Phá đỉnh 10 năm, khối ngoại đổ hơn 1 tỷ USD vào chứng khoán Việt Nam năm 2017
Nếu năm 2016 khối ngoại rút ròng, thì năm 2017, truyền thống mua ròng của một thập kỷ trước đã quay lại. Tổng khối lượng mua ròng đạt hơn 452.5 triệu cổ phiếu, tương đương tổng giá trị hơn 25,477 tỷ đồng.
Phá đỉnh 10 năm, 2017 khối ngoại đã đổ hơn 1 tỷ USD vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
|
Có thể nói, năm 2017 là một năm khá đặc biệt đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, khi chỉ số VN-Index liên tục bùng nổ, chính thức vượt mốc 900 điểm sau gần 10 năm ròng rã. Chưa kể, hàng loạt “hàng khủng” niêm yết như Vincom Retail (VRE), Vietjet Air (VJC), Vietnam Airlines (HVN), VPBank… đẩy giá trị vốn hóa thị trường đạt gần 3,360 ngàn tỷ đồng, tăng 73% so với cuối năm 2016, tương đương 74.6% GDP, vượt chỉ tiêu đặt ra cho năm 2020.
Cùng với đó, thanh khoản thị trường cũng cải thiện mạnh, quy mô giao dịch bình quân đạt gần 4,981 tỷ đồng/phiên, tăng 63% so thực hiện năm 2016. Với những thành tựu trên, năm 2017 thị trường cũng chứng kiến sự nhộn nhịp giao dịch của khối ngoại, xoay quanh những cổ phiếu niêm yết mới, Nhà nước thoái vốn, đóng góp phần lớn thanh khoản.
Theo thống kê đến ngày 22/12/2017, tổng khối lượng mua vào của khối ngoại đạt 4 tỷ cổ phiếu, tương đương giá trị 174,304 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, khối lượng bán ra xấp xỉ 3.6 tỷ đơn vị, đạt 148,827 tỷ đồng giá trị giao dịch. Như vậy, gần một năm qua khối ngoại đã mua ròng đạt mốc 25,477 tỷ đồng, trong khi năm 2016 bán ròng gần 7 tỷ đồng.
Theo báo cáo mới nhất của CTCK Rồng Việt (VDSC), tổng giá trị tích lũy 10 năm (2007-2017) của dòng vốn ngoại trên thị trường đạt đỉnh 4.4 tỷ USD. Trong đó, riêng năm 2017 đóng góp đến 25%, tương đương 1.1 tỷ USD.
Khối lượng giao dịch của khối ngoại năm 2017
Giá trị giao dịch của khối ngoại năm 2017
Trong đó, khối ngoại mua ròng khớp lệnh trên sàn đạt 196.4 triệu đơn vị, giá trị giao dịch tương ứng đạt 14,459 tỷ đồng.
Còn tính riêng giao dịch thỏa thuận, khối lượng của nhà đầu tư nước ngoài cũng đạt hơn 1.5 tỷ cổ phiếu ở chiều mua, ngược lại chiều bán ra đạt khoảng 1.3 tỷ đơn vị, tức mua ròng 256 triệu cổ phiếu. Tương ứng giá trị khối ngoại thỏa thuận đổ vào thị trường Việt Nam hơn 14,000 tỷ đồng.
Đổ dồn về hàng nóng
Động thái mua ròng bằng hình thức khớp lệnh trên sàn của khối ngoại hầu hết tiền đều đổ dồn về những tên tuổi lớn dẫn dắt ngành. Đơn cử có Vinamilk – Thương hiệu sữa đứng đầu Việt Nam, ông lớn ngành thép Hòa Phát, đại gia ngành xăng dầu Petrolimex, thành viên Tập đoàn Dầu khí – GAS hiện đang độc quyền về thu gom cũng như điều phối, hay ngành xây dựng có sự góp mặt từ DIG…
Tổng giá trị mua ròng tại 10 đơn vị dẫn đầu thị trường đạt đến 16,307 tỷ đồng. Trong đó, quán quân phải kể đến Vinamilk (VNM), với hơn 45 triệu cổ phiếu được khối ngoại mua ròng, tương đương tổng giá trị giao dịch đạt hơn 6,729 tỷ đồng.
Về VNM, trái ngược với diễn biến năm ngoái sau khi SCIC công bố giá khởi điểm 144,000 đồng/cổ phần, giá cổ phiếu liên tục rớt và thị trường ồn ào với nghi vấn khối ngoại ép giá VNM xuống thấp để mua được cổ phiếu với giá rẻ. Năm 2017, VNM trải qua một đợt thoái vốn ngoạn mục với giá khởi điểm 150,000 đồng/cp, cũng từ đây thị giá cổ phiếu VNM tăng đến khó tin. Cùng với đó, Platinum Victory là một đơn vị trực thuộc Jardine Cycle & Carriage (JC&C) liên tục đổ tiền mua vào cổ phiếu VNM. Gần đây nhất, trong ngày 24/11, đơn vị này đã gom tiếp 6.4 triệu cp, nâng tỷ lệ sở hữu lên 9.15% vốn VNM. Với mức giá 185,000 đồng/cp, khả năng Platinum Victory Pte. Ltd đã phải rút hầu bao khoảng 1,184 tỷ đồng cho lần giao dịch này.
Hiện giá cổ phiếu VNM đang chạm mốc 202,900 đồng/cp, ghi nhận mức tăng 35% so chỉ sau vài tháng, một kỳ tích từ trước đến nay đối với cổ phiếu sữa này!
Biến động cổ phiếu VNM một năm qua
Xếp hạng thứ hai, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) ghi nhận hơn 68 triệu cổ phiếu được mua vào, tương đương tổng giá trị giao dịch bởi khối ngoại là 2,413 tỷ đồng. Là doanh nghiệp nằm ngay khâu đầu tiên trong chuỗi giá trị ngành thép, với lợi thế về công nghệ (thay thế công nghệ cũ của Pomina vào những năm 2012), HPG trở thành lựa chọn cho danh mục đầu tư trung và dài hạn, cả nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trên thực tế, HPG ghi nhận tăng hơn 59% thị giá so với phiên đầu năm 2017, hiện đang giao dịch tại mức 43,900 đồng/cp. Khối lượng giao dịch tương đối sôi động với trung bình 4 triệu cổ phiếu/phiên.
Để có được mức tăng trưởng này, bên cạnh hưởng lợi từ thị trường chung liên tục nhận tin tốt, nội lực HPG cũng hoạt động khá ổn định. 11 tháng đầu năm, đơn vị này đã đạt sản lượng bán hàng 1.95 triệu tấn, tương đương 98% kế hoạch năm 2017, tăng 24% so với cùng kỳ và cao hơn 10% sản lượng bán hàng cả năm 2016.
Biến động cổ phiếu HPG một năm qua
Một đơn vị cũng được khối ngoại "nhòm ngó" năm 2017, Tập Đoàn Xăng Dầu Việt Nam (PLX) chính thức niêm yết trên sàn HOSE với hơn 1.29 tỷ cổ phiếu, giá tham chiếu 43,200 đồng/cp vào ngày 21/04. Sau 7 tháng, thị giá cổ phiếu PLX đã tăng hơn 74.5% và đạt gần 72,000 đồng/cp. Khối lượng giao dịch bình quân đạt gần 1 triệu cổ phiếu/phiên và khối ngoại mua ròng 1,602 tỷ đồng.
Biến động cổ phiếu PLX từ lúc niêm yết đến nay
Được biết, PLX lên sàn đã thuộc top 10 vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán, tổng tài sản hiện ở mức 60,048 tỷ đồng, tăng 11% so với hồi đầu năm. Đồng thời, mạng lưới hoạt động cũng đã đạt hơn 2,450 cửa hàng bán lẻ trên cả nước, phủ khắp 63 tỉnh thành.
Năm 2017, Tập đoàn ước đạt doanh thu 152,900 tỷ đồng, tăng 7% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế khoảng 4,736 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra.
Ngoài ra, top 10 đơn vị được khối ngoại mua ròng năm qua còn có VPBank (VPB) – cũng là một hiện tượng chào sàn với lượng khớp lệch kỷ lục gần 1,800 tỷ đồng phiên ATO, đồng thời lấp kín hoàn toàn “room” cho nhà đầu tư nước ngoài ngay ngày đầu giao dịch; hay Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) trước thông tin thoái vốn của Nhà nước đã khuấy động thanh khoản phiên giao dịch 28/11 với lượng khớp lệnh giá trần lên đến 128 triệu đơn vị…
Top 10 giá trị mua ròng khớp lệnh của nhà đầu tư nước ngoài năm 2017
Giao dịch thỏa thuận cũng “mạnh tay” không kém
Không chỉ bằng hình thức khớp lệnh, khối ngoại cũng tích cực giao dịch thỏa thuận tại nhiều hàng nóng, với tổng giá trị giao dịch tương đương mức khớp lệnh là 14,000 tỷ đồng.
Rúng động nhất trong số đó có lẽ là thương vụ chào sàn của Vincom Retail (VRE) ngày 06/11 với hơn 1.9 tỷ đơn vị được niêm yết trên HOSE, giá tham chiếu 33,800 đồng/cp. Đáng chú ý, chỉ một ngày sau đó (07/11) đã có 415 triệu cổ phần VRE được chuyển nhượng, tổng giá trị giao dịch tương ứng lên đến 740 triệu USD, thiết lập một kỷ lục mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam về thanh khoản của một cổ phiếu nói riêng và toàn thị trường nói chung.
Tính đến phiên 26/12, thị giá VRE ở mức 48,000 đồng/cp, tăng hơn 17% so với thời điểm mới niêm yết.
Biến động cổ phiếu VRE từ lúc niêm yết đến nay
Hay doanh nghiệp “đình đám” ngành hàng không, Vietjet Air (VJC) cũng đang được khối ngoại thỏa thuận mua gần 500 tỷ đồng, tương đương hơn 4 triệu cổ phiếu. Niêm yết vào ngày 28/02 với giá tham chiếu phiên đầu tiên là 90,000 đồng/cp, tính đến ngày 26/12, cổ phiếu VJC giao dịch ở mức 143,000 đồng/cp, tăng hơn 130% so với thời điểm niêm yết (giá sau khi đã điều chỉnh chia cổ tức 40% bằng cổ phiếu và 20% bằng tiền mặt).
Biến động cổ phiếu VJC từ lúc niêm yết đến nay
Mới đây, VJC cho biết đã nhận thêm 5 tàu bay và khai trương thêm 13 đường bay mới, nâng tổng số đường bay khai thác lên 73. Chưa dừng lại, trong quý 4, Công ty còn dự kiến sẽ mở thêm 6 đường bay mới, nâng tổng số đường bay mở thêm của cả năm 2017 lên 19 đường. Với lộ trình trên, VJC ước lợi nhuận trước thuế cả năm 2017 vượt khoảng 10% so với kế hoạch.
Được khối ngoại thỏa thuận nhiều còn có Chứng Khoán Bản Việt (VCI) – đạt khoảng 1,157 tỷ đồng giá trị giao dịch, vượt mốc ngàn tỷ còn có Vinamilk (VNM) – đạt 1,121 tỷ đồng… Ngoài ra, con số này tại Xây dựng FLC Faros (ROS) – cổ phiếu của đại gia Trịnh Văn Quyết – là 403 tỷ đồng, hay đơn vị gây nhiều chú ý thời gian gần đây trước động thái thoái vốn của SCIC – NTP của Nhựa Tiền Phong ghi nhận hơn 321 tỷ đồng…
Top 10 giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài năm 2017
Ở chiều ngược lại, khối ngoại cũng tích cực bán ròng tại nhiền đơn vị tên tuổi không kém, đơn cử có Novaland (NVL), Masan (MSN), một ông lớn bất động sản khác Vingroup (VIC) cũng lọt vào top nhà đầu tư nước bạn bán mạnh…
Top 10 khối lượng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài năm 2017
|
Tri Túc
FiLi
|