VAMA kiến nghị hoãn 6 tháng nghị định "siết" nhập khẩu ôtô
Hơn hai tuần nữa nghị định 116/2017 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, bảo dưỡng... ôtô có hiệu lực, Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô VN (VAMA) kiến nghị Chính phủ tạm hoãn nghị định này ít nhất 6 tháng.
VAMA kiến nghị hoãn ít nhất 6 tháng với nghị định 116/2017. Trong ảnh: tại một showroom bày bán ôtô - Ảnh: CÔNG TRUNG
|
Trong khi đó, các nhà sản xuất, lắp ráp xe trong nước khẳng định ủng hộ tối đa nghị định 116 với mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng cũng như minh bạch hóa xuất xứ, nguồn gốc của các sản phẩm ôtô (bất kể là nhập khẩu hay sản xuất, lắp ráp trong nước).
Kêu khó, kiến nghị tạm hoãn nghị định
So với các văn bản trước, kiến nghị lần này của VAMA vẫn đề nghị sửa đổi yêu cầu "siết" việc nhập khẩu ôtô như phải có một số giấy chứng nhận, phải tiến hành thử nghiệm từng lô xe nhập khẩu và yêu cầu phải có đường thử nghiệm xe...
Ông Toru Kinoshita - tổng giám đốc Toyota VN, đồng thời là chủ tịch VAMA - vừa có văn bản tiếp tục kiến nghị lần thứ 4 đến Chính phủ về nghị định 116. Lần này, VAMA kiến nghị hoãn việc thi hành việc nhập khẩu ôtô ít nhất trong vòng 6 tháng (thời gian có hiệu lực ban đầu là ngày 1-1-2018). VAMA cho rằng để được phép nhập khẩu xe ôtô theo yêu cầu của nghị định, mỗi doanh nghiệp nhập khẩu xe ôtô cần phải chuẩn bị và nộp các giấy chứng nhận của nhà sản xuất nước ngoài cho việc triệu hồi, hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp phụ từng chính hãng cũng như giấy chứng nhận cơ sở bảo hành bảo dưỡng do Cục Đăng kiểm VN cấp.
VAMA kiến nghị sửa đổi yêu cầu nộp giấy chứng nhận kiểu loại nước ngoài đối với nhà nhập khẩu xe ôtô. VAMA mong muốn Chính phủ chấp nhận giấy chứng nhận của nhà sản xuất nước ngoài cho việc triệu hồi xe ôtô như một phương án thay thế.
VAMA nêu ra lý do: hầu hết các thành viên VAMA không thể tìm được giấy chứng nhận kiểu loại nào nước ngoài nào phù hợp với các thông số kỹ thuật của xe ôtô nhập khẩu vào VN.
Đồng thời, cần sửa đổi yêu cầu tiến hành thử nghiệm đối với từng lô xe ôtô nhập khẩu theo hướng chỉ áp dụng thử nghiệm an toàn và khí thải đối với từng lô hàng đầu tiên và chấp nhận nhận báo cáo thử nghiệm cho các lô hàng tiếp theo trong ít nhất 6 tháng...
Doanh nghiệp ôtô trong nước "phản pháo"
Trước các văn bản kiến nghị liên tiếp của VAMA, THACO Trường Hải và Hyundai Thành Công nhanh chóng gửi văn bản đến Chính phủ khẳng định nghị định 116 đã đảm bảo công bằng, phù hợp và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dung khi sử dụng xe nhập khẩu.
Ông Nguyễn Hùng Minh - tổng giám đốc Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (THACO) - cho rằng nghị định 116/2017 đã dựa trên tiêu chí bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như sự công bằng giữa các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, lắp ráp trong nước với các nhà nhập khẩu, từ đó tạo điều kiện để phát triển một nền công nghiệp ôtô thực sự.
Ông Minh nhấn mạnh, doanh nghiệp cần cung cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô nhập khẩu khi làm thủ tục kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ôtô chưa qua sử dụng là cơ sở để chứng minh chất lượng của ôtô nhập khẩu.
Còn đường thử xe có chiều dài tối thiểu 800m, việc chạy thử xe sau khi được sản xuất, lắp ráp là một việc rất quan trọng, đảm bảo cho xe chất lượng ổn định trước khi xuất xưởng, nếu đường thử xe không đáp ứng được tiêu chuẩn, không bố trí được các địa hình thử theo quy định sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của xe xuất xưởng.
Nếu không áp dụng quy định về đường chạy thử đối với các nhà sản xuất đang hoạt động tại VN sẽ không công bằng giữa nhà sản xuất mới và nhà sản xuất đang hoạt động. Để có thời gian cho các doanh nghiệp trong nước chuẩn bị, nghị định 116 có quy định điều khoản chuyển tiếp đối với doanh nghiệp đang hoạt động và áp dụng sau 18 tháng kể từ ngày nghị định có hiệu lực (áp dụng từ ngày 18-4-2019).
Liên quan quy định quản lý chất lượng đối với từng lô xe nhập khẩu, lãnh đạo của Hyundai Thành Công cho rằng rất cần thiết. Bởi trước đây các mẫu xe này chỉ cần kiểm tra thử nghiệm khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật một lần và có thể áp dụng kết quả cho các lần tiếp theo. Điều này hiện không còn phù hợp khi các tiêu chuẩn khí thải, chất lượng ngày càng đòi hỏi cao, cần có sự kiểm tra liên tục và thường xuyên để đảm bảo sự thống nhất về chất lượng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đào Phan Long, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí VN, cũng cho rằng việc siết chặt quy định nhập khẩu xe hơi là cần thiết để tránh VN thành bãi rác thải về công nghệ, đồng thời cũng tạo điều kiện cho sản xuất trong nước, thúc đẩy đổi mới công nghệ.
Phải đảm bảo quyền lợi của người dân khi xe bị lỗi
Về giấy tờ, tài liệu chứng minh doanh nghiệp được quyền thay mặt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi xe, theo đại diện Hyundai Thành Công, là cần thiết. Bởi nếu không có ràng buộc, khi xảy ra các vấn đề liên quan đến lỗi kỹ thuật từ nhà sản xuất, lắp ráp nước ngoài, doanh nghiệp nhập khẩu có thể không thực hiện trách nhiệm triệu hồi một cách trọn vẹn, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Do đó, các quy định về yêu cầu cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng và chứng minh doanh nghiệp được quyền thay mặt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi xe tại VN là những yêu cầu tối thiểu để khách hàng có thể yên tâm với dịch vụ bán hàng và sau bán hàng của các nhà phân phối xe nhập khẩu.
|
Công Trung
TUỔI TRẺ
|