Mỹ khởi động cuộc “chạy đua thuế”?
Dự luật cải cách thuế vừa được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành cuối tuần trước bị lo ngại sẽ tạo ra sân chơi không bình đẳng và châm ngòi cho cuộc chạy đua giữa các quốc gia để cắt giảm thuế doanh nghiệp.
Hai ngày trước lễ Noel, Tổng thống Donald Trump đã ký dự luật cải cách thuế do đảng Cộng hòa đề xuất trị giá 1.500 tỉ đô la và gọi đó là “món quà Giáng sinh” sớm dành cho người Mỹ.
Nhưng không phải người dân nào cũng hào hứng với món quà này. Kết quả nhiều cuộc thăm dò dư luận cho thấy, dự luật cải cách thuế mới gây ra những phản ứng trái chiều trong dư luận và số người phản đối hay đồng tình đều ở mức xấp xỉ 50%. Song, với cá nhân tổng thống thì đây thực sự là món quà có ý nghĩa, bởi nó là một trong những chiến thắng lập pháp lớn nhất của ông kể từ khi lên nắm quyền.
Đối với ông Donald Trump và các nghị sĩ đảng Cộng hòa trong Quốc hội, cuộc cải cách thuế lớn nhất trong vòng 30 năm qua này sẽ biến Mỹ thành địa điểm hấp dẫn hơn cho kinh doanh.
Phát biểu tại lễ ký, Tổng thống D. Trump nhắc lại “câu thần chú” “Nước Mỹ trên hết”, cho rằng dự luật thuế sẽ tạo ra nhiều việc làm và nhiều khoản đầu tư hơn. “Rất nhiều thứ sẽ xảy ra ở Mỹ. Chúng tôi sẽ mang các công ty trở lại. Họ đã bắt đầu trở lại”, ông nói.
Nhưng với phần còn lại của thế giới, dự luật thuế được cho là sẽ tạo ra một sân chơi không bình đẳng và có nguy cơ gây ra cuộc chạy đua thuế giữa các quốc gia.
Theo dự luật mới, thuế suất thuế doanh nghiệp của Mỹ sẽ giảm xuống còn 21% so với mức 35% trước đó. Tỷ lệ này đưa Mỹ từ nhóm nước có thuế doanh nghiệp cao tụt xuống nhóm các nước có thuế suất thấp. Các quốc gia như Úc, Pháp, Đức và Nhật, tất cả đều có mức thuế suất ít nhất 30%. Và họ sẽ chịu áp lực sau động thái của Mỹ.
Andrew Mackenzie, Giám đốc điều hành của nhà khai thác mỏ B.H.P. Billiton, có trụ sở tại Úc và có các hoạt động chính ở Bắc và Nam Mỹ, nói với The New York Times: chính phủ các nước trên toàn thế giới, nếu muốn thấy có thêm đầu tư, sẽ phải làm theo Mỹ.
Ông Stefano Micossi, Tổng giám đốc Assonime, một hiệp hội của các công ty Ý niêm yết trên thị trường chứng khoán, cho rằng Mỹ sẽ tạo áp lực cho một đợt cắt giảm thuế mới.
Tại châu Âu, các nhà lãnh đạo khu vực đã lường trước viễn cảnh về một “cuộc chiến thương mại”, nghĩa là họ có thể sẽ phản đối một số điều khoản của luật thuế mới ở Mỹ tại WTO. Các quan chức Trung Quốc cũng đang chuẩn bị các biện pháp phòng thủ để bảo vệ nền kinh tế và khả năng cạnh tranh của đất nước.
Tân Hoa xã, dẫn lời Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Zhu Guangyao cho biết sẽ “thực hiện các biện pháp chủ động” để đối phó với Mỹ. Ông Zhu nhấn mạnh rằng, Trung Quốc không thể lơ là trước những tác động của việc thay đổi chính sách thuế tại một nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ở Trung Quốc, mức thuế suất thuế doanh nghiệp trung bình đang là 25%. Ngoài ra, các công ty phải đóng bảo hiểm xã hội và các khoản khác, đẩy gánh nặng thuế của họ lên mức cao hơn.
Hiện các quan chức Trung Quốc lo nhất là kiểm soát dòng tiền qua biên giới để giữ cho hệ thống tài chính ổn định. Các doanh nghiệp muốn chuyển từ trên 5 triệu đô la ra nước ngoài thường phải được phép của ngân hàng trung ương và thủ tục xin phép phải mất ít nhất vài tháng.
Trung Quốc lo ngại những ưu đãi thuế mới của Mỹ có thể hấp dẫn các công ty đang nản lòng bởi chi phí lao động tăng, các đối thủ cạnh tranh đầy tham vọng ở địa phương và hệ thống pháp luật thiếu minh bạch.
Patrick Yip, chuyên gia về thuế của Công ty Deloitte Trung Quốc, ước tính các khách hàng của ông - những công ty lớn có nhiều năm kinh nghiệm ở Trung Quốc - có thể sẽ rút trung bình 20-30 triệu đô la Mỹ trong năm tới. “Nhiều khách hàng của chúng tôi đang suy nghĩ tìm địa điểm triển khai các khoản đầu tư của họ”, ông nói.
Từ châu Âu, các quan chức khu vực cũng lo ngại các biện pháp mà Mỹ cho là khuyến khích các công ty sản xuất hàng hóa ở Mỹ và bán chúng ra nước ngoài sẽ vi phạm các thỏa thuận giữa các quốc gia về chống trợ cấp xuất khẩu.
“Chúng tôi hy vọng, Mỹ, với tư cách là nền kinh tế lớn nhất thế giới, sẽ đảm bảo những cải cách thuế mới nhất không tạo ra sự phân biệt đối xử và phù hợp với các nghĩa vụ trong WTO”, Ủy ban châu Âu tuyên bố trong một thông cáo được trích dẫn trên báo chí.
Ngân hàng Thụy Sỹ Credit Suisse tuần trước cho hay, họ dự kiến sẽ phải cắt giảm 2,3 tỉ đô la từ lợi nhuận quí 4, vì những tác động từ cải cách thuế ở Mỹ.
“Chính sách thuế của Mỹ có thể gây bất ổn tai hại lên thị trường tài chính quốc tế”, một nhóm bộ trưởng tài chính châu Âu đã viết cho các quan chức Mỹ tuần trước trong một văn bản được The New York Times trích đăng.
Ủy ban châu Âu cảnh báo đã chuẩn bị “tất cả các phương án” để đối phó với dự luật thuế mới của Mỹ.
Minh Đức
Thời báo Kinh tế Sài Gòn
|