Thứ Tư, 22/11/2017 09:17

Toàn cảnh “mạng nhện” giao dịch quanh FLC

Việc UBCKNN vừa đồng thời phạt tiền đối với Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và ROS vì giao dịch lượng lớn cổ phiếu FLC và AMD nhưng không báo cáo đã để lại nhiều dấu hỏi cho nhà đầu tư: Liệu “mạng nhện” xung quanh đó có còn những bất thường khác hay không?

Mục đích gì đằng sau giao dịch “chui”?

Tại ĐHĐCĐ bất thường của Tập đoàn FLC (HOSE: FLC) diễn ra ngày 23/10, cổ đông đã thông qua việc Chủ tịch Trịnh Văn Quyết được nâng sở hữu FLC lên trên 25% vốn mà không phải chào mua công khai. Theo đó, ông Quyết đã đăng ký mua vào 37 triệu cổ phiếu FLC trong khoảng thời gian từ 20/11-19/12/2017 nhằm tăng sở hữu lên 30.12%.

Bất ngờ, ngay sau đó, UBCKNN công bố quyết định xử phạt ông Quyết về hành vi bán ra tới 57 triệu cổ phiếu FLC (8.9%) trong khoảng thời gian từ 20-24/10 mà không báo cáo dự kiến giao dịch.

Đáng lưu ý, thông tin Chủ tịch Quyết sẽ mua vào 37 triệu cổ phiếu FLC được tung ra thị trường lại chính là thời điểm thực hiện bán “chui” 57 triệu cp.

Trên thị trường, thị giá cổ phiếu FLC trong 4 ngày này dao động từ 7,140-7,350 đồng/cp. Như vậy, giao dịch “chui” trên đã đem lại cho ông Quyết khoảng hơn 400 tỷ đồng.

Biến động cổ phiếu FLC từ đầu năm đến nay

Trong khi đó, nhìn vào diễn biến giá của cổ phiếu FLC kể từ hôm ĐHĐCĐ bất thường đến nay liên tục đi xuống, giảm gần 14% từ mức 7,050 đồng chỉ còn 6,090 đồng/cp (14/11), sát thời điểm với Chủ tịch Quyết đăng ký mua vào 37 triệu cp trước đó. Điều này đồng nghĩa với việc mua vào 57 triệu cổ phiếu FLC (20 triệu cổ phiếu công bố ngay sau khi tin bị xử phạt xuất hiện) của Chủ tịch Quyết bỗng dưng có phần thuận lợi hơn khi bán cao mua thấp nhờ xu hướng giá xuống!

Ngoài ra, từ đầu năm 2017 đến thời điểm xôn xao gần đây, Chủ tịch Quyết đã 3 lần ra tay gom vào cổ phiếu FLC với tổng cộng 41 triệu cổ phiếu.

Những lần “ra tay” của Chủ tịch Quyết từ đầu năm đến nay

Cũng là giao dịch không báo trước, hồi tháng 10/2017, bà Trần Thu Hiền – em ông Trần Quang Huy - Phó Tổng Giám đốc FLC bị UBCKNN phạt 42.5 triệu đồng vì mua bán cùng lượng hơn 2.6 triệu cp FLC từ ngày 13/10 đến ngày 29/12/2016.

Đối với FLC Faros (HOSE: ROS), nơi ông Quyết sở hữu trên 67% vốn, cũng thực hiện bán “chui” hơn 13.6 triệu cp (21%) AMD Group (HOSE: AMD) trong cùng thời điểm Chủ tịch Quyết bán ra cổ phiếu FLC (20-24/10). Dù hồi 02/06, ROS đã gom vào 15.8 triệu cp AMD tại mức giá 19,250 đồng/cp, kéo cổ phiếu này tím trần liên tục nhiều phiên.

Biến động cổ phiếu AMD từ đầu năm đến nay

Liên quan đến cổ phiếu AMD, cũng phải nói thêm, từ đầu năm đến nay, ngoài ROS thì Chủ tịch và hai Thành viên HĐQT đã bán và mua lượng lớn cổ phiếu này vào thời điểm cổ phiếu biến động rất lớn, trần và sàn liên tục.

Giao dịch cổ phiếu lớn đáng chú ý tại AMD từ đầu năm đến nay

Giao dịch tại các “vệ tinh” như thế nào?

Với hai giao dịch âm thầm này đã khiến cổ đông không khỏi ngỡ ngàng và có lẽ cũng phải đề cao cảnh giác hơn với cả những vệ tinh còn lại như tại HAI, KLF ART bởi các vị lãnh đạo tại đây cũng rất “siêng” giao dịch.

Tại Chứng khoán Artex (UPCoM: ART), từ đầu năm đến nay có 4 giao dịch lớn đáng chú ý là sự thay nhau nắm giữ cổ phiếu của lãnh đạo FLC.

Cụ thể, ông Trịnh Văn Quyết đã mua vào 2 triệu cổ phiếu hồi đầu tháng 9 khi Sông Đà 9 thoái vốn tại đây. Ngược lại, Phó Chủ tịch FLC Lê Thành Vinh lại bán ra hơn 1.33 triệu cp ART và không còn là cổ đông lớn.

Giao dịch cổ phiếu lớn đáng chú ý tại ART từ đầu năm đến nay

Đáng nói, cổ phiếu ART đã có mức tăng rất ấn tượng từ khi đặt chân lên UPCoM (tháng 8/2017). Nghĩa là chỉ hơn 3 tháng, ART đã tăng vọt tới 292%, để lên mức trên 16,000 đồng/cp hiện nay.  Ngoài ra, về hoạt động kinh doanh, ART còn gây bất ngờ hơn khi lần đầu tiên lọt vào top 10 thị phần môi giới quý 1/2017 trên HOSE với vị trí áp chót nhưng sang quý 2 đã nhảy thêm 3 bậc để lên vị trí thứ 7.

Cũng không thể không nhắc đến Nông Dược H.A.I (HOSE: HAI), nơi mà FLC nắm giữ 17% vốn, khi mà cổ phiếu cứ liên tục trần rồi lại nện sàn nhiều phiên với khối lượng giao dịch rất lớn. Và có lẽ góp phần không nhỏ vào bức tranh thanh khoản đó không thể thiếu FLC.

Giao dịch cổ phiếu lớn đáng chú ý tại HAI từ đầu năm đến nay

Còn tại Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF (HNX: KLF), mặc dù không thấy bóng dáng chính thức của FLC hay ông Trịnh Văn Quyết nhưng có giao dịch của Phó TGĐ FLC và Thành viên HĐTQ ART. Ngoài ra, nổi lên không chỉ thời gian trước đây mà ngay cả bây giờ đó chính là Liên Thành Seafood khi có tới hơn 10 lần giao dịch cổ phiếu này, trong đó chủ yếu là “lướt sóng” khối lượng rất lớn.

Giao dịch cổ phiếu lớn đáng chú ý tại KLF từ đầu năm đến nay

Trong khi tại các mã này, giao dịch của nhóm liên quan khá sôi động thì tại ROS hoàn toàn ngược lại khi chỉ mỗi em gái ông Quyết là Trịnh Thị Minh Huế mua vào 1 triệu cổ phiếu. ROS cũng là cổ phiếu có mức giá “đỉnh” nhất trong nhóm này khi đạt đỉnh của năm tại ngày 03/11 ở mức 214,000 đồng/cp, và tính đến hiện nay đã nhảy vọt tới 1,462% so với hồi mới niêm yết.

Cổ phiếu dưới mệnh giá vẫn đồng loạt phát hành

Điểm chung tại những doanh nghiệp “vệ tinh” này là dù cổ phiếu nằm dưới mệnh giá (trừ ART, ROS) nhưng cùng đồng loạt lên kế hoạch phát hành lượng lớn cổ phiếu.

Biến động cổ phiếu KLF, HAI, ROS trong vòng 12 tháng qua


Mở màn cho việc phát hành trong năm 2017 này chính là FLC khi quyết định phát hành gần 150 triệu cp để sáp nhập CTCP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nông sản Fam theo tỷ lệ 1:1.07. Vốn điều lệ của FLC dự kiến tăng thêm gần 1,500 tỷ lên hơn 7,875 tỷ đồng.

Trong khi đó, Nông sản Fam thành lập đầu năm 2008, trước ngày 13/10/2017, vốn điều lệ của Công ty này ở mức 100 tỷ đồng. Đến ngày 13/10/2017, mức vốn này đã tăng lên 500 tỷ đồng và chỉ sau đó 1 tuần, tức ngày 19/10/2017, con số này tăng lên 1,600 tỷ đồng. 

Còn KLF sẽ phát hành riêng lẻ 53 triệu cp cho các nhà đầu tư chiến lược và 45 triệu cp cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 11:3 cùng với giá 10,000 đồng/cp.

HAI vừa nhận được quyết định chào bán hơn 67 triệu cp cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 7:4 với giá dự kiến 10,000 đồng/cp. Đây là đợt phát hành trong chủ trương tăng vốn từ 1,020 tỷ đồng lên 2,345 tỷ đồng của HAI. Sau đợt này, HAI sẽ phát hành đợt hai với hơn 50 triệu cp, tỷ lệ 11:3.

Còn tại ĐHĐCĐ thường niên tháng 6/2017, ART quyết định phát hành thêm tối đa 17.55 triệu cp để đẩy mạnh ký quỹ, ứng trước tiền bán chứng khoán, phát triển thị phần môi giới.

Riêng ROS, tháng 7/2017 đã quyết định dừng phương án phát hành 107.5 triệu cp cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 4:1 với giá chào bán dự kiến là 12,500 đồng/cp. Lý do chính để ROS đưa ra quyết định nói trên là với nguồn vốn sẵn có, nguồn doanh thu, lợi nhuận thu được ổn định và công tác huy động vốn từ các nguồn khác vẫn đang được thực hiện tốt, Công ty vẫn thu xếp đủ nguồn vốn để phục vụ cho các hoạt động kinh doanh, đầu tư đã được lên kế hoạch thực hiện trong năm 2017 và đầu năm 2018.

Cũng liên quan đến thay đổi vốn, ngày 09/11/2017, CTCP Trịnh Gia Việt Nam và những người bạn (TGFC) đã thay đổi vốn điều lệ từ mức 200 tỷ đồng xuống 63 tỷ đồng chỉ sau 5 tháng được thành lập. Trong đó, riêng ông Trịnh Văn Quyết vẫn giữ nguyên số cổ phần nắm giữ tại TGFC như ban đầu là 2 triệu cổ phiếu, tương đương vốn góp 20 tỷ đồng, chiếm 31.77% sau giảm vốn.

Thêm một nhân tố cũng gây bất ngờ trong năm 2017 tại FLC là việc quyết định thành lập Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Viet Bamboo Airlines) với vốn điều lệ 700 tỷ đồng, trong đó FLC góp 100% vốn. Ngành nghề chính của Hàng không Tre Việt là kinh doanh bất động sản, xây dựng nhà các loại, vận tải hàng hóa, vận tải hành khách và một số ngành nghề kinh doanh thương mại dịch vụ khác.

Hệ thống doanh nghiệp thường xuất hiện xung quanh ông chủ FLC

* Riêng sở hữu của FLC tại KLF là thời điểm cuối năm 2014
* KLF cũng đã thoái hết 24.5% vốn tại HAI hồi năm 2015

Minh An - Hiếu Nguyễn

FiLi

Các tin tức khác

>   HAR: Chuyển hướng M&A ồ ạt, hành trình “lột xác” có thành công? (22/11/2017)

>   20/11: Đọc gì trước giờ giao dịch? (20/11/2017)

>   Tuần 20-24/11/2017: 10 cổ phiếu “nóng” dưới góc nhìn PTKT của Vietstock (19/11/2017)

>   Phân tích kỹ thuật chứng khoán Việt Nam: Tuần 20-24/11/2017 (19/11/2017)

>   Thống đốc: Cho vay chứng khoán khoảng 10,000 tỷ đồng, giảm 40% so với cuối năm 2016 (17/11/2017)

>   17/11: Đọc gì trước giờ giao dịch? (17/11/2017)

>   KLF - Đà tăng vẫn còn duy trì (17/11/2017)

>   Nhiều vi phạm về thuế, Nhiên liệu Sài Gòn bị phạt gần 46 triệu đồng (16/11/2017)

>   CEE và PLX ra khỏi danh sách chứng khoán không được phép giao dịch ký quỹ (17/11/2017)

>   CTCP Quản lý và Xây dựng Giao thông Lạng Sơn bị phạt 85 triệu đồng (16/11/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật