Nhịp đập Thị trường 20/12: VN-Index vững vàng trên 950 điểm.
VN-Index biến động mạnh trong phiên giao dịch hôm nay, lực cầu tăng cuối phiên giúp chỉ số duy trì sắc xanh. Nhóm dầu khí ngân hàng nâng đỡ thị trường.
VN-Index kết phiên giao dịch tại 953.51 điểm, tăng 0.22%. HNX-Index có diễn biến tương tự khi tăng 0.52% lên mức 113.95 điểm. Giá trị khớp lệnh cả hai sàn đạt hơn 5,184.5 tỷ đồng.
Độ rộng toàn thị trường khá cân bằng khi có 231 mã tăng và 237 mã giảm. Có 11/20 ngành tăng trưởng, cho thấy lực cầu gia tăng trên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn giúp thị trường đi lên.
Sự bứt phá của họ dầu khí là động lực nâng đỡ thị trường. Bốn đại gia trong ngành (GAS, PVD, PVS, PVT) tăng trưởng tốt từ 1.9% trở lên, đã tạo hiệu ứng lan tỏa. Đặc biệt, PVT tăng trần và trống bên bán. Xu hướng tăng trên cổ phiếu dầu khí được duy trì khi hàng loạt cổ phiếu đang vượt vùng đỉnh nhiều năm.
Các ông lớn ngành ngân hàng như: CTG, VCB, BID tăng từ 1.7% đến 2.6%. Ngoài ra, VPB cũng tăng gần 3%. VPB đang cắt lên MA 20 và MA 50 cho tín hiệu mua trở lại, nên sự rung lắc ngắn hạn có thể sẽ kết thúc.
Sau giai đoạn điều chỉnh và tích lũy, ngành sản phẩm cao su bứt phá trở lại, hai ông lớn CSM và DRC tăng trưởng mạnh quanh 2.5%. Các cổ phiếu này có dấu hiệu tạo đáy quanh đường MA 20, đường này đang là hỗ trợ tốt trong ngắn hạn với giá.
Chiều ngược lại, ngành chăm sóc sức khỏe bị chốt lời, khi DMC và DHG giảm hơn 2%. Với DHG thì sự điều chỉnh phiên hôm nay chỉ mang yếu tố kỹ thuật do xu hướng tăng vẫn được duy trì và giá đóng cửa trên các nhóm MA quan trọng.
Ngành thực phẩm – đồ uống phân hóa mạnh khi MSN tăng nhẹ 0.1% thì VNM và SAB lại điều chỉnh. SAB giảm sàn phiên thứ 2 liên tiếp cổ phiếu này đang bị bán mạnh sau phiên đấu giá của Bộ Công Thương. Khối lượng tăng mạnh và giá SAB nằm dưới nhóm MA trung hạn (MA 50, MA 100) là tín hiệu cảnh báo về khả năng xu hướng điều chỉnh hình thành.
Chế biến thủy sản cũng bị bán mạnh, khi HVG, IDI điều chỉnh 2.4% và 1.3%, còn VHC đứng giá. VHC đang biến động trong vùng 52,000-56,000, hình thành giai đoạn tạm ngưng trong xu hướng, nếu giá có thể bứt phá qua vùng 56,000 thì xu hướng tăng sẽ quay trở lại. Mục tiêu giá có thể là đỉnh tháng 07/2017 (quanh vùng 60,000).
14h: Dầu khí bứt phá
Dòng tiền tích cực chảy vào thị trường giúp VN-Index duy trì đà tăng đầu giờ chiều, dầu khí tiếp tục là đầu tàu dẫn dắt thị trường đi lên.
Độ rộng toàn thị trường khá cân bằng khi có 230 mã tăng và 222 mã giảm. Điều này cho thấy lực cầu đang tăng trên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và giúp chỉ số tăng trưởng.
Dầu khí vẫn là tâm điểm trong phiên khi nới rộng đà tăng. Ngoài PVT giao dịch tại mức trần thì PVS và PVD đang hút mạnh dòng tiền.
Nhóm chứng khoán với các đầu tàu SSI, HCM, VND duy trì sắc xanh. Đặc biệt, HCM đang tăng tốt nhất, cổ phiếu đã phá đỉnh đầu tháng 12/2017 và trong quá trình tạo lập đỉnh cao lịch sử. Kháng cự mạnh trong ngắn hạn có thể là quanh vùng 60,000.
ROS tiếp tục giúp ngành bất động sản đi lên, khi giao dịch ở mức trần và trống bên bán. Ngoài ra, NVL đã quay đầu và tăng trở lại. VIC thì giằng co quanh tham chiếu.
Chiều ngược lại, nhóm chăm sóc sức khỏe có sự điều chỉnh giảm. DHG lao dốc hơn 1% sau khi tăng ba phiên liên tiếp. Nhưng xu hướng tăng vẫn được duy trì và sự điều chỉnh trong phiên chỉ là hiện tượng rung lắc ngắn hạn. Nếu bứt phá qua vùng 115,000-120,000 (đỉnh cũ tháng 10/2017) thì DHG có thể tăng mạnh lên lại đỉnh cũ tháng 06/2017 (vùng 127,000-130,000).
Áp lực bán vẫn còn trên nhóm chế biến thủy sản khi các ông lớn HVG, IDI đều điều chỉnh.
Phiên sáng: Thử thách lại vùng 955-960 điểm
Tâm lý tích cực được duy trì giúp VN-Index phục hồi và thử thách lại vùng 955-960 điểm. Ngành dầu khí là động lực chính giúp thị trường tăng trường.
Kết phiên sáng, VN-Index tăng lên mức 957.41 điểm, tăng 0.63%. HNX-Index tăng 0.78% lên mức 114.25 điểm.
Lực cầu cổ phiếu gia tăng ở hầu hết các nhóm ngành. Có 15/20 nhóm tăng trưởng hàm ý bên mua đang quay trở lại và bên bán không còn quyết liệt như đầu phiên. Có 202 mã tăng và 207 mã giảm.
Họ dầu khí trở thành tâm điểm, do liên tục thu hút nhà đầu tư. Bốn đại gia trong ngành: GAS, PVD, PVT, PVS tăng trưởng ấn tượng, từ 4% trở lên. Cổ phiếu PVT giao dịch ở mức trần và trống bên bán. Hầu hết các cổ phiếu trong ngành đang trong quá trình tạo lập đỉnh mới, nên xu hướng tăng rất mạnh và được duy trì.
Ngân hàng tăng trưởng tốt và các cổ phiếu chủ chốt (VCB, BID, CTG) đều tăng hơn 1%. Hiện tượng giằng co sẽ còn tiếp tục khi nhóm này đang tích lũy trong biên độ hẹp cho xu hướng mới. Như MBB đang giằng co quanh MA 20, nếu giá có thể bứt phá trên đường này thì xu hướng tăng sẽ quay lại.
Cổ phiếu bất động sản tăng trưởng với sự dẫn dắt của ROS. ROS tăng trần phiên thứ 2 liên tiếp và trống bên bán. Dòng tiền cũng chảy vào các mã có tính đầu cơ trong ngành như: FLC, SCR. Ngược lại, VIC lại giảm nhẹ.
Sau giai đoạn điều chỉnh nhóm sản phẩm cao su đảo chiều, CSM và DRC tăng mạnh trên 3.5%. Hai cổ phiếu này đang được hỗ trợ mạnh từ đường MA 20 nên đáy ngắn hạn có thể được hình thành quanh đường này.
Thực phẩm – đồ uống phân hóa mạnh. Khi VNM, MSN đảo chiều và tăng trở lại thì SAB vẫn “nằm” sàn. Lực bán trên SAB khá mạnh khi khối lượng liên tục tăng trong những phiên gần đây, cổ phiếu này đã giảm sàn 2 phiên liên tục nên xu hướng giảm có thể được hình thành.
10h30: SAB lại giảm sàn, NLG tiếp tục bứt phá
VN-Index giằng co mạnh khi liên tục đảo chiều quanh tham chiếu. Lực bán gia tăng trên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Ngược lại, dòng tiền vào dầu khí.
Độ rộng thị trường khá lớn khi có 167 mã tăng và 208 mã giảm. Điều này cho thấy lực bán đang có dấu hiệu gia tăng trên diện rộng.
Áp lực bán gia tăng trên nhóm thực phẩm – đồ uống, SAB, VNM điều chỉnh. Đặc biệt, SAB giảm sàn và trống bên bán, khối lượng gia tăng mạnh cho thấy bên bán khá quyết liệt, nên khả năng điều chỉnh còn tiếp tục. Cổ phiếu này đang giảm sàn phiên thứ 2 liên tiếp.
Chế biến thủy sản cũng bị chốt lời, khi bên bán tập trung vào HVG và IDI, điều chỉnh từ 0.5% trở lên. Ngược lại, VHC lại đứng giá.
Ngành bất động sản có sự phân hóa, toàn ngành điều chỉnh, nhưng dòng tiền lại tập trung vào một số cổ phiếu nóng như ROS (đang tăng trần và trống bên bán). Cổ phiếu NLG tiếp tục bứt phá sau phiên điều chỉnh hôm qua, bên cạnh đó thì khối ngoại đang tiếp tục mua ròng NLG. Động thái khối ngoại mua ròng NLG đã diễn ra trong nhiều phiên gần đây.
Ngược lại, họ dầu khí thu hút được dòng tiền khi tăng mạnh, các ông lớn GAS, PVT, PVD, PVS đều tăng trưởng ấn tượng từ 4% trở lên. PVT đang tăng mạnh trên 6% có lúc giao dịch ở mức trần. Giá đã phá đỉnh đầu tháng 12/2017 nên xu hướng đang rất mạnh. Kháng cự ngắn hạn là vùng 20,000. PVT đang trong quá trình hình thành đỉnh cao trong 9 năm trở lại đây.
Ngân hàng đi lên, sắc xanh duy trì trên VPB, STB, VCB… Nhưng xu hướng chung của ngành là điều chỉnh và tích lũy trong biên độ hẹp, nên cổ phiếu ngân hàng có thể tiếp tục giằng co trong thời gian tới.
Sản phẩm cao su phục hồi sau giai đoạn rung lắc, CSM và DRC đi lên mạnh, tăng trên 3%.
Mở cửa: Bật tăng trở lại sau ít phút điều chỉnh
Lực cầu cổ phiếu gia tăng giúp VN-Index đảo chiều và tăng trưởng trở lại. Dầu khí tiếp tục dẫn dắt thị trường đi lên.
Độ rộng thị trường khá cân bằng khi có 141 mã tăng và 142 mã giảm. Điều này chứng tỏ lực bán chỉ gia tăng trên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, qua đó tạo áp lực lên chỉ số.
Giá dầu thế giới tăng trưởng phiên tối qua tạo động lực tốt cho một số ông lớn trong ngành, GAS, PVD, PVS, PVT đều đi lên. Đáng chú ý đà tăng của PVS đang rất mạnh, cổ phiếu này đã vượt đỉnh cũ tháng 08/2016, qua đó xác nhận xu hướng tăng trung hạn quay trở lại. Khối lượng tăng mạnh cũng là tín hiệu xác nhận quan trọng. Mục tiêu giá ngắn hạn có thể là đỉnh cũ tháng 07/2015 (quanh 25,000).
Ngành chứng khoán lại có sự tăng trưởng tốt khi hai trụ cột trong ngành là HCM và SSI đều duy trì sắc xanh. Ngân hàng tiếp tục thu hút dòng tiền khi hàng loạt các cổ phiếu trụ cột đều duy trì sắc xanh như CTG, VCB, BID.
Chiều ngược lại, ngành thực phẩm – đồ uống điều chỉnh với các đại gia MSN, SAB đi xuống. Sau phiên đấu giá cổ phần SAB của Bộ Công Thương ngày 18/12/2017, áp lực chốt lời đã gia tăng trên cổ phiếu này, khiến giá liên tục lao dốc. Hiện SAB giảm mạnh, có lúc “nằm” sàn trong phiên sáng. SAB chiếm tỷ trọng lớn trong VN-Index nên việc điều chỉnh sẽ có tác động tiêu cực lên chỉ số.
Trên sàn HNX, HNX-Index có diễn biến tương tự khi tăng nhẹ, chỉ số cho thấy tín hiệu hình thành đáy ngắn hạn tại đỉnh cũ tháng 10/2017 (vùng 109-111 điểm).
Mạnh Hiếu
FiLi
|