Tranh tối tranh sáng tại Gia Lai CTC, cổ đông chia thành 2 “phe”
Hoạt động kinh doanh sa sút, không có nguồn tiền trả ngân hàng và mất khả năng thanh toán… Trong khi Tổng Giám đốc CTC kêu gọi cổ đông cầm cố cổ phiếu để ngăn chặn phá sản thì ngược lại một nhóm cổ đông khác lại đề nghị khẩn cấp thay thế Tổng Giám đốc cũng là để… ngăn chặn nguy cơ phá sản.
Tình thế tranh tối tranh sáng tại CTC hiện vẫn chưa có lối thoát!
Biến động cổ phiếu CTC kể từ khi niêm yết đến nay
|
Nợ áp sát, Tổng Giám đốc kêu gọi cổ đông cầm cố cổ phiếu để vay ngân hàng
Câu chuyện tại CTCP Gia Lai CTC (HNX: CTC) khởi nguồn khi tháng 10/2017, Tổng Giám đốc Đặng Thanh Toàn báo cáo tình hình tài chính khẩn cấp của Công ty. Theo vị Tổng giám đốc này, CTC đang ở giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi thành lập đến nay. Từ tháng 7/2017, Ngân hàng BIDV – Chi nhánh Gia Lai đã tiến hành thu nợ ngắn hạn với giá trị hơn 13 tỷ đồng (giảm hạn mức ngắn hạn do Công ty không đủ tài sản bổ sung và tình hình tài chính Công ty khá xấu) đã đẩy Công ty vào hoàn cảnh mất thanh khoản trầm trọng. Lương của cán bộ công nhân viên thường xuyên bị chậm trả, công nợ phải trả nhà cung cấp lên cao nhưng không thanh toán được do phải tích lũy dòng tiền để trả nợ ngân hàng. Để xoa dịu tình hình, CTC đã nhiều lần cố gắng thuyết phục cán bộ công nhân viên, nhà cung cấp cùng nhau vượt qua khó khăn với Công ty, tuy nhiên thời gian đã kéo dài quá lâu, mọi sự hợp tác đều có giới hạn và sức chịu đựng.
Tổng số nợ phải trả ngân hàng trung tuần tháng 11 lên đến 15.46 tỷ đồng. CTC hiện không đủ tài chính để có thể thanh toán món nợ trên trong một thời gian ngắn như vậy.
Trước tình hình đó, vị Tổng Giám đốc này đưa ra giải pháp thực hiện tái cấu trúc các khoản nợ vay ngân hàng. Hai ngân hàng đang ký hợp đồng tín dụng với CTC là Agribank chi nhánh Gia Lai và BIDV chi nhánh Gia Lai trước đây đã nhiều lần thực hiện cơ cấu các khoản tín dụng với Công ty, cho nên đến thời điểm hiện tại hai Ngân hàng trên không đồng ý thực hiện nữa. Vì vậy, Công ty đã thống nhất làm việc với Ngân hàng Bảo Việt về phương án tái cơ cấu các khoản tín dụng. Sau hơn 3 tháng làm việc với Ngân hàng Bảo Việt (BaoVietBank), hai bên đã thống nhất phương án tín dụng và đã được Hội sở Ngân hàng Bảo Việt phê duyệt chủ trương cấp hạn mức tín dụng cho Công ty. Tổng hạn mức tín dụng là 125 tỷ (tăng 20 tỷ so với dư nợ hiện tại với Agribank và BIDV).
Tuy nhiên, để được cấp hạn mức tín dụng đó, BaoVietBank đòi hỏi phải có cầm cố tối thiểu 51% tổng số cổ phần của CTC thuộc sở hữu của các cổ đông hiện hữu.
Đến thời điểm đó, nhóm của Chủ tịch Phạm Hồng Sơn (Phạm Đức Hùng, Vũ Thị Mai và Nguyễn Thị Triều Ninh) chiếm 30.47% vốn, cổ đông Tống Văn Thiều chiếm 11.29%, như vậy tổng lại là 41.75% đã đồng ý thế chấp. Tuy nhiên vẫn không đủ tỷ lệ 51% theo yêu cầu của Ngân hàng Bảo Việt nên CTC vẫn chưa được giải ngân.
Theo ông Toàn, nếu không thanh toán số nợ trên, CTC sẽ bị hạ bậc tín dụng và đưa vào nợ xấu đồng thời phong tỏa tài khoản để thu hồi nợ. Lúc này các ngân hàng sẽ ngưng hoạt động giải ngân cho CTC (kể cả BaoVietBank) và phản ứng dây chuyền sẽ đẩy CTC đến tình trạng phá sản.
Trong bối cảnh đó, vị Tổng Giám đốc này đã kêu gọi nhóm cổ đông lớn còn lại bao gồm cả HĐQT hỗ trợ để giúp Công ty tránh khỏi trình trạng nợ xấu, phá sản doanh nghiệp, 300 cán bộ công nhân viên mất việc làm.
Gần đây nhất ngày 14/11, HĐQT CTC đã thông qua việc cam kết và hoàn trả tài sản thế chấp/cầm cố của các cổ đông tại BaoVietBank.
Theo đó, trường hợp 1, khi CTC không còn dư nợ vay tại BaoVietBank thì sẽ yêu cầu BaoVietBank giải chấp và hoàn trả lại toàn bộ cổ phiếu cho các cổ đông trong vòng 10 ngày.
Trường hợp 2, khi CTC còn dư nợ vay tại BaoVietBank, nếu cổ đông muốn rút tài sản thế chấp/cầm cố cổ phiếu tại BaoVietBank thì gửi văn bản về CTC, Công ty sẽ đề nghị Ngân hàng giải chấp đúng số lượng cổ phiếu theo đề nghị của cổ đông hoặc CTC xin ý kiến cổ đông mua lại làm cổ phiếu quỹ theo giá thỏa thuận và theo quy định của Công ty. Thời gian CTC hoàn tất hồ sơ yêu cầu rút tài sản thế chấp để hoàn trả cho cổ đông hoặc mua lại tối thiểu 45-90 ngày kể từ ngày CTC nhận được yêu cầu của cổ đông lớn.
HĐQT ủy quyền cho Tổng Giám đốc ký cam kết hoàn trả cổ phiếu (hoặc tương đương theo giá thị trường) với các cổ đông theo điều kiện của họ để thế chấp/cầm cố cổ phiếu cho Công ty vay tiền tại BaoVietBank.
Nhiều cơ sở kinh doanh nhà sách siêu thị của CTC đang đứng trước nguy cơ đóng cửa vì không có hàng nhập về để bán. Nợ vay ngân hàng đến hạn không có khả năng chi trả.
|
Vì sao nhóm cổ đông đại diện trên 40% vốn đề nghị thay Tổng Giám đốc?
Trong khi đó, nhóm ba Thành viên HĐQT gồm ông Nguyễn Trần Hanh, Hoàng Trung Hiếu, Đặng Văn Chính và Thành viên BKS Mai Văn Huấn (đại diện trên 40% vốn) lại có kiến nghị khẩn cấp thay đổi Tổng Giám đốc CTC để ngăn chặn nguy cơ phá sản doanh nghiệp.
Theo nhóm này, qua thực tế điều hành và hoạt động của CTC hơn 1 năm của Chủ tịch Phạm Hồng Sơn và Tổng Giám đốc Đặng Thanh Toàn, nhận thấy công tác điều hành của Tổng Giám đốc rất đáng lo ngại.
Cụ thể, Ban Tổng giám đốc điều hành CTC không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nặng trong năm 2016 với hơn 9.3 tỷ đồng, tương đương 10.5% vốn điều lệ Công ty. Năm 2017 tình hình kinh doanh còn tệ hơn và chắc chắn số lỗ sẽ lớn hơn rất nhiều. Hiện tại, một số lượng lớn CBCNV đang bị ép cho nghỉ việc, 2 tháng gần đây đa số không có tiền lương hoặc chỉ có lương cầm chừng.
Nhiều cơ sở kinh doanh nhà sách siêu thị đang đứng trước nguy cơ đóng cửa vì không có hàng nhập về để bán. Nợ vay ngân hàng đến hạn không có khả năng chi trả. Cơ sở kinh doanh có nguồn doanh thu và lợi nhuận đóng góp phần chủ lực cho CTC là nhà hàng Tre Xanh Plaza thì thực hiện giao khoán kinh doanh dẫn đến CTC mất nguồn doanh thu lớn, không có vốn để đáo hạn ngân hàng.
Nhóm này nhấn mạnh “Việc quản lý Công ty không có tâm, không đủ tầm của Tổng Giám đốc thời gian qua đã đẩy Công ty đến nguy cơ phá sản. Trách nhiệm này thuộc về Chủ tịch Phạm Hồng Sơn đã tháo chạy, thoái thác trách nhiệm bằng việc chuyển cổ phiếu cho người khác và xin thôi không giữ chức Chủ tịch”.
Từ tháng 6/2016 đến nay, các Thành viên HĐQT đại diện cho trên 40% vốn đã nhiều lần có ý kiến biểu quyết không đồng ý bổ nhiệm Tổng Giám đốc vì không đủ năng lực quản trị điều hành.
Cuối cùng, nhóm này đề nghị, Chủ tịch khẩn cấp triệu tập cuộc họp HĐQT để có phương án thay Tổng Giám đốc nhằm ngăn chặn thua lỗ, bảo vệ quyền lợi cho cổ đông. Trong thời gian chờ đợi ý kiến HĐQT về việc thay Tổng Giám đốc này, đề nghị Ban Tổng giám đốc CTC không được ký kết, thỏa thuận việc giao khoán kinh doanh, cho thuê tài sản, mặt bằng, công cụ dụng cụ tại bất cứ địa điểm kinh doanh nào của CTC khi chưa được sự chấp thuận của đa số thành viên HĐQT.
* CTC: Cổ phiếu "tèo", tù mù báo cáo tài chính, lãnh đạo "tháo chạy"
Tranh tối tranh sáng giữa nhóm cổ đông cũ và mới
Chủ tịch Phạm Hồng Sơn và Tổng Giám đốc Đặng Thanh Toàn bước chân vào CTC chưa lâu. Trong đó, Chủ tịch Phạm Hồng Sơn tham gia vào HĐQT CTC từ 2014 còn Tổng Giám đốc Đặng Thanh Toàn cũng chỉ hơn 1 năm kể từ tháng 3/2016.
Theo thông tin từ Báo cáo thường niên 2016, tại thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán 2016, Ban điều hành và Kế toán trưởng CTC được bổ nhiệm trong năm 2016 chưa nhận được sự bàn giao nào về số liệu tài chính từ Ban điều hành và Kế toán trưởng đã miễn nhiệm mặc dù đã gửi thư mời rất nhiều lần. Được biết, Ban điều hành và Kế toán trưởng đã miễn nhiệm nằm trong nhóm ba Thành viên HĐQT gồm ông Nguyễn Trần Hanh (Tổng giám đốc cũ), Hoàng Trung Hiếu, Đặng Văn Chính (Kế toán trưởng cũ). Đây cũng là những thành viên đã công tác tại CTC trong thời gian dài.
Cũng theo thông tin từ Báo cáo thường niên 2016, vào đầu tháng 7/2016 (sau khi ông Đặng Thanh Toàn tham gia vào CTC một thời gian), Công ty đã thực hiện kiểm kê hàng tồn kho. Tại thời điểm cuối 2016, CTC ghi nhận khoản tài sản thiếu chờ xử lý hơn 12 tỷ đồng và đang chờ HĐQT xem xét, tìm hiểu nguyên nhân. Kiểm toán cũng cho biết chưa đối chiếu xác nhận được đầy đủ các khoản nợ phải thu, phải trả. Thậm chí trong báo cáo tài chính 2016 và 9 tháng đầu năm 2017 có khoản vay một đơn vị liên quan từ cuối năm 2014 nhưng đến thời điểm hiện tại Công ty vẫn chưa tìm thấy Nghị quyết của HĐQT theo Điều lệ của Công ty.
Lợi nhuận qua các năm gần đây của CTC trồi sụt thất thường, đặc biệt thể hiện rõ từ năm 2013 với khoản lỗ 1.3 tỷ đồng. Năm 2016 CTC báo lỗ đến 9.3 tỷ đồng. Kết quả mới nhất trong 9 tháng đầu năm 2017, Công ty công bố lãi sau thuế hơn 1.6 tỷ đồng.
Các chỉ tiêu tài chính của CTC trong những năm gần đây
|
Thanh Nụ
Fili
|