Người Sài Gòn mượn tiền xài thoải mái, không ngán lãi 'khủng'?
Việc phát triển mạnh kênh tín dụng tiêu dùng đã góp phần khiến người Sài Gòn từ thói quen mượn tiền người thân, bạn bè sang vay mượn các công ty tài chính; với tổng dư nợ đã là 244.000 tỉ đồng.
Cho vay tiêu dùng đã tăng rất nhanh trong thời gian qua. Ảnh: TỰ TRUNG.
|
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, dư nợ cho vay tiêu dùng tại TP.HCM thời gian qua đã tăng rất nhanh, lên đến 244.000 tỉ đồng.
Từ mức chỉ chiếm 4% tổng dư nợ năm 2012, đến nay dư nợ cho vay tiêu dùng tại TP.HCM đã lên mức 12,2% trong tổng dư nợ, tương đương 244.000 tỉ đồng.
So với năm 2016, tỉ trọng cho vay tiêu dùng cũng tăng đến 4,2% chỉ sau một năm.
Về con số tuyệt đối, so với lần công bố gần nhất của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM vào năm 2015 là 80.000 tỉ đồng, đến nay dư nợ cho vay tiêu dùng đã tăng gấp ba lần.
Theo ông Minh, việc các ngân hàng và công ty tài chính đẩy rất mạnh cho vay tiêu dùng thời gian qua đã giúp giải quyết phần nào khó khăn tài chính cho người dân, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đồng thời tăng trưởng doanh thu cho ngân hàng và công ty tài chính.
"Hiện có hai phân khúc rõ rệt trong cho vay tiêu dùng. Khách hàng của ngân hàng là chuẩn, còn khách hàng của công ty tài chính là dưới chuẩn, không có tài sản thế chấp, do vậy cần những dịch vụ chuyên biệt, đặc thù", ông Minh nói trong buổi công bố bộ nhận diện thương hiệu mới của Home Credit mới đây.
Báo cáo công bố hồi giữa năm nay của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) ước tính quy mô thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đã đạt gần 600.000 tỉ đồng (khoảng 26 tỉ USD) trong năm 2016, chiếm gần 10% GDP.
Dự báo sẽ tiến tới mốc một triệu tỉ đồng vào năm 2019 với mức tăng trưởng bình quân 29% mỗi năm.
Tỉ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của phân khúc này theo Công ty chứng khoán Bản Việt, đạt khoảng 20% so trung bình ngành ngân hàng là 2,9%.
Nói cách khác mỗi 100 đồng tài sản ngân hàng đem cho vay thông thường sẽ tạo ra 2,9 đồng thu nhập lãi thuần, còn nếu cho vay tiêu dùng sẽ mang về 20 đồng thu nhập.
Chính mức lãi suất cao gấp nhiều lần khoản vay thế chấp thông thường, đã đưa tín dụng tiêu dùng trở thành một kênh kinh doanh hấp dẫn.
Việc phát triển mạnh kênh tín dụng tiêu dùng cũng khiến người dân thay đổi dần thói quen từ vay mượn người thân, bạn bè sang vay mượn từ các công ty tài chính. Trên thị trường hiện tại, 4 công ty gồm FE Credit, Home Credit, HD Saison và Prudential Finance nắm đến 80% thị phần công ty tài chính tiêu dùng đồng thời chạy đua trong việc hình thành các liên kết với các doanh nghiệp bán lẻ.
tuổi trẻ
|