Chuyển động thoái vốn ngân hàng
Thông tin mới nhất từ một thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (SaigonBank): sau một thời gian dài cân nhắc, cuối cùng cổ đông lớn của SaigonBank là Thành ủy TPHCM đã quyết định chính thức sẽ thoái toàn bộ vốn góp tại đây.
* Gần 30 năm “chậm mà chắc”, Saigonbank đang trải qua những chuyển biến rất mới
Vietcombank đã thoái một phần vốn tại Ngân hàng TMCP Phương Đông và lên kế hoạch thoái vốn khỏi Eximbank cũng như Ngân hàng TMCP Quân đội (MB). Hiện Vietcombank còn nắm giữ gần 8,2% vốn của Eximbank và 7,9% vốn của MB. Ảnh: MAI LƯƠNG
|
Việc thoái tới 65% vốn điều lệ của SaigonBank, theo quy định hiện hành, thực hiện thông qua đấu giá công khai, sẽ rất hấp dẫn không chỉ bởi SaigonBank là một ngân hàng tuy nhỏ, nhưng các chỉ số tài chính cơ bản đều lành mạnh, nợ xấu thấp, mà còn do những cổ đông mới, kể cả nước ngoài (SaigonBank hiện nay chưa có đối tác ngoại nào), có khả năng trở thành cổ đông kiểm soát.
Tháng 11 năm ngoái, khi Vietcombank thoái vốn, bán đấu giá 13,2 triệu cổ phiếu SaigonBank, số lượng đăng ký mua đã cao gấp bốn lần lượng chào bán và giá trúng đã bất ngờ vọt lên 20.400 đồng/cổ phiếu, cao hơn hẳn giá giao dịch cổ phiếu của ngân hàng này trên thị trường OTC cùng thời điểm và cao hơn giá khởi điểm tới 62,5%.
Sau SaigonBank, Vietcombank đã thoái một phần vốn tại Ngân hàng TMCP Phương Đông và lên kế hoạch thoái vốn khỏi Eximbank cũng như Ngân hàng TMCP Quân đội (MB). Hiện Vietcombank còn nắm giữ gần 8,2% vốn của Eximbank và 7,9% vốn của MB. Mới chỉ khoảng sáu tháng trước, việc thoái hàng trăm triệu cổ phiếu của một tổ chức tín dụng dường như là bất khả thi, nhưng hiện nay nó đã trở thành hiện thực. Cổ phiếu các ngân hàng niêm yết trên ba sàn và cả cổ phiếu những ngân hàng chưa niêm yết tăng mạnh về thị giá cũng như thanh khoản. MB khớp lệnh khoảng 10 triệu đơn vị/phiên. Khối lượng giao dịch hàng ngày của cổ phiếu Sacombank 20-30 triệu đơn vị. Thậm chí thanh khoản cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB-Hnx) có ngày nhảy lên 58 triệu đơn vị. Trong trường hợp không bán đấu giá công khai, Vietcombank có thể đăng ký bán cổ phiếu khớp lệnh trên sàn như cách Eximbank đã thoái vốn Sacombank vừa qua.
Sự trở lại của cổ phiếu “vua” như giới đầu tư đặt tên cho cổ phiếu ngân hàng, một mặt phản ánh kỳ vọng của thị trường về sự phục hồi của lĩnh vực này, đặc biệt sau khi Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu có hiệu lực, mặt khác sẽ thúc đẩy quá trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tháo gỡ sở hữu chéo. Ngày 18-1-2018 tới, tập đoàn Bưu chính Viễn thông bán đấu giá theo lô 71,6 triệu đơn vị, tương đương 6,09% vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Hàng hải với giá khởi điểm 11.900 đồng/cổ phiếu.
Sau những lần chia thưởng, trả cổ tức bằng cổ phiếu và bằng tiền, giá vốn đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thấp hơn mệnh giá. Việc thoái vốn ngân hàng có khả năng mang lại cho họ lợi nhuận đầu tư tài chính.
|
Đầu tháng 2-2018, Tổng công ty Viễn thông MobiFone bán đấu giá 5,5 triệu cổ phiếu Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank); 33,4 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á. Đây là lần đấu giá cổ phần TPBank và SeABank lần hai của MobiFone khi lần đấu giá thứ nhất không thành công.
Việc thoái vốn khỏi ngân hàng được dự báo thuận lợi trong thời gian trước mắt khi lợi nhuận của các tổ chức tín dụng năm 2017 tăng mạnh so với chỉ tiêu đề ra. Lợi nhuận trước thuế của Vietcombank lần đầu tiên cán đích 11.000 tỉ đồng; của VietinBank 9.000 tỉ đồng; của BIDV 8.800 tỉ đồng. Ở khối ngân hàng cổ phần, Quân đội đưa lợi nhuận lên trên 5.300 tỉ đồng, VPBank có thể đạt 7.000 tỉ đồng. Những ngân hàng có mức lợi nhuận trước thuế từ 2.000-2.700 tỉ đồng gồm có ACB, HDBank, LienVietPostBank, SHB. Một số ngân hàng báo lãi tầm 1.000-1.500 tỉ đồng như Sacombank, Eximbank, TPBank, Phương Đông, Quốc tế...
Theo nguồn tin từ VPBank, ngân hàng này đang tính cổ phần hóa Công ty Tài chính tiêu dùng Fe Credit, đồng thời tăng mạnh nguồn vốn tự có thông qua chia thưởng cổ phiếu để nâng hạn mức cho vay khách hàng. Vietcombank đã được Chính phủ cho phép bán cổ phần cho nước ngoài. Vấn đề đặt ra với Vietcombank thêm một lần nữa là lựa chọn đối tác và giá bán. Trong khi đó, BIDV đang hoàn tất những bước cuối cùng trong đàm phán bán cổ phần cho nước ngoài.
Ở tầm vĩ mô, ngay từ đầu tháng 1-2018, Ngân hàng Nhà nước chính thức hạ lãi suất trên thị trường mở OMO từ 5% xuống 4,75%/năm nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng có thêm nguồn vốn tiền đồng giá rẻ để cung ứng tín dụng. Bốn ngân hàng quốc doanh và nửa quốc doanh, cùng với VPBank đã giảm lãi suất cho vay năm lĩnh vực ưu tiên về 6%/năm. Biên lợi nhuận của các ngân hàng đang được cải thiện và sẽ còn cải thiện hơn nữa một khi nguồn vốn giá rẻ hỗ trợ thanh khoản và đầu ra.
Những yếu tố trên sẽ tạo đà nâng giá trị cổ phiếu ngân hàng lên một mặt bằng mới, chưa kể thặng dư được tạo ra từ một số hoạt động M&A và khả năng để ngỏ của Chính phủ trong việc nâng room đối với một số tổ chức tín dụng. Thoái vốn ngân hàng sẽ không còn trở ngại. Vấn đề là các doanh nghiệp nhà nước đang sở hữu cổ phần ngân hàng cần chọn thời điểm hợp lý để tối đa hóa nguồn thu.
Giờ đây hầu hết thị giá cổ phiếu ngân hàng đã trở về ngang bằng hoặc trên mệnh giá (trừ một vài trường hợp cá biệt). Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư vào ngân hàng nhiều năm trước thường ở mức mệnh giá. Sau những lần chia thưởng, trả cổ tức bằng cổ phiếu và bằng tiền, giá vốn đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thấp hơn mệnh giá. Việc thoái vốn ngân hàng có khả năng mang lại cho họ lợi nhuận đầu tư tài chính (ở đây không tính chi phí cơ hội buộc phải nắm giữ thời gian dài). Bài toán đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước, như vậy, đang được tháo gỡ từng bước.
Thành Nam
tbktsg
|