Chờ đợi gì từ chính sách tiền tệ của các NHTW trong năm 2018?
Khi năm 2017 gần khép lại, CNBC cũng xem tới dự tính của các Ngân hàng Trung ương (NHTW) ở Mỹ, khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Anh, và Nhật Bản về chính sách tiền tệ trong năm 2018.
Fed: 3 lần nâng lãi suất hoặc nhiều hơn?
Trong bối cảnh kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh trong năm 2017, các chuyên gia phân tích kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất ít nhất 3 lần trong năm tới.
Andy Cates, Chuyên gia kinh tế tại Nomura, tin rằng Fed có thể còn nâng lãi suất nhiều hơn thế nếu như các công ty đầu tư nhiều hơn.
Nick Gartside, Giám đốc phụ trách đầu tư về thu nhập cố định tại JP Morgan Asset Management, cho biết: “Các yếu tố cơ bản ở Mỹ tiếp tục xu hướng khả quan; chỉ số PMI vẫn ở mức cao; niềm tin tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh; và các điều kiện của thị trường lao động cho thấy sự cải thiện”.
NHTW châu Âu: Một đợt nâng lãi suất trước khi thời điểm kết thúc gói nới lỏng định lượng (QE)?
Eurozone đang tận hưởng một trong những giai đoạn tăng trưởng tốt nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, trong đó tốc độ tăng trưởng của khu vực này còn cao hơn cả Mỹ.
Trong quý 3/2017, khu vực 19 thành viên tăng trưởng 0.6% so với quý trước, và 2.5% so với cùng kỳ năm trước; trong khi đó, kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng 2.3% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Gartside cho hay: “Với mức tăng trưởng mạnh như thế này, rủi ro ở đây là thị trường bắt đầu phản ánh việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nâng lãi suất sớm hơn dự kiến”.
Tại thời điểm này, thị trường dự báo không có đợt nâng lãi suất nào trong năm 2018 và ECB vẫn để ngỏ khả năng tăng trường kích thích kinh tế nếu như các điều kiện kinh tế thay đổi.
Hồi tháng 10/2017, ECB tuyên bố giảm bớt quy mô chương trình mua tài sản từ 60 tỷ Euro (tương ứng 70.41 tỷ USD) xuống còn 30 tỷ Euro kể từ tháng 1 năm tới và kéo dài cho tới ít nhất là tháng 9/2018.
Ông Cates tin rằng lạm phát lõi (core inflation) sẽ tăng cao hơn so với dự báo của ECB trong năm 2018. Nếu điều này trở thành sự thật thì sẽ gia tăng áp lực để ECB thực hiện kích thích kinh tế mạnh hơn nữa.
Tuy nhiên, ông Cates lên tiếng cảnh báo rằng tình trạng bất ổn về chính trị có thể là yếu tố tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Cuộc bầu cử sắp tới ở Italy (dự kiến diễn ra vào nửa đầu năm 2018) được xem là rủi ro tiềm tàng vì sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Đảng dân túy.
NHTW Anh: Có thể nâng lãi suất 2 lần?
Hồi tháng 11/2017, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) tuyên bố nâng lãi suất lần đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ, trong lúc áp lực lạm phát mạnh và tỷ lệ thất nghiệp thấp.
Ngoài ra, BoE còn báo hiệu về dự định thắt chặt chính sách tiền tệ một cách từ từ trong vài năm tới. Do đó, thị trường đã phản ánh một đợt nâng lãi suất trong năm 2018 vào giá cổ phiếu. Tuy nhiên, cả ông Cates và Gartside đều tin rằng có thể BoE sẽ nâng lãi suất 2 lần trong năm tới.
Một yếu tố quan trọng cần phải xem xét tới là Brexit. Cho tới nay, quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) của Anh chỉ khiến đồng Bảng Anh suy yếu. Tuy nhiên, xét tới việc quá trình đàm phán về Brexit có thể tiếp tục trong suốt năm 2018, ông Cates tin rằng trong ngắn hạn, Brexit sẽ không gây ra sự bất ổn kinh tế, và do đó BoE sẽ có thể tập trung vào nền kinh tế nước mình.
NHTW Nhật Bản: Giữ nguyên chính sách?
Khi áp lực lạm phát còn thấp, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) chẳng vội gì thắt chặt chính sách tiền tệ của mình. Được biết, BoJ thiết lập lãi suất ngắn hạn ở mức -0.1%, và mục tiêu lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức 0%.
Ông Gartside cho biết: “Miễn là môi trường lạm phát hiện nay vẫn tiếp diễn thì chúng tôi không kỳ vọng BoJ giảm bớt quy mô của chương trình mua tài sản với tốc độ nhanh hơn vì họ đang cố gắng tránh làm đồng JPY tăng giá”.
Ngoài ra, ông Cates cho biết BoJ là Ngân hàng Trung ương dễ đoán nhất về dự định trong năm 2018. “Sẽ không rút lại gói kích thích kinh tế”, ông cho hay.
Theo một báo cáo công bố trong tháng 10/2017, chỉ số giá tiêu dùng lõi ở Nhật Bản được dự báo tăng trưởng ở mức 0.8% trong năm tài chính 2017-2018, thấp hơn dự báo trước đó là 1.1%.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|