HAR: Chuyển hướng M&A ồ ạt, hành trình “lột xác” có thành công?
Dù thực hiện hàng loạt động thái M&A thời gian qua nhưng nhiều nghi vấn vẫn còn hiện diện với định hướng mới của CTCP Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền (HOSE: HAR).
HAR: Chuyển hướng M&A ồ ạt, hành trình “lột xác” có thành công?
|
Được thành lập từ năm 2007 với vốn điều lệ vỏn vẹn 32 tỷ đồng, HAR đã trải qua 5 lần tăng vốn để nâng con số hiện tại lên 968 tỷ đồng. Định hướng ban đầu, HAR kinh doanh chính tại phân khúc bất động sản cho thuê. Thời buổi ấy, đây là phân khúc được đánh giá không đột biến nhưng ít chịu ảnh hưởng nhất từ chu kỳ suy thoái kinh tế. Tuy nhiên suốt thời gian hoạt động đó, HAR không đạt được hiệu quả như mong muốn trong khi quy mô vốn ngày một bành trướng, từ đó phát sinh “những cuộc tình chóng vánh” chỉ từ 1-2 năm gắn bó.
Cụ thể, về khoản vốn góp tại Phát triển nhà G Homes và Glenwood Horeca, với tổng giá trị đầu tư khoảng 90 tỷ đồng, se duyên năm 2016 song chỉ sau 1 năm HAR đã vội vàng rút lui. Được biết, cả 2 doanh nghiệp này đều làm ăn không mấy hiệu quả, khiến HAR đã phải trích lập tổng dự phòng hơn 1.5 tỷ đồng. Hay như Miền Đồng Thảo, tham gia góp vốn vào năm 2014 nhưng đến nay Công ty cũng chính thức nói lời tạm biệt.
Trước đó, HAR đã nhiều lần mua vào bán ra doanh nghiệp chỉ sau 1-2 năm nắm giữ. Điển hình như khoản đầu tư vào Đào tạo và Kinh doanh Bất động sản Âu Lạc, góp vốn trong năm 2012 nhưng đến năm 2013, Công ty đã hoàn tất thoái toàn bộ số vốn trên.
Tương tự đối với Thương mại và Xây dựng Long Sơn, đầu tư vào năm 2014, chưa đầy 2 năm HAR nhanh chóng thoái sạch vốn. Thậm chí, có thương vụ HAR cả đầu tư và thoái vốn diễn ra chỉ trong vòng một năm, đó là khoản đầu tư tại Cơ khí và Khoáng sản Bình Định vào năm 2013.
Sau những thương vụ không mấy thành công đó, đến thời gian gần đây, HAR đã tuyên bố chuyển hướng sang một chiến lược kinh doanh mới. Đó là thông qua M&A để tiếp cận các quỹ đất lớn nhằm đầu tư phát triển và kinh doanh bất động sản. Một lần nữa dấu chấm hỏi về sự thành công của HAR được đặt ra, khi mà hiện tại nội lực của Công ty còn khá khiêm tốn so với toàn ngành?
Hành trình “lột xác" có thành?
Trước đây, HAR cũng thực hiện nhiều thương vụ đầu tư mở rộng quỹ đất nhưng mục đích cũng chỉ phát triển trong phân khúc bất động sản cho thuê là chính.
Song đó là câu chuyện của quá khứ, còn ở thời điểm hiện tại, HAR đã có quyết định về sự thay đổi trong chiến lược kinh doanh, đó là đẩy mạnh M&A để mở rộng quỹ đất, thực hiện đầu tư, phát triển và kinh doanh bất động sản.
Có thể nói, chiến lược M&A kể từ đầu năm 2017 tại HAR thực sự quyết liệt hơn cả, dưới thời tân Chủ tịch Nguyễn Gia Bảo. Riêng 9 tháng đầu năm, HAR đã chính thức sở hữu dự án Nha Trang Coral Beach với quy mô 13.5 ha. Bên cạnh đó, Công ty cũng đã hoàn tất việc mua 51% vốn tại Cơ khí Ngân hàng, được biết đơn vị này hiện đang sở hữu 2 khu đất có địa thế đẹp ở Quận Phú Nhuận và Quận 5.
Đáng chú ý, ngày 11/10, HAR vừa công bố quyết định mua lại ít nhất 35% vốn CTCP Sản xuất Thương mại Phương Đông, tiền thân của thương hiệu nổi tiếng một thời Xà bông Cô Ba. Mục đích của thương vụ này chưa được HAR công bố, nhưng nhiều khả năng là Công ty đang nhắm đến là quỹ đất giá trị đơn vị này sở hữu.
Những động thái trên đã phản ánh thông qua lưu chuyển dòng tiền của Công ty tính đến ngày 30/06/2017. Đáng chú ý có lưu chuyển từ hoạt động đầu tư từ mức âm hơn 39 tỷ đồng đến nay đã ghi nhận dương 80 tỷ. Chưa hết, tiền và tương đương tiền cuối kỳ đạt hơn 133 tỷ đồng, tương đương mức tăng 24 lần so với con số 5.6 tỷ đồng đầu kỳ.
Hiện tại, HAR vẫn đang sở hữu 8 dự án cho thuê và đem lại dòng tiền ổn định. Cụ thể:
Cũng chính công cuộc M&A ồ ạt thời gian qua mà trên thị trường, cổ phiếu HAR đã tăng vọt từ vùng giá dưới 4,000 đồng/cp, đồng thời trở thành tâm điểm của nhà đầu tư với 2 con sóng tăng giá vào tháng 6 và tháng 9.
Hiện cổ phiếu HAR đang giao dịch tại mức 11,750 đồng/cp (30/10), tương ứng mức tăng hơn 344%. Nhận định về giá cổ phiếu HAR, PHS cho rằng mức giá hợp lý hiện nay là 14,871 đồng/cp, ước tính dựa trên phương pháp RNAV, tổng giá trị tương đương khoảng 1,502 tỷ đồng.
Giao dịch cổ phiếu HAR từ đầu năm đến nay
Có thể thấy động thái M&A của HAR từ đầu năm nay cũng là chiến lược của nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành đã đi trước. Điển hình có Đầu tư Kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH), đến nay KDH đã có quỹ đất lớn tại khu Đông TP.HCM như Quận 2 và Quận 9 sau một quá trình dài tìm kiếm. Hay Phát triển Nhà Thủ Đức (TDH) cũng đã thực hiện việc này mạnh mẽ, hiện TDH đang nắm giữ quỹ đất khá lớn và dự kiến tiếp tục phát triển cho kế hoạch 5-10 năm tới, thông qua nhiều hình thức tại các khu vực trung tâm TPHCM và Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận.
Tuy nhiên, khác với HAR, những doanh nghiệp kể trên đều đã có kinh nghiệm khá nhiều trong việc đầu tư, phát triển và kinh doanh bất động sản. HAR từ thế mạnh ở phân khúc bất động sản cho thuê thì liệu rằng có thành công ở chiến lược mới này hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Bởi phát triển và kinh doanh một dự án cần phải mất một thời gian dài mới thấy được kết quả.
Nhiều năm liền không hoàn thành kế hoạch, năm 2017 liệu sẽ khác?
Không riêng đầu tư, hoạt động kinh doanh tại HAR cũng không mấy khả quan khi nhiều năm liền không đạt chỉ tiêu đề ra, mặc dù kế hoạch đã được điều chỉnh giảm dần đều. Đáng kể nhất là năm 2013, HAR chỉ thực hiện được 34% kế hoạch doanh thu và 21% kế hoạch lãi ròng.
Quý 2/2017, nhờ ghi nhận hơn 11 tỷ đồng từ hoạt động chuyển nhượng vốn góp tại GHomes, HAR đánh dấu quý kinh doanh cao thứ hai kể từ khi niêm yết. Mới đây nhất, Công ty cũng đã công bố thoái vốn tại 2 đơn vị Miền Đồng Thảo và Glenwood Horeca.
|
Bước sang năm 2017, Công ty đặt kế hoạch doanh thu đạt 95.6 tỷ đồng và 18.8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. So với thực hiện năm 2016, con số này ghi nhận một bước đi thụt lùi. Tuy nhiên, theo như chia sẻ của tân Chủ tịch Nguyễn Gia Bảo ước lợi nhuận quý 3/2017 sẽ đạt con số rất ấn tượng, cùng công tác cấp rút thoái vốn tại những đơn vị kinh doanh ngoài ngành để tạo nguồn tiền. Theo đó, Công ty đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2017 với doanh thu tăng 25.6% lên mức 120 tỷ, lợi nhuận sau thuế tăng hơn 40% lên 26.4 tỷ đồng.
* HAR: Bất ngờ điều chỉnh kế hoạch lãi 2017 tăng mạnh 40%
Đúng với dự đoán của Chủ tịch, lãi hợp nhất quý 3 của HAR đạt hơn 11 tỷ đồng, tăng đáng kể so cùng kỳ, và cũng là quý thứ hai liên tiếp có lãi tăng trưởng sau quý 4/2016 và quý 1/2017 thua lỗ. Đà tăng lợi nhuận đến từ hai nguồn: (1) Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (tăng hai lần lên 12 tỷ đồng); (2) Cùng doanh thu từ hoạt động tài chính tăng mạnh lên hơn 18 tỷ đồng. Trong đó, riêng lãi đầu tư cổ phiếu, chứng khoán đóng góp hơn 10 tỷ đồng.
Thực hiện so với kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2013-9T2017
Như vậy, lũy kế 9 tháng đầu năm, HAR đạt 41 tỷ đồng doanh thu và 21.5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt thực hiện được 34% và 81% chỉ tiêu năm. Kết quả này cho thấy sự cải thiện tích cực trong hoạt động kinh doanh của HAR so với nhiều năm trở lại đây. Hơn nữa, với những gì tích góp hôm nay, phía HAR khá tự tin về tương lai khi đặt kế hoạch lãi ròng gần 700 tỷ đồng đến năm 2020.
Tính đến ngày 30/09, tổng tài sản HAR đạt 1,264 tỷ đồng, đáng chú ý có tài sản cố định tăng từ 237 tỷ lên 262 tỷ đồng. Trong đó, tài sản cố định hữu hình tăng lên 7 tỷ, với nguyên giá tăng mạnh hơn 3 lần lên 15 tỷ đồng. Tài sản cố định vô hình cũng tăng gần 9% lên 255 tỷ đồng.
Mặc dù cần nhiều vốn để M&A, song nguồn nợ vay ngân hàng tại HAR lại giảm đáng kể, nợ vay dài hạn giảm mạnh từ 170 tỷ về 155 tỷ đồng, nợ vay ngắn hạn gần cũng điều chỉnh. Dòng tiền 9 tháng đầu năm ghi nhận âm hơn 66 tỷ đối với hoạt động kinh doanh, tuy nhiên nhờ thu hồi hơn 187 tỷ từ thu hồi vốn góp mà lưu chuyển tiền đầu tư tăng 14 lần, đạt 156.6 tỷ đồng.
Hiếu Nguyễn
FiLi
|