Chuyển động dòng tiền tuần 04-08/12:
Dòng tiền giảm mạnh ở nhóm cổ phiếu bất động sản
Dòng tiền trên hai sàn trong tuần giao dịch 04-08/12 đều lao dốc trong đó, nhóm bất động sản có không ít những cái tên bị dòng tiền rời bỏ.
Các chỉ số thị trường đồng loạt giảm điểm trong tuần qua. Cụ thể, VN-Index kết thúc tuần giảm 2.10% đứng tại 940.16 điểm; trong khi HNX-Index đóng cửa tuần giảm 1.45% đang dừng ở 113.81 điểm. Theo đó, khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 206.4 triệu đơn vị/phiên sụt giảm 12.96% so với tuần giao dịch trước; trong khi trên sàn HNX đạt 66.9 triệu cổ phiếu/phiên, giảm 3.57%.
Xét các cổ phiếu có khối lượng giao dịch trung bình lớn hơn 100,000 đơn vi/phiên thì sàn HOSE đã ghi nhận 11 cổ phiếu có mức thanh khoản tăng hơn 100%, trong đó hai mã ASM và CSM đã tăng hơn 200% còn VOS “chễm chệ” tại vị trí quán quân tăng thanh khoảng với 450%.
Dẫu không có thông tin gì được công bố trong tuần qua nhưng VOS lại bất ngờ giao dịch sôi động suốt 5 phiên với khối lượng trung bình gần 1.8 triệu đơn vị, tăng gần 450% so với tuần trước đó. Về giá thì cổ phiếu này cũng đã có 4 phiên khoác sắc tím giúp VOS tăng hơn 24%.
Bên cạnh thông tin tiếp tục thua lỗ 9 tháng 231 tỷ đồng khiến lỗ lũy kế vượt ngưỡng 1,000 tỷ đồng tại thời điểm 30/09/2017, thì mới đây VOS cùng một số doanh nghiệp vận tải biển đã liên kết lại để ký hợp đồng khung với các tập đoàn lớn của Malaysia như Petronas Chemicals Marketing Ltd, Hemat Marine Sdn Bhd về vận chuyển phân bón.
Trong dòng sự kiện gom thoát hàng của quỹ ngoại thì dòng tiền lại khá ưu ái rót vào một số mã, thậm chí đó là cổ phiếu bị loại. Cụ thể, giao dịch tại ASM tăng vọt 251% từ khoảng 2 triệu lên hơn 7 triệu đơn vị, trong đó phiên giao dịch đầu tuần ngày 04/12 ghi nhận hơn 10 triệu cp khớp lệnh. Trong khi đó, ASM là cái tên bị loại ra khỏi danh mục FTSE Vietnam Index. Tương tự với HBC khả năng sẽ bị VNM ETF bán hết 4.07 triệu USD nhưng thanh khoản trong tuần qua lại gần 66% với khối lượng trung bình khoảng 2 triệu đơn vị.
Sự kiện đảo danh mục cũng khoấy động thanh khoản tại hai mã SBT và HSG, ghi nhận lần lượt tăng 118% và 80% với khối lượng khớp lệnh trung bình đạt hơn 5 triệu cp. Được biết, VNM ETF dự kiến sẽ tăng tỷ trọng ở hai cổ phiếu này trong tuần giao dịch 11-15/12.
Khi mà giá cao su vẫn đang dao động dưới 200 JPY/kg và hiện đang dừng chân tại 193.7 trong ngày 08/12/2017, thì hai cổ phiếu CSM và DRC cũng được hưởng lợi không ít về thanh khoản lẫn giá trên thị trường. Khối lượng khớp lệnh trung bình của CSM đã tăng hơn 200% và giá đã nhích thêm 4.6%, còn DRC thì tăng gần 120% về thanh khoản và giá tăng 5.8%.
Cổ phiếu DIG sau sự kiện thoái vốn nhà nước ở tuần trước đó thì thanh khoản đã dần quay trở lại quỹ đạo với 3.8 triệu cp/phiên, giảm 87% sau mức đột biến hơn 30 triệu đơn vị/phiên.
Đáng lưu ý là dòng tiền ở một số cổ phiếu bất động sản sụt giảm mạnh. Cụ thể, HDC đã giảm hơn 70% khối lượng khớp lệnh trung bình về còn khoảng 125,000 cp/phiên, hay FCN đang có mức thanh khoản 1.7 triệu đơn vị/phiên thì trong tuần 04-08/12 chỉ còn khoảng 860,000 đơn vị/phiên, giảm hơn 49%.
HQC trước đó có khối lượng giao dịch khá lớn hơn 10 triệu đơn vị/phiên cũng chung số phận bị dòng tiền rời bỏ khi ghi nhận khối lượng khớp lệnh trung bình chỉ 5.3 triệu đơn vị/phiên, bốc hơi gần 47%. Không chỉ ba cái tên được đề cập trên, NBB, IJC, TDC, CTI cũng nằm trong danh sách giảm thanh khoản với mức giảm lớn hơn 40%.
Gần đây, tại buổi hội thảo “Nhận diện cơ hội và rủi ro thị trường bất động sản năm 2018”, nhóm bất động sản đã đón nhận một số thông tin như quý 1/2018 sẽ trình ý kiến bỏ ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực bất động sản; dự báo thị trường bất động sản sẽ tiếp tục tăng trưởng với những tín hiệu tích cực từ chính sách tín dụng, chính sách vĩ mô... trong năm 2018 hay khả năng Bitcoin sẽ được dùng để rao bán nhà đất. Song, theo đánh giá của chuyên gia tại hội thảo thì vẫn tồn tại không ít rủi ro liên quan đến chênh lệch cung cầu tại phân khúc nhà cao cấp, nghỉ dưỡng và khung pháp lý vẫn chưa thực sự hoàn thiện.
Trên sàn giao dịch HNX, tâm lý hứng khởi có vẻ yếu hơn khi chỉ có 4 mã giao dịch tăng hơn 100% và duy nhất chỉ có MST là cổ phiếu tăng hơn 200%.
Cụ thể, khối lượng khớp lệnh trung bình tại MST đã tăng 260% từ khoảng 400,000 đơn vị lên hơn 1.4 triệu đơn vị. Song trên sàn cổ phiều này lại đang tụt dốc không phanh suốt 2 tháng qua từ vùng giá 16,000 đồng về còn 7,700 đồng/cp. Riêng giao dịch tuần 04-07/12, cổ phiếu MST đã có 4 phiên lau sàn và bốc hơi gần 26% trị giá.
Chưa rõ nguồn nhân đà tuột dốc suốt thời gian qua vì đâu trong khi quý 3 đạt kết quả kinh doanh khá ấn tượng khi lãi ròng tăng đột biến gấp 2.6 lần cùng kỳ khi đạt 5 tỷ đồng, đồng thời mới đây là thông tin ký kết một số hợp đồng với các đối tác như Toàn Cầu Trident Holdings, Thép Đồng Phát hay hợp đồng mua bán vật liệu PU, là bước đi đầu tiên nhằm nhằm tham gia chiếm lĩnh thị trường loại vật liệu này.
Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm cao nhất sàn HOSE
|
Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm cao nhất sàn HNX
|
Phúc Mai
FILI
|