SCIC bán vốn thu được gấp 3.5 lần giá vốn, đóng góp chủ yếu là từ Vinamilk
Trước đợt chào bán cạnh tranh 3.33% vốn (hơn 48 triệu cp) tại Vinamilk vừa qua, kết quả bán vốn mà Nhà nước thu được gấp khoảng 2.6 lần giá vốn.
“Từ khi thành lập đến 31/10/2017, SCIC đã tổ chức bán vốn tại 961 doanh nghiệp trên tổng số hơn 1,000 doanh nghiệp đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước, trong đó đã bán hết vốn tại 862 doanh nghiệp, bán một phần vốn tại 80 doanh nghiệp và bán quyền mua tại 19 doanh nghiệp.
Kết quả bán vốn thu được gấp 3.5 lần giá vốn (cao hơn mức bình quân cả nước giai đoạn 2011-2015 là 1.48 lần). Trong đó, đóng góp chủ yếu đến từ đợt chào bán cạnh tranh 3.33% vốn (hơn 48 triệu cp) tại Vinamilk vừa qua, trước đợt bán vốn của Vinamilk, kết quả bán vốn mà Nhà nước thu được gấp khoảng 2.6 lần giá vốn”.
Đây là chia sẻ của ông Lê Song Lai, Phó Tổng Giám đốc SCIC tại Tọa đàm “Thoái vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp, các vấn đề cổ đông, tranh chấp cổ đông” diễn ra chiều ngày 01/12/2017.
Ông Lai cho biết thêm một trong những nguyên nhân thoái vốn thành công là SCIC đã lựa chọn thời điểm bán phù hợp, theo sát diễn biến thị trường và nắm bắt thực trạng hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời xây dựng và trình các cấp thẩm quyền cho áp dụng các cơ chế bán vốn đặc thù và lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam như: bán cả lô, bán cho nhà đầu tư chiến lược, bán dưới mệnh giá,…
Tuy nhiên, quá trình thực hiện thoái vốn còn phát sinh những hạn chế, vướng mắc liên quan đến việc thuê tư vấn định giá và tổ chức bán cổ phần, về lựa chọn phương pháp xác định giá khởi điểm, xác định giá trị quyền sử dụng đất trong thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phương thức chuyển nhượng vốn Nhà nước tại công ty cổ phần còn đóng khung trong biên độ giá giao dịch, phương thức giao dịch cứng nhắc đối với các doanh nghiệp niêm yết,…
Ngoài ra, SCIC cũng gặp phải những vướng mắc về quy định về đặt cọc mua cổ phần (quy định về đặt cọc còn hay xảy ra tranh chấp, rủi ro về đồng tiền đặt cọc,…); khó khăn về các hợp đồng chuyển nhượng vốn, quy định về xử lý công nợ của doanh nghiệp trong quá trình thoái vốn và các vướng mặc liên quan đến công bố thông tin.
Tọa đàm “Thoái vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp, các vấn đề cổ đông, tranh chấp cổ đông” diễn ra chiều ngày 01/12/2017.
|
Sau 10 năm, SCIC đã thu về từ cổ tức và thặng dư bán vốn gần 31,500 tỷ đồng
Tính đến 31/12/2016, so với thời điểm thành lập, doanh thu của SCIC tăng gấp 65.4 lần, vốn chủ sở hữu tăng gấp 9.5 lần, tổng tài sản tăng gấp 13.8 lần, lợi nhuận sau thuế tăng gấp 61 lần.
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân đạt 13%/năm, riêng năm 2016 đạt 20.3%. Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) bình quân 6%/năm.
Tổng số tiền đã thu về (cổ tức và thặng dư bán vốn) là gần 31,500 tỷ đồng, trong đó lãi từ bán vốn đạt 5,360 tỷ đồng, đạt tỷ lệ trung bình 2.5 lần giá vốn (cao hơn so với tỷ lệ trung bình của các Tổng công ty, tập đoàn Nhà nước khác – 1.5 lần).
SCIC cho biết, số lượng doanh nghiệp thua lỗ thuộc diện kiểm soát đặc biệt chiếm khoảng 6.5%, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân của các doanh nghiệp đạt từ 15-17%.
Một số điểm đặc thù trong cơ chế bán vốn Nhà nước của SCIC
- Hoạt động bán vốn của SCIC không phải là bán vốn của cổ đông sáng lập và không phải thực hiện theo quy định về chào bán chứng khoán ra công chúng.
- Được thực hiện đấu giá bán cả lô cổ phần để đảm bảo thành công khi cần bán hết vốn tại doanh nghiệp.
- Được áp dụng chính sách khuyến khích đối với các công ty tư vấn, môi giới, chứng khoán gắn với thành tích, hiệu quả trong việc bán vốn của Tổng công ty.
- Đối với các doanh nghiệp chưa niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán: được ưu tiên bán đấu giá công khai; có thể bán ưu đãi không quá 70% cho người lao động hoặc cho cổ đông chiến lược; trường hợp bán đấu giá không thành công, được phép hạ giá không quá 3 lần, mỗi lần không quá 10%; được bán dưới mệnh giá.
|
Thu Phong
FiLi
|