Thứ Năm, 02/11/2017 10:38

Doanh nghiệp ngày càng “vô tư” nợ bảo hiểm?

Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN) là ba khoản đóng bắt buộc theo luật mà doanh nghiệp phải thực hiện hàng tháng để giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí… cho người lao động. Nhưng thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp cố tình chây ỳ không đóng, nguyên nhân có phải là do thiếu chế tài hữu hiệu xử lý?

Chây ỳ hàng chục tỷ đồng của người lao động

Hàng loạt doanh nghiệp (DN) trong cả nước dù đang hoạt động bình thường, làm ăn có lợi nhuận thậm chí có thương hiệu, tiếng vang trên thị trường nhưng lại để nợ BHXH của người lao động (NLĐ) tràn lan. Trao đổi với chúng tôi, nhiều lãnh đạo các cơ quan BHXH chỉ biết “kêu trời”, bởi đã đòi nợ đủ mọi cách từ đốc thúc, đề nghị kiểm tra, thanh tra nhưng không hiệu quả.

Đơn cử như trường hợp của Tập đoàn Mai Linh. Chỉ riêng CTCP Tập đoàn Mai Linh (OTC: MLG) (địa chỉ 64-68 Hai Bà Trưng, P.Bến Nghé, Q.1, TPHCM), tính đến tháng 10/2017 đang nợ hơn 35 tỷ đồng BHXH, BHYT của người lao động; CTCP VTTH Mai Linh (quận 10) cũng nợ hơn 6 tỷ đồng… Trước đó, các cơ quan BHXH tại TPHCM đã đề nghị thanh tra, khởi kiện, đề nghị thi hành án nhưng Công ty vẫn không đóng đủ cho người lao động. Lý do được đưa ra là do làm ăn khó khăn. Tuy nhiên, cũng thời điểm đó dù bị cạnh tranh bởi Uber, Grab nhưng hàng tháng hãng Vinasun (HOSE: VNS) vẫn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cho 14,600 tài xế với khoản tiền đóng BHXH, BHYT hơn 15 tỷ đồng/tháng.

Một điển hình - Mai Linh nợ BHXH kéo dài.

Được xem như “ông trùm” trong ngành vận tải nhưng CTCP Xe khách Phương Trang (Futabuslines) liên tục để nợ BHXH đầm đìa. Dù đã bị cơ quan BHXH kiểm tra, rồi Thanh tra Sở LĐ-TB&XH xử phạt số tiền 150 triệu đồng do vi phạm các quy định về đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động nhưng DN vẫn chây ỳ. Vào đầu tháng 9/2017, BHXH TPHCM tiếp tục có văn bản yêu cầu Công ty Phương Trang phải đóng khoản tiền nợ BHXH, BHYT hơn 19 tỷ đồng cho người lao động nợ kéo dài trước đó. Nhưng, dù hoạt động ổn định, mỗi ngày cả ngàn xe khách hãng này vẫn bon bon trên đường khắp các vùng miền thì khoản nợ BHXH của người lao động nơi đây vẫn bị doanh nghiệp “vô tư” chiếm dụng không đóng cho cơ quan BHXH.

Đó là điển hình của một số doanh nghiệp có thương hiệu, có “tóc” để nắm. Trên thực tế thì hàng loạt các doanh nghiệp dạng khác không mấy quan tâm đến thương hiệu, không ngại chuyện bị… mang tiếng còn khó xử lý hơn rất nhiều. Đưa chúng tôi xem danh sách các doanh nghiệp chây ỳ kéo dài, đại diện cơ quan BHXH TPHCM lắc đầu ngán ngẩm. Nhiều doanh nghiệp nợ số tiền rất lớn, hàng vài tỷ đồng trở lên, lại né tránh, khi cơ quan chức năng làm việc rất khó đòi như: CTCP Rossano (Lô10, đường số 1, KCN Tân Tạo, Q. Bình Tân, TPHCM) nợ hơn 8 tỷ đồng; Công ty TNHH Nam Phương (Lô B2-9 KCN Tây Bắc Củ Chi, Tân An Hội, Củ Chi, TPHCM) nợ hơn 26 tỷ đồng; CTCP Xây dựng Công nghiệp Descon - DCC (Quận Bình Thạnh, TPHCM) nợ gần 5 tỷ đồng; CTCP Đầu tư và Xây dựng số 8 - CIC8 (Quận Bình Thạnh) nợ hơn 6 tỷ đồng…

Không chỉ ở TPHCM mà nhiều tỉnh thành khác, nợ BHXH, BHYT của người lao động cũng đã trở thành “phong trào” khiến quyền lợi người lao động bị vi phạm nghiêm trọng. Tại tỉnh Đồng Nai, CTCP Lilama 45.1 (L45) đang sử dụng hàng ngàn lao động nhưng không đóng BHXH, BHYT cho họ. Kéo dài nợ nần từ vài năm trước, tính đến nay Công ty Lilama 45.1 đã để số nợ BHXH, BHYT lên tới hơn 20 tỷ đồng. Tại Khánh Hòa, các doanh nghiệp lớn như CTCP Sông Đà Nha Trang; CTCP Vinalines Nha Trang đều đang nợ số tiền BHXH, BHYT hàng tỷ đồng trở lên, kéo dài nhiều năm không đóng cho người lao động.

Thiếu chế tài xử lý hữu hiệu?

Theo quy định pháp luật hiện hành, các cơ quan BHXH được giao nhiệm vụ thu BHXH, BHYT từ các doanh nghiệp để giải quyết các quyền lợi cho người lao động. Nếu hàng tháng doanh nghiệp vi phạm không đóng, cơ quan BHXH sẽ gửi thư nhắc nợ, gọi điện thoại đôn đốc. Nếu vẫn cố tình không thực hiện thì cơ quan BHXH sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra, xử phạt. Tuy nhiên, làm hết các giải pháp này mà doanh nghiệp không thực hiện thì cũng… “bó tay”.

Đơn cử trường hợp của CTCP Lilama 45.1 nợ hơn 20 tỷ đồng. Ông Phan Văn Mến - Giám đốc BHXH Đồng Nai cho biết: Mới đây BHXH tỉnh Đồng Nai tiến hành thanh tra, qua đó xử phạt Công ty Lilama 45.1 số tiền 75 triệu đồng. Nhưng đến nay Công ty vẫn chưa đóng một đồng tiền xử phạt hành chính. BHXH Đồng Nai cũng đã gửi hồ sơ sang LĐLĐ tỉnh Đồng Nai đề nghị Công đoàn khởi kiện, nhưng hiện thủ tục này vẫn đang bị tắc.

Được biết, để xử lý các doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, trước đây ngành BHXH được quyền khởi kiện ra tòa dân sự để đòi. Giải pháp này được xem là khá hiệu quả. Tuy nhiên, từ đầu năm 2016, Tòa án Nhân dân Tối cao có Công văn số 105/TANDTC-PC&QLKH hướng dẫn quy định mới về khởi kiện BHXH, giao thẩm quyền này về tổ chức công đoàn (CĐ). Thế nhưng, đã hơn một năm, tổ chức CĐ vẫn bế tắc không thể khởi kiện được doanh nghiệp và sự việc vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Trước sự bế tắc từ phía CĐ, ông Cao Văn Sang - Giám đốc BHXH TPHCM cho rằng, cơ quan BHXH cũng đã có đề xuất về nội dung giao chức năng khởi kiện trở lại cho cơ quan BHXH. Bởi lẽ, xét về tính hiệu quả việc khởi kiện này đã được chứng minh, hàng chục năm qua ngành BHXH đã khởi kiện đòi được hàng trăm tỷ đồng từ DN vi phạm. Ví dụ, năm 2014, BHXH TPHCM đã khởi kiện hơn 1,700 DN với tổng số tiền nợ hàng trăm tỷ đồng. Năm 2015 cũng khởi kiện hơn 1,900 doanh nghiệp vi phạm... Ông Sang cho rằng: Theo thống kê, cứ sau khi khởi kiện 2 năm thì số tiền thu hồi sẽ được khoảng 65% số nợ. Ngoài ra, việc khởi kiện của cơ quan BHXH còn có tác dụng răn đe rất lớn, nhiều DN lo sợ bị khởi kiện sẽ phải cân nhắc việc vi phạm...

Theo Luật sư Hồ Nguyên Lễ - Giám đốc Công ty TNHH Luật Tín Nghĩa tại TPHCM, để gỡ vướng về câu chuyện doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài như trên, cần thiết phải sửa các quy định pháp luật để có thể áp ngay vào thực tiễn. Ví dụ, về việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH, pháp luật giao cho CĐ khởi kiện nhưng chỉ giao CĐ cơ sở được khởi kiện thì khó khả thi. Bởi, Chủ tịch CĐ cơ sở là người làm công, ăn lương thì làm sao có “gan” kiện ông chủ? Vì vậy nên sửa luật theo hướng CĐ cấp trên cơ sở được trực tiếp đứng ra khởi kiện doanh nghiệp và không cần NLĐ phải ủy quyền, tránh phức tạp hóa vấn đề. Cùng với đó cần giao trở lại thẩm quyền khởi kiện cho cơ quan BHXH để tiến hành khởi kiện song song cùng với CĐ. Vì càng nhiều phương án xử lý thì đương nhiên khả năng đòi nợ càng cao hơn.

Công nhân tại quận 9, TPHCM đình công vì công ty nợ BHXH.

Mặc dù vậy, với tình trạng hiện nay thì các phương án dân sự, hành chính trong xử lý nợ BHXH, BHYT cũng chỉ mang lại một số kết quả nhất định. Bởi với nhiều doanh nghiệp cố tình trốn tránh, chây ỳ phải có chế tài mạnh hơn mới hiệu quả. Thực tế, Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016, đã bổ sung 3 điều luật quy định tội danh riêng đối với những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH gồm: Điều 214 quy định về Tội gian lận BHXH, BHTN; Điều 215 quy định về Tội gian lận BHYT và Điều 216 quy định về Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN. Tuy nhiên, sau đó các quy định này đã bị hoãn chưa đưa vào áp dụng thực hiện cùng với Bộ luật Hình sự.

Phạm Cao Tùng

Fili

Các tin tức khác

>   Lương hưu 101 triệu đồng/tháng vì 'đóng nhiều, hưởng nhiều' (01/11/2017)

>   Mua bảo hiểm ở đâu để yên tâm về quyền lợi? (23/10/2017)

>   Doanh thu phí bảo hiểm 9 tháng đạt hơn 75 ngàn tỷ đồng (12/10/2017)

>   Làn sóng hợp tác giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm nhân thọ (10/10/2017)

>   Tập đoàn Bảo Việt tri ân khách hàng hơn 10 tỷ đồng (10/10/2017)

>   Bảo hiểm y tế: Dù khéo co vẫn khó ấm (28/09/2017)

>   Chi gần 12.000 tỷ đồng quản lý bảo hiểm (27/09/2017)

>   Doanh nghiệp lại “gặp khó” vì mức đóng BHXH mới (24/09/2017)

>   Sacombank và Dai–ichi Life ký hợp đồng đại lý bảo hiểm độc quyền thời hạn dài nhất Việt Nam (06/09/2017)

>   Bộ Tài chính ra quy định mới, DN kêu trời (05/09/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật