Thứ Hai, 18/12/2017 13:15

10 cuộc chia tay CEO đáng chú ý nhất trong năm 2017

Văn hóa công ty có vấn đề. Sự phá bĩnh trong ngành xe hơi. Thay đổi lớn trong khẩu vị của người tiêu dùng. Đó là nhiều lý do khiến các CEO nổi tiếng phải rời vị trí của mình trong năm nay. Và đây là 10 trường hợp đáng chú ý nhất.

1. Ursula Burns (Xerox)

Lớn lên từ “khu nhà nghèo” Lower East Side của thành phố Manhattan, bà Burns bắt đầu sự nghiệp của mình với vai trò là thực tập sinh tại Xerox vào năm 1980. 29 năm sau bà được giao vị trí CEO, trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên quản lý một công ty thuộc danh sách S&P 500. Dưới sự điều hành của bà, doanh thu của công ty này tăng vọt đến 50% trong giai đoạn 2009-2011, đồng thời đạt mốc 23 tỷ USD, nhưng sau đó lại bị tụt dốc chỉ còn 18 triệu USD vào cuối năm 2015. Vào năm tiếp theo, Xerox đã tách thành hai công ty và mang về 2 CEO mới là Jeff Jacobson và Ashok Vemuri.

Ursula Burns

Bà rời khỏi vai trò CEO vào ngày 31/12/2016, và hiện nay, không còn người phụ nữ gốc Phi nào lãnh đạo một công ty thuộc nhóm 500 công ty hàng đầu nước Mỹ. Bà nghĩ rằng cộng đồng, trường học và giới doanh nghiệp Mỹ có thể làm nhiều hơn để giúp phụ nữ da màu có được những vị trí hàng đầu trong thế giới kinh doanh. Bà cũng dành lời khen tặng Xerox vì đã trao quyền cho bà để đạt lớp vị trí lãnh đạo cấp cao. “Chúng ta nên chúc mừng những người ở Xerox. Họ xứng đáng được trao tặng huy chương”, bà nói.

2. Mickey Drexler (J. Crew)

Trước khi về J. Crew, Mickey Drexler đã có sự nghiệp 19 năm tại Gap và được gán biệt danh là “Hoàng tử buôn bán” – vì ông đã giúp thay đổi một chuỗi cửa hàng quần áo nhỏ với doanh số chỉ 400 triệu USD thành một thương hiệu của các hộ gia đình có giá trị đến 14 tỷ USD. Sau khi bị sa thải khỏi Gap vì doanh số bị đình trệ, ông gia nhập J. Crew vào năm 2003, ông Drexler là người dẫn dắt J. Crew đến thương vụ chào bán cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) thành công trong năm 2006, nhưng gần đây, công ty này gặp rất nhiều khó khăn để có được thành công trong ngành thời trang.

Mickey Drexler

Tuy nhiên, họ đã không thay đổi để thích ứng với cuộc cách mạng bán lẻ trực tuyến. “Tôi chưa bao giờ thấy mọi chuyện thay đổi nhanh như hiện nay. Nếu có thể trở lại 10 năm trước thì tôi đã có thể làm một số việc sớm hơn”, ông phát biểu hồi tháng 5 năm nay. Trong tháng tiếp theo, ông Drexler thông báo mình sẽ ra đi. Margot Fooshee, phát ngôn viên của J.Crew, cho biết kế hoạch về người kế nhiệm của công ty đã bắt đầu hơn một năm trước đó.

3. Mark Fields (Ford)

Mark Fields đã làm việc tại Ford 25 năm trước khi trở thành CEO hồi năm 2014. Doanh số công ty đã tăng trong suốt 3 năm điều hành của ông. Tuy nhiên, thị phần lại bị giảm, và cổ phiếu của Ford đã mất giá khoảng 40%, điều này khiến chủ tịch điều hành Bill Ford mất tin tưởng vào sự lãnh đạo của ông Fields và nói rằng nói rằng công ty cần phải tiến nhanh hơn để bắt kịp với công nghệ mới như xe tự hành và xe điện.

Mark Fields

Ford sa thải Mark Fields hồi tháng 5 và thay ông bằng Jim Hackett, cựu lãnh đạo của đơn vị Smart Mobility của chính công ty này, nơi tập trung vào các hình thức vận tải mới như lái xe tự động.

4. Jeff Immelt (GE)

Sau khi CEO huyền thoại Jack Welch ra đi hồi năm 2001, Jeff Immelt lên thay. Suốt 15 năm tiếp theo, ông đã có những thay đổi chiến lược, như thu hẹp quy mô của bộ phận tài chính từ 58 tỷ USD trong năm 2001 xuống còn 10 tỷ USD trong năm 2016. Ông tập trung vào các phân khúc như máy móc trong bệnh viện, bảo trì động cơ phản lực, và xăng dầu.

Jeff Immelt

Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng tài chính, doanh số công ty bị tuột dốc và tiếp tục trượt dài đến hết năm 2015. Tháng 6 năm nay, khi GE thông báo sự ra đi của ông Immelt, cổ phiếu công ty này trước đó đã giảm khoảng 25% so với ngày đầu ông đảm nhận vị trí CEO. Jeff Immelt nói rằng sự từ chức của ông là một phần trong kế hoạch kế nhiệm dài hạn đã có từ nhiều năm trước đó. Công ty này đã thay ông bằng “cựu binh” của GE là John Flannery.

5. Travis Kalanick (Uber)

Sau khi thành lập Uber vào năm 2009, Travis Kalanick nổi tiếng là một lãnh đạo năng động, sẵn lòng tìm kiếm sự tăng trưởng bằng mọi giá. Khi cố gắng đưa Uber vào hoạt động ở các thành phố mới, ông liên tục gặp phải sự phản đối từ các ủy ban taxi và chính quyền địa phương, và ông đã chọn cách đấu tranh, bằng cách tiến hành những chiến dịch chính trị để thuyết phục công chúng. Chiến dịch này thường có hiệu quả, Uber đã phát triển theo cách của họ và trở thành một công ty có mức định giá ấn tượng: 68 tỷ USD.

Travis Kalanick

Tuy vậy, sau khi trải qua hàng loạt bê bối và dưới áp lực từ các nhà đầu tư, ông Kalanick đã từ chức vào tháng 6 nhưng vẫn có mặt trong hội đồng quản trị. Vào tháng 8, Uber đã chọn Dara Khosrowshahi, cựu CEO của Expedia, làm CEO mới của họ.

6. Marissa Mayer (Yahoo)

Trước khi về Yahoo, Marissa Mayer gia nhập Google hồi năm 1999 với tư cách là nhân viên thứ 20. Bà đã thăng tiến qua nhiều chức vụ và trở thành một quản lý hàng đầu ở đây, nhưng được cho là bị Amit Singhal, người sau này gia nhập Uber, rút khỏi đội ngũ phụ trách công cụ tìm kiếm. Sau đó, bà Mayer về đảm nhiệm vị trí CEO của Yahoo trong năm 2012.

Marissa Mayer

Dưới sự lãnh đạo của bà, doanh thu của công ty này chỉ đi ngang, ở mức khoảng 5 tỷ USD, trong khi thu nhập ròng từ mức 4 tỷ USD trong năm 2012 bị biến thành lỗ 4 tỷ USD trong năm 2015. Vào tháng 07/2016, Verizon thông báo họ sẽ mua lại Yahoo với giá 5 tỷ USD, chỉ bằng 10% so với con số khoảng 50 tỷ USD mà công ty từng được định giá 10 trước đó. Bà Mayer chính thức từ chức vào tháng 6 năm nay, khi Verizon hoàn tất vụ thôn tính.

7. Bill McNabb (Vanguard)

Bill McNabb gia nhập quỹ tương hỗ Vanguard vào năm 1986 và trở thành CEO vào năm 2008. Trong thời gian ông nắm quyền, công ty này trở thành quỹ quản lý tài sản lớn thứ hai thế giới, với lượng tài sản tăng từ 1.25 ngàn tỷ USD lên thành 4 ngàn tỷ USD. Vào ngày đầu tiên của năm 2018 sắp tới, Tim Buckley, Giám đốc phụ trách đầu tư và là “cựu binh” đã gắn bó với Vanguard 26 năm, sẽ thay ông đảm nhiệm vị trí CEO. “Công ty này gọi đó là ‘kế hoạch kế nhiệm’. Đó là thời điểm phù hợp cho một lãnh đạo mới”, McNabb cho biết.

Bill McNabb

8. Irene Rosenfeld (Mondelez)

Irene Rosenfeld trở thành CEO của gã khổng lồ ngành thực phẩm Kraft hồi năm 2006. Trong một bước đi mạnh mẽ, bà đã mua lại công ty sản xuất sôcôla Cadbury với giá gần 20 tỷ USD hồi năm 2010, sau đó tách nó thành 2 doanh nghiệp: Kraft Foods và Mondelez. Bà đã chọn quản lý doanh nghiệp nhỏ hơn là Mondelez, nhưng suốt 5 năm qua phải vất vả để thúc đẩy tăng trưởng doanh số và lợi nhuận vì khẩu vị của người tiêu dùng đã thay đổi sang các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe hơn. Tại một hội nghị đầu năm nay, bà đã gọi bức tranh thực phẩm là “một trong những bức tranh dễ thay đổi và biến động nhất mà bà đã từng được chứng kiến trong 35 năm làm việc ở ngành này”.

Irene Rosenfeld

Bà thông báo sự ra đi của mình hồi tháng 8 và sau đó cho biết: “Chừng nào chưa tìm được người kế nhiệm phù hợp thì tôi chưa sẵn sàng để nghỉ hưu”. Dirk Van de Put, cựu CEO của công ty McCain Foods có trụ sở ở Canada, đã thay thế bà hồi tháng 11 vừa qua.

9. Howard Schultz (Starbucks)

Howard Schultz lúc đầu gia nhập Starbucks vào năm 1982 với vị trí Giám đốc hoạt động và tiếp thị. Ông đã mua lại doanh nghiệp này từ những người sở hữu hồi năm 1987 và cuối cùng phát triển nó thành một “thế lực” cà phê với 25,000 cửa hiệu. Trong thời gian ông giữ chức CEO từ năm 2008 đến 2016, cổ phiếu của Starbucks đã tăng vọt từ 9 USD lên thành 55 USD/cp. Ông Schultz từ chức hồi tháng 4 để tập trung vào Starbucks Reserve Roastery, một thương hiệu cửa hiệu cà phê cao cấp mới và ở đây một tách cà phê có thể có giá đến 12 USD. Cựu Chủ tịch và Giám đốc hoạt động của Starbucks là Kevin Johnson hiện thay thế ông ở vai trò CEO, nhưng ông Schultz vẫn là Chủ tịch điều hành.

Howard Schultz

10. Andrew Witty (GSK)

Andrew Witty trở thành người đứng đầu của gã khổng lồ ngành dược phẩm GSK hồi năm 2008, Sau khi đã gắn bó với công ty 23 năm. Suốt thời gian lãnh đạo của mình, ông đã cố gắng xây dựng một doanh nghiệp “có đạo đức” hơn, bằng những biện pháp như ngưng chi hoa hồng cho các bác sĩ, điều mà bị xem là hối lộ và khiến cho giá thuốc tăng vọt. GSK cũng tung ra được một vắc-xin sốt rét dưới thời lãnh đạo của ông.

Andrew Witty

Tuy nhiên, lợi nhuận của công ty này đã bị tụt lại so với các đối thủ. Từ năm 2008 đến 2016, giá cổ phiếu của GSK đã thua xa so với các đồng nghiệp khác như Pfizer, Merck và Novartis. Khi GSK thông báo chia tay Andrew Witty hồi tháng 03/2016, ông nói trong một cuộc phỏng vấn: “Tính đến năm tới, tôi đã giữ chức CEO gần 10 năm và tôi tin rằng đây sẽ là thời điểm phù hợp cho một lãnh đạo mới lên thay”. Emma Walmsley, cựu CEO bộ phận chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng của GSK, đã lên thay ông vào mùa xuân năm nay.

Nhã Thanh (Theo Forbes)

FiLi

Các tin tức khác

>   John Paul DeJoria: Hành trình từ người vô gia cư cho tới đế chế tỷ đô (18/12/2017)

>   Vascara đã thôi ẩn mình (15/12/2017)

>   Ở Việt Nam, 25% CEO và thành viên của HĐQT là nữ giới (14/12/2017)

>   Thủ tướng tin tưởng thanh niên là chiến binh khởi nghiệp (13/12/2017)

>   Cậu bé 6 tuổi thành triệu phú nhờ đánh giá đồ chơi (11/12/2017)

>   7 nguyên nhân khiến startup kinh doanh qua mạng dễ thất bại (09/12/2017)

>   Khởi nghiệp với robot gieo hạt xuất khẩu đi 14 nước (08/12/2017)

>   Kiếm 343 tỷ từ năm 24 tuổi, từng vượt xa Jack Ma, nay là truyền kỳ bất bại trong khởi nghiệp (07/12/2017)

>   Ngoài Khaisilk, khách còn than phiền về sơn mài Việt (07/12/2017)

>   Nở rộ kinh doanh thực phẩm online: Chất lượng ai kiểm soát? (06/12/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật