Thứ Sáu, 08/12/2017 14:33

Chính sách BHXH: Cần một cuộc đại phẫu

Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) theo hướng cắt giảm quyền lợi của người lao động là việc làm rất khó khăn, vấp phải sự phản ứng của xã hội. Nhưng nếu chậm cải cách thì những biện pháp sau này sẽ càng “khốc liệt” và như vậy những thế hệ sau sẽ là người gánh chịu thiệt hại nhất.

Trên thế giới đã có nhiều nước chậm trễ trong việc cải cách hệ thống BHXH và sau đó phải chịu hậu quả nghiêm trọng. Ảnh: NGUYỄN NAM

Càng chậm cải cách, nguy cơ càng lớn

Tại một hội thảo gần đây về chính sách BHXH, ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đưa ra một thực tế không mấy tươi sáng về quỹ BHXH. Theo đó, những khiếm khuyết trong chính sách BHXH cũ đang gây ra tình trạng mất cân đối nghiêm trọng đối với quỹ này, điển hình là quỹ hưu trí, tử tuất, một cấu phần chính của quỹ BHXH.

Số liệu mà ông Giang đưa ra cho thấy, theo quy định, tuổi nghỉ hưu trung bình là 57 tuổi nhưng tuổi nghỉ hưu thực tế của người lao động hiện nay chỉ hơn 54 tuổi. Hiện tuổi thọ bình quân của những người sau nghỉ hưu được kỳ vọng lên 78,8 tuổi. Như vậy, thời gian hưởng lương hưu là gần 25 năm.

“Thời gian đóng như vậy chỉ đủ chi trả trong vòng tám năm, hơn 15 năm còn lại quỹ sẽ phải tự cân đối. Trong khi đó, nguyên tắc tính phí bảo hiểm là để hưởng 20 năm, người lao động phải đóng tối thiểu 40 năm thì quỹ mới đảm bảo cân bằng”, ông Giang nói.

Chưa kể, theo ông, hiện nay công thức tính lương hưu rất “hào phóng”, đóng tỷ lệ 22% nhưng khi về hưu hưởng lên tới 75% bình quân tiền lương hàng tháng đóng BHXH. Các nước trong khu vực có tỷ lệ hưởng thấp hơn nhiều.

Tuy nhiên, một chuyên gia về BHXH cho rằng, cách giải thích của ông Giang chưa hoàn toàn chính xác và chưa thể hiện rõ sự bất hợp lý giữa từng nhóm đối tượng tham gia quỹ này. Hiện nay, khu vực nhà nước (bao gồm lực lượng vũ trang, công chức, viên chức, doanh nghiệp nhà nước) có cùng mức đóng với khu vực tư nhân nhưng lại hưởng lương hưu khác nhau. Hiện lương hưu bằng tỷ lệ hưởng lương hưu nhân bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Khu vực nhà nước tính bình quân năm năm cuối cùng, là những năm có tiền lương cao nhất, trong khi khu vực tư nhân bị tính bình quân cả quá trình tham gia BHXH. Chưa kể, lực lượng vũ trang có tuổi nghỉ hưu bình quân của nam và nữ theo quy định sớm hơn so với các đối tượng khác năm năm nên thời gian họ hưởng lương hưu cũng cao hơn.

Do đó, quỹ BHXH phải bù cho khu vực nhà nước nhiều hơn rất nhiều so với khu vực tư nhân. Theo tính toán của vị chuyên gia này, với công thức tính lương hưu trên thì số tiền mà khu vực tư nhân đóng vào đủ để họ hưởng lương hưu trong vòng hơn 12 năm tùy thuộc vào mức đóng và thời gian đóng của người lao động chứ không phải tám năm như cách tính của ông Giang.

Một lý do khác mà ông Giang đưa ra là tốc độ già hóa dân số của Việt Nam đang ở mức cao kỷ lục. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, thời gian chuẩn bị cho già hóa của Việt Nam rất ngắn. Thời gian chuyển từ tỷ lệ người cao tuổi chiếm 7% dân số sang 14% của Pháp diễn ra trong 100 năm, của Mỹ 69 năm, của Nga 50 năm trong khi của Việt Nam chỉ có... 15 năm.

Ông Giang đưa ra số liệu như vậy để cho thấy rằng, nếu cứ tiếp tục giữ nguyên hệ thống hưu trí như hiện nay thì tình trạng mất cân đối quỹ sẽ diễn ra. Khi đó, những cải cách càng về sau sẽ càng “khốc liệt”. Đặc biệt, thế hệ sau sẽ chịu nhiều thiệt hại nhất khi tiền lương hưu, thời gian hưởng lương hưu sẽ giảm một cách đột ngột.

Ông William Price, chuyên gia tài chính cao cấp của nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank Group) cũng cho rằng nếu cải cách không được thực hiện từ từ và ngay bây giờ thì những cải cách sau này sẽ rất khốc liệt và người lao động sẽ khó thích ứng hơn. Trên thế giới đã có nhiều nước chậm trễ trong việc cải cách hệ thống BHXH và sau đó phải chịu hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ như tại Hy Lạp, lương hưu đã giảm tới 40% sau cuộc khủng hoảng tài chính, hay như Ý, tuổi nghỉ hưu của nữ đã phải điều chỉnh tăng đột ngột từ 62 tuổi năm 2010 lên 66 tuổi năm 2018 và 67 tuổi năm 2020.

“Cải cách hệ thống BHXH ngay từ bây giờ là cách duy nhất để bảo vệ người lao động khỏi những cải cách khắc nghiệt sẽ phải thực hiện sau đó”, ông William Price nói.

Xây dựng hệ thống đa tầng, đa liệu pháp

Các chuyên gia đều cho rằng, một liều thuốc đơn lẻ sẽ không giải được căn bệnh của quỹ hưu trí hiện nay mà cần phải có một cuộc “đại phẫu” với nhiều liệu pháp được đưa ra.

Theo ông Nuno Meira Simoes da Cunha, chuyên gia về an sinh xã hội của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) khu vực Đông, Đông Nam Á và Thái Bình Dương, hệ thống BHXH của Việt Nam hiện nay là hệ thống đơn tầng, do đó, cần phải xây dựng hệ thống đa tầng với nhiều tấm lưới an sinh khác nhau.

ILO khuyến nghị hệ thống BHXH nên được xây dựng làm ba tầng. Tầng một là mức hưởng thấp nhất, bất kể ai về hưu dù đóng ít hay nhiều vẫn được hưởng một mức cố định. Tầng thứ hai là chương trình hưu trí có đóng góp và có mức hưởng do pháp luật quy định. Tầng thứ ba dành cho những người mong hưởng mức lương hưu cao hơn,  nếu vậy họ sẽ tham gia chương trình hưu trí tư nhân.

Bên cạnh đó, các chuyên gia kiến nghị cần tăng tuổi nghỉ hưu đối với một số nhóm đối tượng và tiến tới cân bằng tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ. Ông William Price của nhóm Ngân hàng Thế giới cho rằng, nhiều nước trên thế giới đã tiến hành tăng tuổi nghỉ hưu nhưng không hề ảnh hưởng tới thị trường lao động vì họ là những thế hệ khác nhau, có trình độ chuyên môn và công việc hoàn toàn khác nhau. Bên cạnh đó, việc tăng tuổi nghỉ hưu của nữ tiến tới bằng nam là cần thiết vì nữ giới ở Việt Nam có thời gian nghỉ hưu và hưởng lương hưu đạt kỷ lục thế giới, đi kèm với đó là sự tốn kém cho quỹ BHXH.

Một giải pháp nữa được đưa ra là cần phải tính tới việc quản lý và nâng cao tính hiệu quả trong đầu tư quỹ BHXH. Nguyên tắc đầu tư quỹ hiện nay là phải bảo đảm an toàn, hiệu quả và thu hồi được vốn đầu tư. Tuy nhiên, như vậy thì hiệu quả đầu tư rất thấp.

Theo ông Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, quỹ BHXH cần phải xây dựng một nhóm phân tích về biến động kinh tế, hiệu quả đầu tư của riêng quỹ này để làm sao đầu tư hiệu quả nhất có thể.

Còn theo một chuyên gia về BHXH, việc đầu tiên cần làm là tách khu vực nhà nước và khu vực tư nhân một cách độc lập với nhau. Sau đó, phải tính tới việc tăng mức đóng và giảm mức hưởng, đồng thời tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động để cân bằng quỹ.

Về dài hạn, cần phải nhấn mạnh rằng, các nước đi theo mô hình quỹ BHXH với mức hưởng xác định trước (defined benefit) như của Việt Nam hiện nay đều sẽ dẫn tới tình trạng mất cân bằng trong dài hạn. Do đó, cần phải dần dần chuyển đổi sang mô hình tài khoản cá nhân danh nghĩa (defined contribution), tức những người lao động tham gia mới sẽ có một tài khoản riêng, đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Khi đó, quỹ BHXH mới có thể cân đối được.

tbktsg

Các tin tức khác

>   Vì sao bảo hiểm tiền gửi chỉ trả tối đa 75 triệu đồng? (04/12/2017)

>   Đóng BHXH 10-15 năm thì lương hưu ra sao? (03/12/2017)

>   Đóng bảo hiểm 28 năm chỉ đủ trả lương hưu 8 năm (29/11/2017)

>   Người lương hưu thấp nhất Việt Nam: 350.000đ/tháng (03/11/2017)

>   Doanh nghiệp ngày càng “vô tư” nợ bảo hiểm? (02/11/2017)

>   Lương hưu 101 triệu đồng/tháng vì 'đóng nhiều, hưởng nhiều' (01/11/2017)

>   Mua bảo hiểm ở đâu để yên tâm về quyền lợi? (23/10/2017)

>   Doanh thu phí bảo hiểm 9 tháng đạt hơn 75 ngàn tỷ đồng (12/10/2017)

>   Làn sóng hợp tác giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm nhân thọ (10/10/2017)

>   Tập đoàn Bảo Việt tri ân khách hàng hơn 10 tỷ đồng (10/10/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật