động lực chính cho đà đi lên của VN-Index trong tháng 11 chính là giao dịch của khối ngoại. Tỷ trọng giao dịch của khối này đã tăng mạnh từ mức 10.6% trong quý 3 lên mức 26.6% vào thời điểm 20/11/2017. Khối ngoại đã mua ròng đột biến gần 11,300 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tháng vừa qua”.

Lũy kế từ đầu năm đến cuối tháng 11, khối ngoại đã mua ròng tổng cộng 25,710 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đây cũng là con số kỷ lục từ trước tới nay. BVS cho rằng dòng tiền này được khơi mào nhờ hoạt động thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước, kế đó là triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Sự xuất hiện của cổ phiếu mới niêm yết có thanh khoản dồi dào như VRE cùng những thương vụ giao dịch quy mô khủng tại VNM, DIG cũng góp phần đẩy thanh khoản của thị trường trong tháng 11/2017 đạt đến con số chưa từng có trong lịch sử: Trung bình 7,719 tỷ đồng/phiên.

Sau 10 năm, có một cổ phiếu thị giá lên hơn 300,000 đồng

Kết phiên giao dịch 24/11, cổ phiếu Sabeco (SAB) đã lập kỷ lục mới của thị trường trong 10 năm trở lại đây với giá đóng cửa 318,000 đồng/cp. Đây là mức thị giá cao nhất trên thị trường chứng khoán thời gian này, bỏ xa những cái tên xếp kế tiếp như VCF, VCS, CTD, VNM, SLS, WCS, ROS,… và cũng là lần đầu tiên sau 10 năm kể từ giai đoạn bong bóng thị trường chứng khoán vào 2007, có một mã cổ phiếu thị giá phi mã vượt qua mốc 300,000 đồng/cp.

Đà tăng của SAB bắt đầu từ đầu tháng 6/2017, nhưng chỉ mới bắt đầu bật mạnh từ giữa tháng 11. Đà tăng chưa dừng lại, sau khi bứt khỏi ngưỡng 300,000 đồng/cp, SAB tiếp tục leo dốc, chạm mức đỉnh gần 340,000 đồng/cp vào cuối phiên 29/11.

Diễn biến giá cổ phiếu SAB trong năm 2017

Sự kiện đáng chú ý nhất của SAB giai đoạn này là vào chiều ngày 18/12, buổi chào bán cạnh tranh hơn 343.66 triệu cp SAB, tương đương 53.59% vốn điều lệ đã diễn ra chóng vánh và được “hốt hết” bởi một tổ chức trong nước (Công ty TNHH Vietnam Beverage) và một cá nhân với giá trúng bình quân 320,000 đồng/cp. Như vậy, Nhà nước dự kiến thu về 110,000 tỷ đồng (khoảng 4.8 tỷ USD) trong đợt đấu giá này.

Được biết, Công ty TNHH Vietnam Beverage mới thành lập gần đây vào tháng 10/2017 tại Việt Nam, có trụ sở tại Hà Nội với vốn điều lệ hơn 681 tỷ đồng; được sở hữu 100% bởi CTCP Đầu tư F&B Alliance Việt Nam. Trong đó, 49% vốn của F&B Alliance Việt Nam nằm trong tay BeerCo Ltd (công ty được sở hữu 100% bởi Thai Beverage do tỷ phú người Thái gốc Hoa Charoen Sirivadhanabhakdi nắm quyền chi phối).

Vừa về tay người Thái, giá cổ phiếu SAB đã nằm sàn hai phiên liên tiếp 19/12 và 20/12, sau đó tiếp tục xu hướng giảm, chốt phiên giao dịch cuối năm 29/12 dừng tại mức 249,300 đồng/cp. Từng là cổ phiếu có thị giá cao nhất TTCK Việt Nam và chinh phục ngưỡng 300,000 đồng/cp nhưng SAB đã không thể duy trì “ngôi vị”. Thị giá hiện tại của SAB đang ở vị trí thứ hai trên thị trường, nhường lại vị trí đầu bảng cho cổ phiếu VCF của Vinacafe (310,000 đồng/cp).

Chính thức “chạy” thị trường chứng khoán phái sinh

Ngày 10/08/2017, thị trường chứng khoán phái sinh chính thức đi vào vận hành với sản phẩm giao dịch đầu tiên là Hợp đồng tương lai (HĐTL) chỉ số VN30. Như vậy, sau khi có thị trường cổ phiếu ra đời vào năm 2000 và thị trường trái phiếu chuyên biệt vào năm 2009 thì năm 2017 Việt Nam đã có thêm thị trường chứng khoán phái sinh, “tạo thế kiềng 3 chân bền vững cho thị trường chứng khoán Việt Nam”, theo lời ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch UBCKNN tại Lễ khai trương thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam sáng ngày 10/08/2017.

Ông Dũng khi đó cho biết, trong thời gian tới, UBCKNN sẽ tiếp tục cùng HNX, VSD nghiên cứu lộ trình phát triển HĐTL chỉ số HNX30 và HĐTL trái phiếu Chính phủ.

Theo công bố gần đây nhất của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tính riêng trong tháng 11/2017, tổng khối lượng hợp đồng giao dịch HĐTL chỉ số VN30 là 320,064 hợp đồng, tương ứng giá trị giao dịch (theo quy mô danh nghĩa hợp đồng) đạt 28,484 tỷ đồng, tăng lần lượt 34% và 47% so với tháng trước (bình quân 14,548 hợp đồng/phiên, giá trị 1,294 tỷ đồng/phiên). Đặc biệt phiên giao dịch ngày 02/11 có 22,420 hợp đồng, khối lượng giao dịch cao nhất từ khi khai trương thị trường đến nay, tương ứng giá trị giao dịch 1,875 tỷ đồng.

Khối lượng mở (OI) toàn thị trường tiếp tục tăng mạnh, cao gấp đôi so với tháng 10/2017, lên mức 8,122 hợp đồng. Số lượng tài khoản giao dịch phái sinh cũng tiếp tục tăng 23% so với tháng trước, đạt 14,034 tài khoản. Tuy nhiên, hoạt động giao dịch tập trung chủ yếu ở các nhà đầu tư cá nhân trong nước (97.7%).

Ngoài HĐTL, nếu đúng hẹn thì thị trường đã có thêm một sản phẩm mới khác là Covered Warrant - hay còn được gọi dưới tên Chứng quyền có bảo đảm với những rục rịch chuẩn bị trong năm. Tuy nhiên, sau vài lần khất hẹn, dự kiến đến đầu năm 2018 mới có thể chính thức vận hành sản phẩm  Covered Warrant.

Mới đây, phát biểu tại lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu năm 2018 sáng 02/01, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết sẽ tập trung đưa sản phẩm chứng quyền có bảo đảm vào giao dịch trên HOSE vào cuối quý 1/2018, triển khai sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ tại HNX trong quý 3/2018.

Thu Phong

FiLi

Các tin tức khác

>   Bộ trưởng Tài chính: 5 vấn đề trọng tâm của chứng khoán Việt Nam 2018 (02/01/2018)

>   Nhịp đập Thị trường 02/01: Đầu năm xanh miên man (02/01/2018)

>   Dòng tiền hoạt động ra sao trong năm 2017? (02/01/2018)

>   Góc nhìn tuần 02-05/01/2018: Dòng tiền sẽ hướng về bluechips hoặc đầu ngành (01/01/2018)

>   Tính chu kỳ trên thị trường chứng khoán Việt Nam (08/01/2018)

>   VC2: Cổ đông lớn bị phạt tiền do vi phạm báo cáo giao dịch (30/12/2017)

>   Vietstock Weekly 02-05/01/2018: Chuẩn bị cho sóng tăng mới? (01/01/2018)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên đầu năm 2018 (02/01/2018)

>   10 cổ phiếu niêm yết giảm mạnh nhất trong năm 2017 (31/12/2017)

>   Tuần 02-05/01/2018: 10 cổ phiếu “nóng” dưới góc nhìn PTKT của Vietstock (01/01/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật